Điểm giao cắt nguy hiểm trên đường Võ Văn Kiệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, tại Km9 đường Võ Văn Kiệt (trước đây là cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài) thuộc địa phận thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh) tồn tại một điểm giao cắt hết sức nguy hiểm.

Đi tắt, bất chấp nguy hiểm

Cuối tuần nào anh Dương Xuân Lập (thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh) cũng chở vợ con về quê ngoại ở thị trấn Quang Minh chơi. Từ đường 35 kéo dài tới điểm giao cắt với đường Võ Văn Kiệt, anh Lập phải dừng xe, đợi chờ hồi lâu để dòng phương tiện qua lại ngơi ngớt mới dám từ từ di chuyển sang đường. Anh cho hay, trước đây, tại điểm giao cắt này từng xảy ra một số vụ tai nạn thương tâm. Vì vậy, người dân khi qua đây đều phải rất cẩn trọng…
Điểm giao cắt nguy hiểm tại Km9 đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh.
Điểm giao cắt nguy hiểm tại Km9 đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh.
Không chỉ có anh Lập, trong vòng gần một giờ đồng hồ quan sát tại điểm giao cắt, dù là đầu giờ chiều nhưng phóng viên ghi nhận hàng trăm lượt xe đi từ phía xã Bắc Hồng và thị trấn Quang Minh qua điểm giao cắt. Theo tìm hiểu, đường 35 kéo dài (nối xã Bắc Hồng với thị trấn Quang Minh) chạy qua nhiều khu dân cư, cơ quan, đơn vị như: Khu đô thị mới Quang Minh, trường Trung cấp nghề kỹ thuật và thương mại du lịch, UBND thị trấn Quang Minh và một loạt DN như Công ty CP Bia rượu Sài Gòn – Đồng Xuân, Công ty CP Sữa Hà Nội… Nếu không có giao cắt này, người dân di chuyển từ xã Bắc Hồng muốn đi thị trấn Quang Minh hoặc trung tâm TP Hà Nội phải rẽ phải, đi tới ngã tư cao tốc Nội Bài, rồi quay đầu xe đi ngược trở lại, quãng đường xa hơn chừng 5km. Người dân từ thị trấn Quang Minh muốn di chuyển đi xã Bắc Hồng hoặc về hướng sân bay quốc tế Nội Bài thậm chí còn phải đi xa hơn tới gần 15km, do phải di chuyển tới vòng xuyến trước khu công nghiệp Quang Minh. Trong khi nếu di chuyển qua điểm giao cắt, chỉ mất vài ba phút. Cũng chính vì điều này mà nhiều người dân địa phương vẫn ngày ngày di chuyển qua điểm giao cắt bất chấp nguy hiểm tính mạng.

Chưa có giải pháp lâu dài

Qua tìm hiểu, trên lộ trình gần 25km của đường Võ Văn Kiệt (kéo dài từ đầu cầu Thăng Long tới ngã tư cao tốc Nội Bài) trước đây có một vài điểm giao cắt tương tự. Nhưng nay đều đã được chặn lại để người dân không tự ý băng qua đường. Hiện, chỉ còn điểm giao cắt tại khu công nghiệp Quang Minh và tại Km9. Tuy nhiên, điểm giao cắt trước khu công nghiệp Quang Minh rất lớn, có vòng xuyến và khá thông thoáng, mức độ nguy hiểm không lớn. Chỉ có điểm giao cắt tại Km9 đường Võ Văn Kiệt là tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Điều đáng lo ngại hơn, đường Võ Văn Kiệt trước đây là tuyến cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài. Người và phương tiện thường di chuyển qua đây với tốc độ rất cao. Chỉ cần một thoáng lơi là, thiếu chú ý quan sát, tai nạn thảm khốc rất dễ xảy ra. Nguy hiểm thậm chí còn lớn hơn khi lối di chuyển từ xã Bắc Hồng qua điểm giao cắt chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng khiến các chủ phương tiện di chuyển trên đường Võ Văn Kiệt rất khó quan sát. Nhiều người dân khi được hỏi cho rằng, điểm giao cắt có vai trò rất lớn trong việc đi lại của người dân xã Bắc Hồng và thị trấn Quang Minh. Chính vì vậy, các đơn vị chức năng nên tiến hành khảo sát, tính toán và xem xét tới giải pháp xây dựng cầu vượt, giống như đã thực hiện tại nút giao khu vực xã Nam Hồng (huyện Đông Anh).

Liên quan tới đề xuất xây dựng cầu vượt, ông Lương Toàn Thắng – Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh cho biết, đây là phương án khó khả thi vì không có quỹ đất. Nếu xây dựng cầu vượt giống như tại nút giao cắt xã Nam Hồng (huyện Đông Anh), kinh phí cho GPMB sẽ rất lớn. Trên thực tế, Sở GTVT Hà Nội cũng chưa tính tới phương án này. Về giải pháp giảm thiểu nguy cơ tai nạn tại điểm giao cắt, ông Thắng cho biết, huyện đã tiến hành làm gờ giảm tốc, lắp biển cảnh báo giao cắt nguy hiểm để người dân nhận biết. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời. Điều này cũng đồng nghĩa, người dân thường xuyên qua lại tuyến đường này vẫn sẽ phải ngày ngày đánh cược sinh mệnh khi qua lại điểm giao cắt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần