Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Bộ TT&TT sẽ phụ trách chính xây dựng Chính phủ điện tử

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ về Bộ TT&TT; Sẽ có mạng 5G phục vụ giải F1; Cước điện thoại sắp giảm... là nội dung chú ý tuần qua.

Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ về Bộ TT&TT
Thông tin với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và các Sở TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 vào ngày 4/9, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT.

 Bộ sẽ đề nghị với một số tỉnh đang giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương.

Với quyết định điều chỉnh phân công nhiệm vụ giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT về xây dựng Chính phủ điện tử, theo đề xuất của Văn phòng Chính phủ, thời gian tới Quyết định 1072 ngày 28/8/2019 về thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ được sửa đổi. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ làm Phó Chủ tịch thường trực của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban và Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Bộ trưởng Bộ TT&TT sẽ làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Tổ công tác giúp Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sẽ được chuyển về Bộ TT&TT.
Cũng trong phát biểu tại Hội nghị giao ban ngành TT&TT quý III/2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, thời gian qua, việc xây dựng Chính phủ điện tử được đẩy mạnh. Văn phòng Chính phủ rất tích cực và công việc đã được triển khai nhanh. “Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử về Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rõ không được phép làm kém hơn, phải làm tốt lên, với tốc độ nhanh hơn và chất lượng cao lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, tới đây sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định sửa đổi Quyết định 1072 thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT sẽ có văn bản đề nghị với một số tỉnh đang giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương cho Văn phòng Ủy ban chuyển nhiệm vụ này về các Sở TT&TT đảm trách để thống nhất trên toàn quốc.
"Như vậy, tới đây các Sở TT&TT sẽ có nhiều nhiệm vụ hơn, trách nhiệm cũng nặng nề hơn. Đây cũng là một cơ hội quan trọng để các Sở TT&TT lấy lại vai trò của mình”, Bộ trưởng nhận định.
Bộ trưởng lưu ý với Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Thành Phúc, trong nhiều đầu việc, có một việc Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phiên họp Chính phủ ngày 4/9 đã yêu cầu, đó là “chỉ rõ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đô thị thông minh là gì trong thời gian từ nay đến năm 2020 và tập trung vào làm”.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, hiện nay vấn đề quan trọng đầu tiên là kết nối, từ xã/huyện/tỉnh phải kết nối được với trung ương và không chỉ là kết nối văn bản mà còn là kết nối các hệ thống thông tin. Vấn đề thứ hai là phát triển dịch vụ công trực tuyến, với 2 con số: bao nhiêu dịch vụ công trực tuyến và số người dùng dịch vụ công trực tuyến đó. “100% dịch vụ đã được cung cấp trực tuyến mà không có người dùng thì cũng bằng không”, Bộ trưởng lưu ý.
Cục Tin học hóa cũng được yêu cầu phải có ngay một kế hoạch tập huấn cho các địa phương về xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Theo Bộ trưởng, với chuyển đổi số, chúng ta dự kiến có 1.000 người là chuyên gia thường xuyên được đào tạo để làm hạt nhân chuyển đổi số toàn Việt Nam. Tương tự, với nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, cũng cần thống nhất có bao nhiêu hạt nhân - những chuyên gia hiểu về lĩnh vực này, có như vậy các địa phương mới làm được và cần tập trung đào tạo, tập huấn cho đội ngũ đó.
Trên cơ sở Công thư 336 ngày 18/8/2019 của Thủ tướng, ngày 23/8 vừa qua, Bộ TT&TT đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc phân công chức năng, nhiệm vụ giữa Bộ TT&TT và Văn phòng Chính phủ. Tại công văn này, Bộ TT&TT đã đề xuất việc giao lại trọn vẹn chức năng quản lý nhà nước về Chính phủ điện tử cho Bộ, bao gồm xây dựng thể chế; xây dựng chiến lược, kế hoạch; đôn đốc, thực thi và đánh giá; xây dựng các nền tảng dùng chung Chính phủ điện tử.
Sẽ có mạng 5G phục vụ giải F1
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2019 của Bộ TT&TT vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã chỉ đạo Viettel phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội để thiết kế vùng phủ sóng 5G ở Hà Nội, hoàn thành trong năm 2019 để phục vụ giải đua xe công thức 1 (F1 Hà Nội) vào năm 2020.
 Ảnh minh họa
Chỉ đạo của Bộ trưởng được đưa ra sau khi Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội kiến nghị Bộ TT&TT chỉ đạo 3 nhà mạng triển khai phủ sóng mạng 5G để phục vụ TP.Hà Nội tổ chức giải đua F1 vào tháng 4/2020.
Đường đua công thức 1 Hà Nội (F1 Hà Nội) đã được khởi công xây dựng từ ngày 20/3/2019, bao gồm đường đua và các khu chức năng được triển khai trên tổng diện tích 88ha, gồm phần thuộc khuôn viên của Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng hiện tại.
Đường đua F1 Hà Nội sẽ là nơi duy nhất cho phép các tay đua vừa phô diễn tốc độ cao trên đoạn đường thẳng chạy dài như trong trường đua chuyên nghiệp vừa thể hiện kỹ năng tại các góc cua đặc trưng của một đường phố, tạo nên một trong những chặng đua kịch tích và thách thức nhất thế giới.
Được biết, Chặng đua mới duy nhất trong Giải vô địch đua xe F1 thế giới năm 2020 chính là chặng đua công thức 1 Việt Nam - F1 Vietnam Grand Prix - sẽ diễn ra từ ngày 3 đến 5/4/2020 tại Hà Nội.
Với ngày đua chính vào chủ nhật 5/4-2020, Hà Nội sẽ là chặng thứ 3 của mùa giải, ngay sau chặng đua ở Melbourne (Australia), Bahrain và nằm trong nhóm mở đầu các chặng đua tại khu vực châu Á.
Chặng đua F1 Vietnam Grand Prix sẽ được tổ chức trên đường đua công thức 1 Hà Nội với chiều dài là 5.607m với 23 khúc cua, vừa mang dấu ấn đặc sắc của những đường đua nổi tiếng trên thế giới nhưng cũng lại vừa vô cùng khác biệt.
Đây cũng là đường đua đầu tiên mà F1 phối hợp với công ty Tilke (Đức) thiết kế, hứa hẹn mang đến những thách thức gay cấn nhất cho các tay đua chuyên nghiệp hàng đầu thế giới so tài, như góc cua 360 độ hay đoạn thẳng dài lên tới gần 1,6km, nơi các tay đua có thể tăng tốc đạt tới tốc độ tối đa 335km/h.
Sự kiện Việt Nam trở thành quốc gia thứ 34 trên thế giới đăng cai tổ chức chặng đua F1, nằm trong hệ thống Giải vô địch thế giới Formula 1 FIA, đã chính thức ghi danh Việt Nam trên bản đồ các môn thể thao danh giá bậc nhất toàn cầu.
Cước điện thoại sắp giảm?
Bộ TT&TT đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Thông tư quy định giá cước kết nối cuộc gọi thoại giữa 2 mạng viễn thông di động mặt đất toàn quốc (mạng di động) và giữa mạng viễn thông cố định mặt đất nội hạt (mạng cố định nội hạt) với mạng viễn thông di động mặt đất toàn quốc.
  Ảnh minh họa
Theo dự thảo Thông tư này, đối với giá cước kết nối cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động, mạng di động khởi phát cuộc gọi sẽ phải trả mạng di động kết cuối cuộc gọi theo mức giá 270 đồng/phút.
Đối với kết nối cuộc gọi thoại giữa mạng cố định nội hạt với mạng di động, mạng khởi phát cuộc gọi sẽ phải trả mạng kết cuối cuộc gọi theo giá cước kết nối là 270 đồng/phút. Cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng di động vào mạng cố định nội hạt cũng sẽ có mức giá tương tự.
Cả 2 mức cước kể trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng viễn thông cố định mặt đất đường dài trong nước. Tuy vậy, các mức giá cước kết nối quy định tại dự thảo Thông tư này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Trước đó, Thông tư 48 của Bộ TT&TT có hiệu lực từ tháng 5/2018 quy định giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng viễn thông cố định mặt đất nội hạt vào mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc và giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa 2 mạng thông tin di động mặt đất toàn quốc có hiệu lực từ 1/5/2018.

