Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm chuẩn đại học sẽ giảm?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (11/7), Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT Quốc gia 2018. Dù chưa có phổ điểm thi các môn, nhưng dựa vào tình hình đề thi, nhiều trường đại học (ĐH) dự kiến điểm chuẩn sẽ giảm sâu.

Trường top trên, top giữa giảm 1 – 2 điểm
Hiện các trường đang chờ phổ điểm thi do Bộ GD&ĐT công bố để tính toán điểm sàn nhận hồ sơ. Vì thế, rất khó để nhận định chính xác điểm chuẩn các ngành năm 2018. PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân cho biết: “Năm nay, có thể điểm trúng tuyển giảm nhiều so với năm 2017, nhất là những ngành có điểm chuẩn cao sẽ thấp hơn từ 1 – 2 điểm. Tuy nhiên, điểm trúng tuyển các ngành của trường sẽ cao hơn nhiều trường khác”. Ông Triệu dự kiến những ngành “hot” sẽ có điểm trúng tuyển cao như Kế toán, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế. Những ngành mới mở sẽ có điểm chuẩn thấp hơn, do thí sinh (TS) ít chú ý như: Kinh tế phát triển, Khoa học quản lý (Quản lý kinh tế), Quản lý công, Quản lý tài nguyên và môi trường, Luật Kinh tế, Quản lý đất đai, Công nghệ thông tin.
 Thí sinh trao đổi bài sau khi thi THPT Quốc gia 2018. Ảnh:  Thanh Hải.
Căn cứ vào nhu cầu nhân lực ngoài thị trường và uy tín trong đào tạo, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp dự kiến điểm chuẩn các ngành sẽ giảm 2 điểm. Tuy nhiên, những ngành truyền thống của trường (Công nghệ may, Thiết kế thời trang) sẽ có điểm trúng tuyển cao. 4 ngành có điểm chuẩn thấp hơn là Công nghệ sợi, dệt; Quản lý công nghiệp; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Nhà trường dành tới 70% (770 chỉ tiêu) xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia. Sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm, trường sẽ thông báo trên website điểm nhận hồ sơ. Trong khi đó, dựa vào số hồ sơ TS đăng ký xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, trường ĐH Thủy lợi nhận định điểm chuẩn năm nay tương đương năm ngoái. Riêng điểm các tổ hợp có môn Toán sẽ thấp hơn do đề thi Toán năm nay khó. Các ngành Công nghệ thông tin, Kế toán, Kỹ thuật điện – điện tử, Quản trị kinh doanh sẽ có điểm chuẩn cao.
Đăng ký theo 3 nhóm và chọn ngành thích học
Từ ngày 19 - 26/7, TS được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH bằng hình thức trực tuyến; từ ngày 19 - 28/7, TS điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Trong thời gian TS điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, các trường không cập nhật, công bố thông tin TS đăng ký xét tuyển vào trường. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường bố trí cán bộ làm công tác tuyển sinh nắm vững quy chế để giải đáp thắc mắc liên quan đến xét tuyển và chế độ ưu tiên trong tuyển sinh. 
Ngay sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia, TS sẽ có khoảng thời gian điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Việc Bộ GD&ĐT không giới hạn nguyện vọng là tạo điều kiện thuận lợi cho TS, nhưng lựa chọn ngành nào để có cơ hội trúng tuyển cao không dễ. Các chuyên gia thường khuyên TS căn cứ vào điểm trúng tuyển năm 2017 và điểm thi THPT Quốc gia mình đạt được để điều chỉnh. Nhưng trước tình hình dư luận dự đoán phổ điểm thi năm nay thấp, PGS Bùi Đức Triệu khuyên TS tham chiếu bảng điểm trúng tuyển các ngành của trường năm 2016 để có độ tin cậy cao hơn. TS nên chia thành 3 nhóm để đăng ký: nhóm ngành có điểm chuẩn cao điểm thi THPT Quốc gia TS đạt được; nhóm ngành có điểm trúng tuyển ngang bằng với điểm thi và nhóm ngành có điểm chuẩn thấp hơn điểm thi của TS. Ông Triệu cũng khuyên TS mạnh dạn đăng ký vào những ngành mình thích.
Trong việc điều chỉnh nguyện vọng, PGS Nguyễn Tuấn Anh cũng khuyên TS đăng ký theo 3 nhóm ngành để khả năng trúng tuyển cao ngay trong đợt 1 xét tuyển, đó là: Nhóm ngành có ngưỡng điểm chuẩn cao hơn điểm thi của TS 0,5 – 1 điểm; nhóm ngành có điểm chuẩn ngang bằng và nhóm ngành có ngưỡng điểm thấp hơn.
Được biết, cuối tuần này nhiều trường ĐH sẽ công bố điểm sàn và sau đó sẽ tổ chức ngày hội tư vấn xét tuyển nhằm giải đáp những thắc mắc của TS và phụ huynh về công tác đào tạo, học phí, cơ hội việc làm…