Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đích đến là chất lượng nhân lực

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục được đưa ra Quốc hội thảo luận, cũng là lúc các kỳ thi quan trọng với học sinh phổ thông đang cận kề.

Câu chuyện phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp THPT không chỉ được quan tâm ở nghị trường Quốc hội mà cả trong dư luận. Có ý kiến cho rằng, phân luồng không chỉ nằm ở con số tỷ lệ phần trăm học sinh chọn loại hình gì khi chuyển cấp, mà cần tính đến những yếu tố đặc thù của địa phương để đích đến cuối cùng là nâng chất lượng nguồn nhân lực. 
 
Trong những năm qua, vấn đề hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông luôn “nóng” mỗi mùa thi. Với bậc THCS, việc phân luồng được thực hiện trên cơ sở giảm tỷ lệ học sinh vào các trường THPT công lập, tạo cơ hội tuyển sinh thuận lợi cho các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở đào tạo nghề... Trong đề án của Bộ GD&ĐT về vấn đề này vừa được phê duyệt, cũng đưa ra con số phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Đây cũng là con số nhiều địa phương đã đặt ra và cố gắng thực hiện.

Phải khẳng định rằng, việc phân luồng là chủ trương đúng, qua đó nhằm định hướng cho học sinh sớm có sự lựa chọn nghề nghiệp, tạo cho các em nhiều cơ hội để lập nghiệp thay vì chỉ có con đường duy nhất là vào THPT rồi đại học. Tuy nhiên, thực tế cũng không dễ dàng gì. Từ bức tranh các mùa tuyển sinh vào lớp 10 có thể thấy, học sinh và phụ huynh, đặc biệt ở TP vẫn không mặn mà với chủ trương phân luồng sau THCS như lâu nay. Hầu hết chưa có ý định để con học xong lớp 9 là đi học nghề, làm thợ mà vẫn cần tiếp tục học hết bậc THPT... rồi tính. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng tỏ ra thiếu tin tưởng vào cơ sở đào tạo nghề, chất lượng đào tạo và lo lắng cho tương lai nghề nghiệp của con em mình. Bởi thế, nếu không thi được vào trường THPT công lập, sẽ chuyển sang công lập, thậm chí “cất công” chuyển về các vùng xa hơn tăng khả năng đỗ.

Từ đó, có ý kiến cho rằng, câu chuyện phân luồng sau THCS hiện nay không chỉ nên đơn thuần là chuyển hướng từ học THPT sang học nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên. Điều quan trọng nhất là phải phân luồng đúng đối tượng, đúng mục đích và làm tốt công tác hướng nghiệp, giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp trong tương lai theo đúng sở thích, đam mê và điều kiện thực tế của bản thân, nhu cầu xã hội.

Ở các TP lớn như Hà Nội, khi mọi điều kiện đều phát triển, luôn có nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao, việc hạn chế số lượng học sinh được học lên THPT, mà phân luồng sang học trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề chưa hẳn đã là một giải pháp hợp lý. Điều quan trọng là phải tăng cơ hội được tiếp cận các loại hình đào tạo chất lượng cao cho học sinh, cần có nhiều hơn các trường THPT đạt chuẩn, để tăng hơn tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT. Nói khác đi, hướng nghiệp, phân luồng cũng cần tính đến những yếu tố đặc thù, để đáp ứng được nhu cầu thực tế của cả người học và xã hội. Để làm được việc ấy rất cần sự chung tay của cả ngành giáo dục và địa phương, tăng đầu tư để tăng số lượng trường lớp đạt tiêu chuẩn, giúp mọi học sinh có nguyện vọng và khả năng đều được tiếp cận cơ hội học cao hơn, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng tốt hơn.