Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thùy Linh |
Điểm gì khác biệt khi tổ chức bầu cử?
Theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, tại TP Hà Nội sẽ chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị từ năm 2021. Theo đó, bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026, 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây của TP sẽ không tổ chức HĐND phường. Trên địa bàn TP, chỉ tổ chức bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV, ĐB HĐND TP Hà Nội, ĐB HĐND các quận, ĐB HĐND thị xã Sơn Tây, ĐB HĐND các huyện và ĐB HĐND các xã, thị trấn.Việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử cũng có thay đổi. Theo đó, không thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu HĐND phường tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội. Về thành lập các Ban bầu cử cũng tương tự, không thành lập Ban bầu cử ĐB HĐND phường tại các phường thuộc quận, thị xã. Như vậy, Tổ bầu cử được thành lập ở các khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các quận và phường thuộc thị xã Sơn Tây sẽ chỉ thực hiện công tác bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV, ĐB HĐND TP, ĐB HĐND quận hoặc thị xã.Khi không tổ chức HĐND phường, trong Nghị quyết 97 của Quốc hội cũng quy định rất rõ quyền hạn và trách nhiệm của HĐND quận, thị xã. Một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường thì nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã. Cụ thể, HĐND quận, thị xã quyết định, phân bổ, điều chỉnh dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách quận, thị xã, trong đó bao gồm ngân sách của các phường; quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công tại các phường; thông qua chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phường. Đồng thời, giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND cấp mình ở phường; hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường…Chủ tịch UBND quận, thị xã được bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, khen thưởng, kỷ luật công chức phường… Trong Nghị quyết cũng quy định rõ về nhiệm vụ của UBND phường, Chủ tịch UBND phường. Như nhiều ý kiến nhận định, những điểm mới của chính quyền đô thị tại Hà Nội và cũng chính là tính ưu việt của mô hình đó là nâng cấp cán bộ cấp phường lên cấp quận, từ đó có sự luân chuyển dễ dàng hơn. UBND cấp phường hoạt động theo chế độ thủ trưởng, là cấp thừa hành, có sự chủ động cao hơn, phục vụ Nhân dân được tốt hơn…Tăng trách nhiệm với đại biểu HĐND cấp trênTheo Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy, với việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị từ năm 2021, việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu ĐB HĐND tại các địa phương này càng phải chú trọng hơn nữa về chất lượng. Trong công tác chuẩn bị nhân sự phải bảo đảm yêu cầu lấy chất lượng bù số lượng, phải chọn được những ứng cử viên ưu tú, nhiệt huyết nhất để bảo đảm quyền đại diện của cử tri không bị ảnh hưởng, trong đó cần chú trọng đến chất lượng ĐB HĐND chuyên trách.Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đồng tình đề xuất tăng số lượng ĐB hoạt động chuyên trách của HĐND TP Hà Nội, nhằm giúp Hà Nội sớm chủ động phương án nhân sự, dự kiến bố trí sắp xếp các chức danh ĐB hoạt động chuyên trách sau cuộc bầu cử ngày 23/5 tới. Với số lượng ĐB được đề xuất tăng thêm là 9 ĐB (so với quy định chung của Luật), trong đó có tăng 1 Phó Chủ tịch HĐND, 4 Phó Trưởng ban và 4 Ủy viên hoạt động chuyên trách tại 4 Ban của HĐND TP Hà Nội. Với đề xuất này, sẽ giúp HĐND TP Hà Nội đảm đương khối lượng công việc ngày càng tăng của chính quyền TP. Đồng thời cũng bảo đảm tương quan với các địa phương khác cùng tổ chức mô hình chính quyền đô thị, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND TP Hà Nội. Như vậy, dù không tổ chức HĐND phường, nhưng quyền đại diện của cử tri sẽ được nâng lên một mức cao, tạo điều kiện để chính quyền vận hành thể hiện sự công bộc, lấy hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân là thước đo hiệu quả bộ máy cấp cơ sở. Khi đại biểu HĐND cấp trên gần dân, sát dân hơn, tiếng nói, nguyện vọng của người dân sống, làm việc tại các đô thị vẫn được HĐND cũng như các cơ quan Nhà nước lắng nghe và xem xét để giải quyết.