Các nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile phải trả cho Viettel 400 đồng/phút khi người dùng mạng này gọi đến Viettel, giảm 100 đồng. Khi khách hàng ngoại mạng gọi đến Mobifone/Vinaphone/ Vietnammobile, các nhà mạng khác phải trả 440 đồng/phút cho các nhà mạng này, giảm 110 đồng.
Lộ số điện thoại của 50 triệu tài khoản Facebook Việt
TechCrunch đưa tin hơn 419 triệu ID và số điện thoại Facebook được lưu trong máy chủ trực tuyến không được bảo vệ bằng mật khẩu. Bộ dữ liệu bao gồm 133 triệu bản ghi cho người dùng tại Mỹ, 18 triệu tại Anh và 50 triệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu này đã ngoại tuyến sau khi TechCrunch liên hệ với đơn vị lưu trữ web.
  Ảnh minh họa
Cũng theo TechCrunch, vì máy chủ lưu trữ nguồn dữ liệu này không dùng mật khẩu nên bất kỳ người dùng nào cũng có thể tìm thấy và truy cập vào kho thông tin này.
Ngoài số điện thoại di động cá nhân, nhiều thông tin người dùng bị lộ còn bao gồm cả tên truy cập, giới tính, vị trí địa lý của người dùng liên kết với số định danh ID của tài khoản Facebook của họ. TechCrunch cho biết họ đã kiểm tra và xác thực một số dữ liệu hoàn toàn chính xác.
Facebook xác nhận đây là sự thật và đang điều tra xem cơ sở dữ liệu được thu thập từ khi nào và do ai thực hiện. Người phát ngôn công ty cũng khẳng định con số thực tế "chỉ" xấp xỉ 210 triệu do trong số 419 triệu kia có nhiều dữ liệu trùng lặp.
Dường như dữ liệu được thu thập nhờ một công cụ mà Facebook đã vô hiệu hóa từ tháng 4/2018 sau bê bối Cambridge Analytica. Trước thời điểm ấy, Facebook cho phép bất kỳ ai cũng có thể tìm kiếm người dùng bằng số điện thoại của họ.
Facebook nhấn mạnh các dữ liệu bị lộ đã “cũ” và có thể được tổng hợp trước khi chính sách thay đổi vào tháng 4/2018. Mạng xã hội không tìm ra bằng chứng về việc các tài khoản Facebook bị xâm hại.
Mặc dù vậy, phát ngôn viên cũng không trả lời câu hỏi về việc liệu Facebook có thông báo cho những người dùng bị lộ số điện thoại hay đưa ra giải pháp nào xoa dịu những người bị ảnh hưởng hay không.