Thói quen thay đổi
Anh Đoàn Đức Minh (30 tuổi, trú tại Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân) cho biết, gia đình đã lên kế hoạch, tổ chức đi du lịch lên Lào Cai rồi sang thị trấn Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) trong 3 ngày cuối tuần. Điều đáng nói, mặc dù có xe ô tô riêng nhưng anh cùng 12 thành viên trong nhà quyết định thuê 1 xe hợp đồng 16 chỗ có tài xế lái để đi cùng nhau.
Theo anh Minh, việc thuê xe có lái như vậy sẽ đỡ việc phải mượn người thân, bạn bè 1 chiếc xe nữa để đi lại và cũng đồng thời có thể được ăn, uống thoải mái, giao lưu uống rượu với nhau mà không lo đến việc bị CSGT xử phạt vì lỗi nồng độ cồn.
"Tính đi tính lại, tôi thấy thuê xe có lái là thuận tiện nhất, vì nếu mượn người thân, bạn bè ô tô để đi lại nếu có va, đụng hay bị phạt nguội cũng làm mất uy tín của mình. Đi chơi, du lịch khó tránh khỏi việc sẽ tổ chức ăn, uống với nhau. Nếu có cốc bia, chén rượu, uống say lên xe ngủ yên tâm có tài xế chở về" - anh Minh cho hay.
Trong khi đó, với ông Nguyễn Nam (50 tuổi, trú tại Thụy Khuê, quận Tây Hồ) cho biết, nhóm bạn của ông dự định tổ chức đi thăm đền chùa từ Hà Nội lên Lạng Sơn. Đường đi xa, nhóm của ông đã quyết định sử dụng dịch vụ vận tải bằng hình thức xe hợp đồng để cuộc đi chơi được thoải mái, vui vẻ.
"Chúng tôi đi xa thì thuê xe hợp đồng có tài xế lái vừa lành lại còn an toàn mà nhiều ưu điểm như không mất tiền đổ xăng, gửi xe. Đi chơi mà dùng xe riêng, người lái xe nhìn anh em uống mà mình ngồi ăn thì thiệt thòi quá" - ông Nam chia sẻ.
Đánh giá nhu cầu đi lại của người dân trong các tháng đầu năm 2023 có xu hướng gia tăng chủ yếu bao gồm: Đi du Xuân, lễ chùa, lễ hội... sẽ không tránh khỏi lạm dụng, sử dụng rượu, bia trong chuyến đi. Cùng với đó, thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đang tăng cường ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm về các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Do đó, sử dụng dịch vụ vận tải thông qua hình thức xe hợp đồng đang được người dân ưu tiên.
Dịch vụ... đắt hàng
Anh Đoàn Ngọc Nam (33 tuổi, trú tại Phú Thượng, quận Tây Hồ), chủ một địa chỉ cho thuê xe có lái, xe hợp đồng và tự lái chia sẻ, từ khi ra Tết đến nay, hơn 5 xe có tài xế lái của anh không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, tất cả trong tình trạng kín lịch. Trong khi đó các loại xe tự lái khá trầm lắng, nhu cầu không mấy khả quan.
"Từ đầu năm tới nay, người dân thuê xe để đi chơi, đặc biệt vào những ngày cuối tuần và đặt lịch cho dịp 8/3 tới đây thường hay đặt xe có tài hoặc hợp đồng theo trọn gói một kỳ nghỉ từ 3 ngày trở lên, nhu cầu lớn dẫn tới điện thoại của tôi luôn trong tình trạng "nóng máy". Dự định sắp tới tôi sẽ mua thêm xe để đáp ứng nhu cầu của khách" - anh Nam cho hay.
Theo anh Nam, dòng hot nhất chính là các xe 16 chỗ như Ford Transit bởi chở được nhiều người, chi phí thấp, phù hợp với những đoàn nhỏ khoảng 7-12 người. Khách hàng đều chia sẻ, đi chơi nếu đi xe riêng rất sợ bị CSGT thổi phạt, như thế sẽ không may mắn cho chuyến đi.
Về giá thuê, đối với dòng xe 4 chỗ phổ biến có các mẫu như VinFast Fadil, Hyundai i10, Toyota Vios, Mazda3… ngày thường dao động từ 600.000 - 800.000 đồng, còn cuối tuần có thể tăng lên 900.000 -1 triệu đồng/ngày; các dòng xe gầm cao hoặc 7 chỗ như Mitsubishi Xpander, Toyota Innova, Fotuner, Honda CR-V… giá cao hơn một chút. Đối với các xe 16 chỗ trở lên có giá thấp nhất khoảng 2 triệu đồng/ngày tự lái hoặc sẽ thỏa thuận giá nếu thuê kèm cả tài xế.
Bên cạnh đó, dịch vụ thuê tài xế chở về từ các quán nhậu cũng trở nên thịnh hành thời gian gần đây do e ngại bị phạt. Nhiều khách nhậu đã lựa chọn phương tiện taxi, xe ôm cùng với thuê người lái xe của chính mình để di chuyển.
Anh Phạm Duy Tùng, lái xe đưa đón nhân viên cho một DN hàng ngày nhưng hết giờ làm anh nhận thêm việc lái xe hộ cho khách hàng từ các quán nhậu về nhà khi gần đây CSGT tăng cường xử phạt. Nhu cầu nhiều cũng làm công việc của anh trở nên bận rộn hơn. Cũng theo chia sẻ của anh Tùng, dù chỉ là công việc "tay trái" nhưng cũng đem đến cho lái xe này nguồn thu nhập kha khá. Những lần chở khách như vậy, giá tối thiểu cho một chuyến vào khoảng 500.000 đồng/buổi tối và 100.000 đồng/giờ tiếp theo.
Theo Nghị định 100/2019, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước GPLX đến 24 tháng, còn với người điều khiển xe máy, mức phạt từ 6 - 8 triệu đồng, tước GPLX đến 2 năm.