Dịch virus Corona tại Trung Quốc: Lo ngại cho kinh tế Việt Nam

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lây lan dịch viêm phổi do virus Corona mới (nCoV) tại Trung Quốc sang các nước khác đang làm dấy lên mối lo ngại là cú đánh vào các nền kinh tế và Việt Nam cũng không nằm ngoài khả năng đó.

Xe container chở thanh long ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh khi giao thương với Trung Quốc tạm dừng để đối phó dịch viêm phổi cấp do virus Corona, ngày 31/1. Ảnh: Hoài Phương
Tác động hai chiều thương mại, du lịch
Theo TS Nguyễn Minh Phong, thiệt hại đầu tiên là chi phí tiền của liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ. Bộ Tài chính yêu cầu các lực lượng trực thuộc hướng dẫn bố trí kinh phí, hàng dự trữ để cấp cho các bộ, ngành, địa phương phòng chống dịch theo quy định và chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, Tổng cục Dự trữ chuẩn bị hàng dự trữ quốc gia để cấp cho các bộ, ngành, địa phương có dịch khi có yêu cầu.
Theo thống kê, hiện có khoảng gần 270 xe chở thanh long xuất khẩu bị ùn ứ tại các cửa khẩu của Lào Cai và Lạng Sơn, buộc phải quay đầu về nội địa tiêu thụ do Trung Quốc tạm ngừng thông quan để phòng ngừa dịch viêm phổi do virus Corona gây ra. Trong đó, riêng tại cửa khẩu Lào Cai có gần 3.000 tấn thanh long bị ùn ứ. Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8/2 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3/2) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, các ngành dịch vụ như du lịch, kinh doanh khách sạn và nhà hàng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2020, Việt Nam đón số lượng khách quốc tế cao nhất từ trước đến nay, đạt 1.994.100 lượt người, trong đó khách quốc tế đến Việt Nam từ châu Á đạt 1.543.900 lượt người, chiếm đến 77,4% tổng số khách quốc tế. Riêng lượng du khách đến từ Trung Quốc là cao nhất, đạt gần 650.000 người. Tuy nhiên, số liệu thống kê còn cho thấy đã có 1.663 lượt khách du lịch Việt Nam hủy tour đi Trung Quốc. Đồng thời, một số công ty du lịch tại Việt Nam ghi nhận tỷ lệ khách nước ngoài hủy tour du lịch ở Việt Nam khoảng 20%, chủ yếu là du khách Trung Quốc. Các tour bị hủy được kéo dài đến tháng 4/2020. Một số DN tiết lộ, họ bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng mùa cao điểm đón khách dịp Tết Canh Tý do virus nCoV gây ra.
Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (kể từ năm 2004), là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Trong khi Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong số 10 nước thành viên ASEAN kể từ năm 2016 và là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc trên toàn thế giới. Trong những ngày qua, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã theo dõi sát tình hình bệnh dịch viêm phổi do virus Corona gây ra để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất, nhập khẩu.
Do việc chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực của Việt Nam. Do đó, khi virus Corona bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang quốc gia này. Riêng về nông sản, hoạt động bán nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc gần như “tê liệt”. Điều này khiến giới kinh doanh nông sản Việt Nam lo lắng ngay những ngày đầu năm mới.
Chủ động ứng phó
Về mặt dài hạn, virus Corona giáng đòn mạnh lên Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn chưa kịp phục hồi sau thương chiến với Mỹ. Các nền kinh tế châu Á lao đao vì dịch virus Corona tại Trung Quốc như Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… “Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng” - Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, DN Việt Nam, đặc biệt là những DN kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống DN Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. Hơn nữa, các DN cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.
Vào năm 2002 khi SARS xuất hiện (hội chứng Hô hấp cấp tính nặng), trong 6 tháng hoành hành, dịch SARS đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới du lịch, kinh tế, chính trị và xã hội của nhiều nước. 774 bệnh nhân thiệt mạng, thiệt hại khoảng 40 tỷ USD trên toàn thế giới. Với dịch nCoV , không chỉ riêng Bộ Y tế, các bộ ngành khác như Công Thương, KH&ĐT, NHNN… cần tính toán đến những khó khăn ngành mình gặp phải, xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với ảnh hưởng của dịch bệnh, từ đó có những biện pháp, hành động cần thiết.
TS Lê Đăng Doanh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần