Điểm nhấn công nghệ: Blockchain dẫn dắt cuộc cách mạng 4.0

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Blockchain sẽ là công nghệ dẫn dắt cuộc cách mạng 4.0; Vingroup sẽ sản xuất smartphone; Giám đốc Facebook Việt Nam cũng là nạn nhân của tin giả... là nội dung đáng chú ý tuần qua.

Blockchain sẽ là công nghệ dẫn dắt cuộc cách mạng 4.0

Trong phát biểu tại sự kiện "Xu hướng và tầm nhìn phát triển” tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, có thể thấy rằng cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới, tạo ra những sự tác động mạnh mẽ ngày một gia tăng đối với mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, dẫn đến sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất.

Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn biến rất nhanh tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc tới các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. “Trong số các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, công nghệ blockchain hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối là một trong những công nghệ đột phá được dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt cách mạng công nghiệp 4.0 trong một vài thập kỷ tới”, ông Bình nhận định.

Theo ông Bình, blockchain được định nghĩa là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Với đặc tính phi tập trung, minh bạch và độ bảo mật cao, blockchain được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, viễn thông…

Ông Bình cũng cho biết, với tiềm năng lớn của công nghệ này, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang nhìn nhận một cách nghiêm túc, nghiên cứu ban hành chủ trương, xây dựng các chính sách phù hợp cho sự phát triển đầy tiềm năng của công nghệ blockchain.

Ví dụ như Chính phủ Thụy Điển, Honduras đã sử dụng công nghệ blockchain để xử lý quyền sử dụng đất, Estonia sử dụng trong quản lý cơ sở dữ liệu Chính phủ, quốc đảo Malta cũng thử nghiệm sử dụng blockchain trong việc đăng ký công ty, Dubai dự kiến áp dụng công nghệ này để vận hành bộ máy chính phủ vào những năm 2020...

"Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần thiết phải tiếp tục tiếp tục theo dõi, khuyến khích, phát huy những ưu điểm của công nghệ blockchain. Đồng thời nghiên cứu đưa ra các chủ trương, chính sách pháp luật để điều chỉnh phù hợp, giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn", ông Bình nói.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, nhận thức được tính tất yếu, tiềm năng ứng dụng to lớn cũng như những thách thức mới đặt ra của công nghệ blockchain, diễn đàn "Blockchain 2018 - Xu hướng và tầm nhìn phát triển" nhằm tạo không gian mở để thảo luận một cách nghiêm túc về tiềm năng và thách thức, xu thế phát triển của công nghệ blockchain thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế và trong nước, ý kiến nhận định của đại diện một số cơ quan thuộc Chính phủ và nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam đối với công nghệ mới mẻ này.

Bộ trưởng Bộ KH&CN cũng cho hay, tong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các công việc có liên quan nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bao gồm: Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ blockchain; nghiên cứu kinh nghiệm các nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ blockchain tại Việt Nam; hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia như chương trình KH&CN về Chính phủ điện tử, chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về CMCN 4.0 mà Bộ KH&CN đang hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

Vingroup sẽ sản xuất smartphone
Ngày 12/6, Vingroup công bố triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị điện tử, khởi điểm là điện thoại thông minh với thương hiệu Vsmart. Theo phía Vingroup, 2 lĩnh vực mới của họ là điện thoại và ôtô sẽ thuộc sự quản lý của công ty VinSmart với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.
 

Tuyên bố của VinGroup gây bất ngờ với giới công nghệ bởi trước đó Tập đoàn này chưa từng hé lộ sẽ tham gia thị trường đang dần bão hoà với thị phần phần lớn thuộc về 2 “ông lớn” Samsung và Apple. Trước đó, VinGroup cũng gây ấn tượng với tham vọng sản xuất thương hiệu ô tô nội địa VinFast.

Thông tin từ VinGroup cho hay, nhà máy Vsmart sẽ được đầu tư xây dựng tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) theo tiêu chuẩn quốc tế.

Công ty VinSmart sẽ hoạt động trong 2 lĩnh vực chính: thứ nhất là sản xuất các thiết bị điện tử thông minh, mở đầu là sản xuất điện thoại thông minh với thương hiệu Vsmart; thứ hai là nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và nguyên liệu thế hệ mới.

Thông tin cho biết,nhà máy Vsmart sẽ được đầu tư xây dựng tại Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast ở khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) theo tiêu chuẩn quốc tế.

Được biết,về công nghệ, Vingroup đang làm việc với các công ty tư vấn hàng đầu thế giới để thuê tư vấn thiết kế, tìm kiếm các chuyên gia giỏi, mua các bản quyền thiết kế các cấu phần của điện thoại thông minh; đồng thời tiến hành mua dây chuyền thiết bị để sản xuất điện thoại.

Hiện chưa có thông tin cụ thể về việc Vingroup sẽ sản xuất smartphone gì và lộ trình ra mắt sản phẩm như thế nào.

Như vậy, sau Bkav với Bphone, thị trường Việt Nam sẽ đón thêm một ông lớn sản xuất di động "made in Vietnam" nữa. Sự tham gia của Vingroup được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi lớn trên thị trường Việt Nam.

IBM trình làng siêu máy tính mạnh nhất thế giới
IBM cho biết hiện tại, Summit là máy tính mạnh nhất và mang tính khoa học thông minh nhất thế giới, có khả năng xử lý 200 triệu tỷ phép tính trong một giây. Điều này có nghĩa là nếu một người có thể tính một phép tính trong một giây, người này cần phải sống hơn 6,3 tỷ năm để có thể xử lý hết các phép tính mà Summit có thể tính toán trong một giây.
 

Năng lực tính toán siêu nhanh này sẽ dễ dàng đưa Summit lên ngôi đầu trong bảng xếp hạng 500 siêu máy tính mạnh nhất toàn cầu sẽ được công bố vào cuối tháng này. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2012, một siêu máy tính ở Mỹ xếp ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng này.

Năng lực tính toán 200 triệu tỉ phép tính/giây sẽ giúp Summit có tốc độ xử lý nhanh gấp đôi so với siêu máy tính mạnh nhất toàn cầu hiện nay, đó là siêu máy tính Sunway TaihuLight của Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trung Quốc ở TP. Vô Tích, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).

Summit bao gồm 4.608 bộ máy chủ nặng 340 tấn nằm trên diện tích tương đương hai sân tennis. Nó được trang bị 9.216 chip xử lý trung tâm của IBM và 27.648 card xử lý đồ họa của công ty công nghệ Nvidia được kết với nhau bằng mạng lưới cáp quang dài gần 300km.

Siêu máy tính Summit cần hơn 15.000 lít nước mỗi phút để làm mát. Nó cũng tiêu thụ lượng điện đủ để thắp sáng cho 8.100 hộ gia đình ở Mỹ.

IBM là tổng thầu của dự án phát triển siêu máy tính Summit cho Phòng Thí nghiệm quốc gia Oak Ridge (ORNL) của Bộ Năng lượng Mỹ với chi phí khoảng 200 triệu đô la Mỹ.

Siêu máy tính Summit có nghĩa quan trọng đối với các ứng dụng học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) cũng như khối lượng tính toán khổng lồ phục vụ các hoạt động nghiên cứu năng lượng, vật liệu mới, dự báo các xu hướng của khí hậu, tìm kiếm các trữ lượng dầu thô...

IBM là nhà thầu chung cho Summit và công ty đã hợp tác với Nvidia, RedHat và InfiniBand, chuyên gia mạng Mellanox về việc cung cấp hệ thống siêu máy tính mới này.

Cáp quang AAG tiếp tục gặp sự cố lần thứ 3

Sáng 16/6, một số người dùng Internet Việt Nam chia sẻ thông tin gặp khó khăn trong việc kết nối các dịch vụ gmail, Facebook. Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam đã xác nhận thông tin tuyến cáp quang biển AAG đã tiếp tục gặp sự cố, bị mất dịch vụ trên cáp nhánh S1H.

 

Cụ thể, đại diện ISP này cho hay cập nhật từ Trung tâm điều hành tuyến cáp biển AAG, toàn bộ các kênh quốc tế qua nhánh AAG-S1H (VTU-BU4) bị mất. Hiện nguyên nhân sự cố xảy ra trên nhánh S1H của tuyến cáp AAG vẫn chưa được xác định là do bị rò nguồn hay bị đứt.

Theo chia sẻ của đại diện ISP tại Việt Nam, đến nay theo thông báo của Trung tâm điều hành tuyến cáp, điện áp PFE cấp cho cáp nhánh S1H của tuyến cáp AAG không ổn định, đối tác nghi ngờ nhánh cáp S1H bị lỗi shunfault (rò nguồn điện).

Hiện các đơn vị liên quan đang tiến hành xác định vị trí sự cố và lên kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố nói trên. Với sự cố lần này, đây là làn thứ ba trong năm 2018 AAG gặp vấn đề. Hai lần trước vào ngày 6/1 và 22/5.

Kể từ khi đi vào hoạt động, AAG đã liên tiếp gặp sự cố và việc phải "ứng cứu" đã trở thành chuyện "cơm bữa" của các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Họ đã đầu tư thêm nhiều tuyến cáp mới để giảm sự ảnh hưởng khi AAG "ốm yếu."

Tuyến cáp AAG có chiều dài 20.191km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ. Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong, Philippines và Hoa Kỳ (Guam, Hawaii và California).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần