Sự kiện diễn ra tại Khu nhà ở Công nhân Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội, ngày 17/11 do Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tổ chức (ngày 17 – 19/11).
Phát biểu tại sự kiện, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Lê Quang Long cho rằng, Hội chợ nhằm thực hiện Chương trình số 04/CTr-UBND của UBND TP Hà Nội về Chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của Thành phố năm 2023.
Hội chợ có quy mô 100 gian hàng với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tiêu biểu đang hoạt động, sản xuất trong các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện – điện tử, công nghiệp chế biến, da giày – may mặc, dược phẩm – y tế và đa dạng các ngành nghề khác.
Hội chợ sẽ tạo ra những thành công lớn về mặt giới thiệu sản phẩm, hợp tác, kết nối giao thương tạo chuỗi cung ứng trong các khu công nghiệp, không chỉ cho các doanh nghiệp tham gia mà cho cả các khách tham quan hội chợ.
Qua đó, nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, từ đó góp phần nhằm thu hút đầu tư và tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khu công nghiệp; giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp trong các khu công nghiệp Hà Nội. Đồng thời thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, hợp tác trong quá trình đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Với mục tiêu đó, bên cạnh các hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm, trong khuôn khổ sự kiện, Hội thảo với chủ đề Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hà Nội là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh. Cũng như tăng cường gặp gỡ, kết nối giao thương để cùng hướng đến mục tiêu hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm” – ông Lê Quang Long nói.
Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội và kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung. Thêm vào đó, cũng trong khuôn khổ Hội chợ, Ban Tổ chức sẽ tổ chức các hoạt động kết nối giao thương đa chiều cũng như 1:1 để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia tăng hiệu quả tìm kiếm những đối tác kinh doanh trong tương lai.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia Hội trợ đều đánh giá, thời gian qua, Hà Nội đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng một số ngành, sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Thủ đô và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt: sản xuất linh kiện, phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành dệt may, da giày và công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Từ đó, tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô; đáp ứng nhu cầu về việc làm cho người lao động; tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo việc làm với thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.