Chiến lược quốc gia về AI nhằm mục đích xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển ba trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia. Tháng 11/2022, sự xuất hiện của Chat GPT (Chat Generative Pre-training Transformer) - một Chatbot được mệnh danh là trí tuệ nhân tạo (AI) thông minh nhất thế giới do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển làm cho các doanh nghiệp Việt lĩnh vực AI có thêm động lực phát triển, tăng tốc đầu tư.
Những “ông lớn” đi sớm đón đầu
Ngày 21/11/2020 vừa qua, tại diễn đàn Công nghệ giáo dục EDU 4.0, nhà khoa học, chuyên gia về AI Phạm Thành Nam cùng cộng sự Phạm Minh Toàn ra mắt robot trí tuệ nhân tạo có tên Trí Nhân. Có thể nói, đây là người máy AI đầu tiên của Việt Nam, thuộc dòng robot cao cấp với các đặc điểm giống con người. Trí Nhân hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học thông qua giải đáp, giải toán và trợ giảng. Từ đó đến nay, việc nghiên cứu và phát triển AI của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Đi đầu và bạo tay phải kể đến FPT, “ông lớn” công nghệ này đã đầu tư cho những nghiên cứu liên quan từ năm 2013 và tuyên bố sẽ dành ngân sách hơn 13 triệu USD để phát triển sản phẩm. FPT.Ai chính là nền tảng trí tuệ nhân tạo "Make in Vietnam" thứ hai vừa ra mắt quý 4 năm 2023.
Viettel, Vingroup… cũng không khoanh tay ngồi yên mà đã tập trung trí tuệ vào nghiên cứu và phát triển AI. Họ đã tiên phong đầu tư vào công nghệ siêu máy tính với khả năng thực hiện trên 20 triệu tỉ phép tính/giây nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp trong tính toán. Theo phát biểu mới đây nhất của lãnh đạo Vingroup, định hướng phát triển AI của họ sẽ hướng vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ô tô thông minh và xe tự lái.
Trong khi đó, Viettel lại đặt trọng tâm đầu tư vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao. Có thâm niên 9 năm nghiên cứu AI, tập đoàn Viettel đã phát triển thành công một loạt công nghệ ứng dụng AI trong việc định danh, bảo mật và giám sát an minh. Đến nay đã có hơn 80.000 cá nhân và tổ chức đăng ký sử dụng nền tảng nền tảng Viettel AI Open Platform. Ngoài ra, Viettel cũng đang phát triển thêm 2 lĩnh vực Robotic và Digital Twin (bản sao số).
Tập đoàn VNPT sớm dùng AI để tự động bóc tách dữ liệu ảnh, chuyển đổi thành text và đưa thông tin vào các trường dữ liệu tương ứng, cho phép sử dụng chữ ký điện tử và hồ sơ điện tử, giúp hạn chế tối đa hiện tượng sim rác và rút ngắn thời gian đăng ký thông tin thuê bao xuống tối đa 5 giây.
Mới đây, một sản phẩm AI có tên AIDU đã “trình làng” lặng lẽ nhưng đã có ngay 4.000 hợp đồng cho thấy các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ của Việt Nam cũng có thể tham gia phát triển trí tuệ nhân tạo. Công ty GenAI đã đi vào các lĩnh vực Aidu Power, Aidu Business, Aidu Elite…với 500 trợ lý ảo. Không quá bất ngờ khi thương hiệu bún chả Sinh Từ là một trong những khách hàng đầu tiên của sản phẩm “thuần Việt” này cũng như lý do vì sao sản phẩm này sớm bán được ra nước ngoài sau khi ra đời 1 tháng.
Hai rào cản lớn
Theo TS Nguyễn Cảnh Nam, khó khăn nhất của việc phát triển sản phẩm AI "Make in Vietnam" chính xây dựng hạ tầng dữ liệu và giải quyết thuật toán. Hẳn chúng ta đều biết, AI là một lĩnh vực phát triển được phải dựa trên dữ liệu, nên nếu không có dữ liệu tốt và cập nhật thường xuyên, chúng ta sẽ lâm vào ngõ cụt. Những người am hiểu về lĩnh vực này đều hiểu hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam mới đang ở mức sơ khởi ban đầu. Tất cả các lĩnh vực Việt Nam đều chưa có nhiều bộ dữ liệu chất lượng tốt; các dữ liệu thường được lưu trữ rời rạc, ít liên thông và hạn chế về quyền truy cập.
“Ngay cả AIDU là sản phẩm AI mới ra đời cuối năm cũng chỉ mới cập nhật thông tin đến tháng 9 năm 2021. Muốn thành công, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành văn hóa chia sẻ dữ liệu và tiếp cận mở, thậm chí chúng ta phải đem ra bàn bạc và luật hóa vấn đề này” PGS.TS Lê Trọng Vĩnh (Đại học KHTN Hà Nội) chia sẻ . Trước mắt Chính phủ cần tập trung và thúc đẩy chia sẻ thông tin từ Cổng dữ liệu quốc gia (data.gov.vn) chia sẻ dữ liệu bộ ngành, địa phương; cũng như thiết lập Hệ tri thức Việt số hóa để thu thập nguồn dữ liệu từ cộng đồng, phân luồng, dán nhãn và tiền xử lý những dữ liệu đó nhằm phát triển AI.
Tiếp đến là nguồn nhân lực chất lượng cao liên quan đến CNTT, trong đó có công nghệ AI. Muốn lĩnh vực AI nằm trong Top 4 của khu vực ASEAN và trong Top 50 của thế giới, chúng ta cần một lượng lớn các chuyên gia, lập trình viên, kỹ sư nhưng theo báo cáo của Nexus FrontierTech năm 2019, nguồn nhân lực AI của Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường. Việt Nam đang thiếu hụt khoảng 100.000 – 200.000 người mỗi năm. Làm thế nào để có được lực lượng nhân sự như thế là vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, cụ thể là các Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT và Bộ LĐTB&XH.
Trong 3 dòng sản phẩm AI, các doanh nghiệp Việt Nam mạnh nhất ở các sản phẩm trợ lý ảo thuần Việt. Nhóm thứ 2 là các sản phẩm xử lý ảnh, camera nhận dạng người, biển số xe... Nhóm thứ 3 là các sản phẩm trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính, giúp tự động gợi ý sản phẩm cho khách hàng. Ứng dụng AI tại Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng, sau làn sóng blockchain, tất có thể chúng ta sẽ chứng kiến Việt Nam trở thành cái nôi của công nghệ AI chatbot.