KTĐT - "Chật vật" để tìm thuê xe, khách hàng còn phải đối mặt với nhiều phiền toái khác với dịch vụ này trong thời gian cao điểm Tết. Ngày thường, khách thuê xe có nhu cầu kéo dài thêm thời gian thuê, cửa hàng sẵn sàng đáp ứng.
Còn hơn một tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng các dịch vụ cho thuê phục vụ Tết như xe cộ, bảo vệ, ôsin... cung không đủ cầu.
Với sự khan hiếm này, để có được người giúp việc, trông nhà, hay "xí phần" được một chiếc ô tô đi chơi Tết, khách hàng phải móc ví nặng tay.
Muốn có xe... chờ đến mùng 10 Tết!
Dịch vụ thuê xe tự lái, có lái, bình thường các "thượng đế" chỉ cần nhấc điện thoại là có xe theo yêu cầu nhưng để thuê xe trong mấy ngày Tết lại không dễ. Theo các chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này, mùa Tết vượt cả mùa du lịch, nghỉ hè, là mùa làm ăn "phát" nhất của các doanh nghiệp cho thuê xe. Đời sống người dân ngày càng cải thiện, chưa đủ tiền sắm xế hộp nhưng chỉ cần bỏ ra mươi triệu đồng là khách hàng đã có được một chiếc ô tô để du Xuân. Những ngày cận Tết, khách hàng chủ yếu là tầng lớp trẻ có nhu cầu đi mua sắm, chúc tụng. Trong Tết, khách hàng là các hộ gia đình có nhu cầu thuê xe về quê. Ra Tết, vào mùa lễ hội khách hàng thuê xe chủ yếu để đi lễ chùa đầu năm. Nhu cầu bùng phát, trong khi chủ doanh nghiệp luôn trong tình trạng "cháy xe", không đáp ứng xuể thì khách hàng lại "méo mặt" khi đi thuê.
Lần tìm, liên lạc với hàng chục công ty cho thuê ô tô trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đều nhận được câu trả lời quen thuộc "hết xe". Đại diện Công ty vận tải Hoàng Giang (Đống Đa - Hà Nội) cho biết đã hết xe cho thuê Tết, khách hàng có nhu cầu phải đợi ra mùng 10 Tết mới có xe. Một số doanh nghiệp khác cho biết, muốn đặt được xe thì phải... gọi điện liên tục để "chớp" vận rủi của người khác khi họ hợp đồng. Để "xí phần" được một chiếc ô tô trong dịp này, khách hàng phải liên hệ trước cả tháng, thậm chí có nơi còn phải đặt cọc thuê xe, đặt cọc nhận và giao xe đúng thời hạn. Phí đặt cọc cũng tùy từng doanh nghiệp, có nơi chỉ cần vài trăm nghìn làm tin, có nơi lên đến bạc triệu.
"Chật vật" để tìm thuê xe, khách hàng còn phải đối mặt với nhiều phiền toái khác với dịch vụ này trong thời gian cao điểm Tết. Ngày thường, khách thuê xe có nhu cầu kéo dài thêm thời gian thuê, cửa hàng sẵn sàng đáp ứng. Trong những ngày Tết, nếu nhỡ sai hẹn trả xe, khách hàng thậm chí còn phải chịu "phạt" bằng số tiền đặt cọc cộng với giá thuê theo ngày đã thỏa thuận. Một bà chủ có thâm niêm gần chục năm trong nghề cho thuê xe hơi cho biết, ngày Tết nhu cầu xe quay vòng cao, lịch trình xe phải chắc chắn để còn kịp về chạy "tour" khác. Ngày thường khách thuê ít hơn nên áp lực quay vòng của xe không lớn, ngày Tết, xe chỉ về chậm vài tiếng đồng hồ là mất hợp đồng.
Giá cả cũng là vấn đề "nóng" trong thời điểm này, đại diện Công ty du lịch Quốc Tế cho biết giá thuê xe tùy thuộc vào quãng đường đi và chủng loại xe. Với lộ trình Hà Nội - Hà Tĩnh, thuê xe trong mấy ngày Tết, nếu xe 4, 7, 15 chỗ khách hàng phải trả số tiền tương ứng là 4; 4,5; 5,2 triệu đồng đính kèm chú ý: "Từ nay đến 30 Tết giá không đổi, trong Tết tăng thêm 30%. Từ mùng 5 âm lịch trở đi tăng thêm 10% so với giá trên”. Theo các khách hàng, với mức tăng lên đến 30% nhưng chỉ trong mấy ngày Tết thì có thể chấp nhận và thực tế dịch vụ này vẫn "đắt sô", "cháy hàng".
Ô sin... lên ngôi
Với nhiều gia đình ở thành phố, sự lo lắng trong những ngày Tết lại lo "ô sin" đồng loạt xin... nghỉ. Hơn một tuần nay vợ chồng chị Hương (Mễ Trì Hạ -Từ Liêm- Hà Nội) vừa tất bật với việc kinh doanh lại vừa phải thay nhau đi "săn" ô sin để lấp chỗ trống cho bà giúp việc đang nằng nặc đòi nghỉ Tết về quê. Chị Hương cho biết, cùng thời điểm này năm ngoái vợ chồng chị cũng lâm vào tình trạng tương tự khi cô giúp việc trẻ tuổi xin về quê lấy chồng. Rút kinh nghiệm, anh chị tìm người giúp việc lớn tuổi để tránh tình trạng bỏ việc giữa chừng. Bà giúp việc hiện nay là người thỏa mãn mọi yêu cầu của anh chị. Vậy nhưng "tránh không khỏi nắng", để tìm người thay thế, anh chị thay nhau lùng sục hết mọi trang web có thông tin về người giúp việc nhưng khi liên hệ thì đều bị nhà khác "nẫng tay trên". Quá bức bối, anh chị bỏ tìm trên mạng mà thay nhau đến thẳng các trung tâm môi giới việc làm để tìm người nhưng cũng không ăn thua. Chị Hương than thở, chỉ còn vài ngày nữa bà cụ xin nghỉ, công việc đang rối như tơ vò, đúng là khổ như... tìm ô sin.
Đại diện Văn phòng Giới thiệu việc làm JOS (88 Trần Nhật Duật - Hà Nội) cho biết, hiện không có người để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Tết. Phần lớn những người giúp việc đăng ký tại Văn phòng đều "mất liên lạc" trong những ngày cận Tết, hoặc đều xin nghỉ về quê. Dù vẫn biết trước nhu cầu tìm người giúp việc trong ngày Tết gia tăng đột biến nhưng quả thực không "đào" đâu ra đủ "cầu".
Cùng chung tình trạng "cháy" người như các trung tâm giới thiệu việc làm, nhu cầu thuê bảo vệ tăng cao cũng đẩy những công ty cung ứng dịch vụ này vào thế bí. Bình thường dịch vụ này chỉ cung ứng người cho các công ty, doanh nghiệp lớn nhưng trong thời gian Tết nhu cầu lại đa dạng hơn. Tại các thành phố lớn, rất nhiều gia đình về quê ăn Tết có nhu cầu thuê người bảo vệ. Các công ty, doanh nghiệp để đảm bảo an toàn cho công sở cũng có nhu cầu thuê thêm vệ sỹ. Thậm chí các công trình đang thi công dở cũng cần thuê thêm người để trông coi. Tâm lý chung của khách hàng muốn đến các công ty có uy tín, có người được đào tạo để thuê mà số lượng các công ty dạng này chưa nhiều nên cung không đủ cầu là điều dễ hiểu.