Xuất hiện chủng virus nguy hiểm
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, đến nay toàn TP đã ghi nhận hơn 1.600 ca mắc tay chân miệng, phân bố rải rác ở 432 xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, TP không có ổ dịch lớn, nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng, hầu hết các trường hợp mắc nhẹ, tự khỏi, không có trường hợp nào tử vong. Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi đến khám do mắc tay chân miệng. Chị Nguyễn Thị Hằng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi T.Ư trưa 3/10 cho biết, bé nhà chị 8 tháng tuổi, sốt cao 2 ngày liên tiếp, ho nhiều, bỏ bú. “Đến sáng nay tôi phát hiện tay cháu nổi vài nốt nhỏ màu đỏ trên da nên đưa đi khám, ban đầu cả nhà tưởng cháu bị sởi nhưng đi khám mới biết bị tay chân miệng. May là cháu chỉ bị nhẹ nên bác sĩ cho về nhà theo dõi” – chị Hằng chia sẻ.Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư Trần Minh Điển cho biết, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận hơn 200 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, nhiều ca biến chứng khác hơn so với mọi năm có liên quan đến các vấn đề về nhiễm trùng thần kinh T.Ư. Đặc biệt, BV đã ghi nhận hơn 10 bệnh nhi mắc tay chân miệng nhiễm chủng EV71. “Nhóm mắc virus EV không nhiều, đặc biệt là EV71. Đây là chủng virus có đặc tính lây lan nhanh, gây sốt cao, dẫn đến nhiều biến chứng nặng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh. EV71 cũng được biết đến như một loại virus có vai trò gây viêm não và các hội chứng não cấp, làm cho bệnh nặng hơn” – PGS.TS Trần Minh Điển cho hay.Rửa tay phòng bệnhPhó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư Đỗ Thiện Hải cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Trẻ mắc tay chân miệng đa phần có diễn biến nhẹ, nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm và diễn biến bệnh rất nhanh chỉ trong vài giờ. Bởi vậy, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn đến tử vong. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng, ngoài những biểu hiện nổi mẩn, bóng nước ở tay chân và trong niêm mạc miệng…, trẻ mắc tay chân miệng thường quấy khóc dai dẳng kéo dài, giật mình trong lúc thiu thiu ngủ (dấu hiệu nhiễm độc thần kinh) với tần suất trẻ giật mình trên 2 lần trong 30 phút kèm sốt cao khó hạ trên 2 ngày thì phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế.Theo bác sĩ Hải, bệnh tay chân miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bởi vậy, khi mắc bệnh với các biểu hiện nhẹ cần phải đặc biệt chú ý khi chăm sóc. Theo đó, với các tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các bậc phụ huynh cần dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad… Ngoài ra, cần phải vệ sinh da để tránh trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn bằng cách tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt… Để phòng bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.