Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dịch vụ đổi tiền lẻ nhộn nhịp cuối năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kintedothi - Còn gần 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nhưng thị trường đổi tiền lẻ đã khá nhộn nhịp, với mức phí lên tới 15%.

Dịch vụ này bắt đầu rục rịch từ tháng 10 Âm lịch và sôi động cách đây khoảng 1 tuần. Việc giao dịch đổi tiền lẻ diễn ra cả ở các cửa hàng, chợ, nhưng sôi động nhất là thị trường online. Nhiều trang fanpage, website chuyên đổi tiền lẻ được lập ra như: “Đổi tiền lẻ giá rẻ”, “Đổi tiền mới”, “Đổi tiền lẻ lì xì”… thu hút đông đảo người quan tâm, giao dịch. Không chỉ các website, fanpage, nhiều cá nhân cũng tranh thủ lập hội nhóm, đăng thông tin và giá cả dịch vụ công khai trên mạng xã hội.

Dịch vụ đổi tiền lẻ nhộn nhịp trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh minh họa
Dịch vụ đổi tiền lẻ nhộn nhịp trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ảnh minh họa

Để thu hút khách hàng, các tổ chức, cá nhân này đưa ra các quảng cáo hấp dẫn như “đổi tiền lẻ nguyên series”, “đổi tiền lẻ giá rẻ”, “đổi tiền mới giá rẻ”...

Theo lời quảng cáo, tiền có mệnh giá càng nhỏ thì phí đổi càng cao, dao động từ 3 - 15%. Nhiều nơi còn yêu cầu khách hàng phải chuyển khoản đặt cọc trước 10% giá trị tiền đổi.

Trong vai một khách hàng gọi đến dịch vụ đổi tiền lẻ, phóng viên được giới thiệu cặn kẽ các mức giá khi giao dịch đổi tiền. Theo lời giới thiệu của đơn vị này, khách hàng có thể đổi mọi mệnh giá và muốn đổi bao nhiêu cũng có. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng có phí đổi là 13%; loại 20.000 phí đổi là 6%; loại 50.000 đồng phí đổi là 5%...

Ngoài dịch vụ đổi tiền lẻ, trên thị trường còn bán cả tiền lẻ 1 USD, 2 USD, tiền mạ vàng có in hình 12 con giáp…

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, việc đổi tiền lẻ kiếm lời ăn phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và có thể bị phạt tiền. Cụ thể, tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng đã quy định rõ, hành vi đổi tiền trái phép có thể bị phạt lên tới 80 triệu đồng. Trong đó, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.

Từ nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chủ trương không phát hành tiền lẻ mới vào dịp Tết Nguyên đán. Cách đây nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước cũng nghiêm cấm cán bộ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức lợi dụng, tiếp tay, cung cấp các loại tiền mới cho các đối tượng kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch.

Mặc dù vậy, dịch vụ này vẫn hàng ngày diễn ra công khai trên thị trường truyền thống lẫn online. Vì vậy, người dân cần đề cao cảnh giác với các dịch vụ này, tránh “tiền mất tật mang”.