Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Chuyển thuê bao từ 11 số thành 10 số từ năm 2018

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển thuê bao từ 11 số thành 10 số từ năm 2018; mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger; Việt Nam phải hứng chịu 14.000 cuộc tấn công mạng... là nội dung chú ý tuần qua.

Chuyển thuê bao từ 11 số thành 10 số từ năm 2018
Chuyển thuê bao từ 11 số thành 10 số từ năm 2018. Ảnh minh họa
Theo Bộ TT&TT, từ năm 2018, Bộ sẽ bắt đầu thực hiện chính sách chuyển các thuê bao đang sử dụng đầu 11 số sang đầu 10 số.
Trước đó, Bộ TT&TT đã có có kế hoạch sẽ chuyển đổi thuê bao di động 11 số xuống còn 10 số sau khi thực hiện xong quá trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định bắt đầu triển khai từ 11/2/2017. Các nhà mạng đã hoàn tất quá trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định qua giai đoạn 3 tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước vào ngày 31/8/2017.
Sau đó, Bộ TT&TT đã làm việc với các nhà mạng lên kế hoạch, lộ trình cụ thể việc sử dụng đầu số cố định trước đây để thực hiện chuyển thuê bao 11 số thành thuê bao 10 số. Bộ TT&TT cho hay, sau khi chuyển đổi thì những thuê bao 11 số sẽ được sử dụng cho các thuê bao kết nối với thiết bị máy móc thông minh.
Cụ thể, sau khi thay đổi xong mã vùng điện thoại cố định sẽ thừa ra các đầu số từ 03 đến 08 và các đầu số này sẽ được sử dụng cho các nhà mạng di động. Lúc đó, các thuê bao 11 số của các mạng di động với các đầu số 016, 012, 019, 018 sẽ được chuyển sang sử dụng các đầu số từ 03 đến 08, nghĩa là sẽ chỉ còn 10 số, thay vì 11 số như trước đây. Ví dụ số thuê bao di động 11 số như 01681234567 có thể sẽ được chuyển về 0381234567.
Trong khi đó các thuê bao 10 số đang sử dụng như 090, 091, 092, 093, 094, 099, 098, 097, 096... sẽ không bị ảnh hưởng gì bởi sự thay đổi này.
Theo đại diện Cục Viễn thông, sẽ có nhiều phương án để cấp đầu số mới cho các nhà mạng di động như đấu giá hoặc cấp phát ngẫu nhiên và Cục Viễn thông sẽ phải thảo luận với các mạng di động để việc chuyển đổi ít ảnh hưởng nhất đến khách hàng và nhà mạng.
Cục Viễn thông yêu cầu, khi thực hiện đổi đầu số di động, các nhà mạng cần phải thông báo trước ít nhất 60 ngày cho người dùng trên các phương tiện truyền thông đại chúng và cho gọi đồng thời cả số cũ và số mới trong vòng 60 ngày đó.
Mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger
Mã độc đào tiền ảo lây lan qua Facebook Messenger. Ảnh minh họa
Ngày 19/12, nhiều người dùng tại Việt Nam phản ánh họ nhận được tập tin (file) có đuôi .zip qua ứng dụng nhắn tin của mạng xã hội Facebook và kể từ lúc mở file này ra, máy tính của họ bị chậm.
Virus phát tán qua Facebook Messenger không phải là một hình thức mới nhưng nó lại đánh đúng vào tâm lý tò mò của người dùng Việt. Đầu tiên, một người bạn có trong danh sách bạn bè (friend list) sẽ gửi cho bạn một file nén zip (có tên dạng "video_" + 4 số ngẫu nhiên) qua Facebook Messenger.
Người nhận khi mở tập tin này sẽ thấy một tập tin giả mạo bên trong, mở tiếp tập tin bên trong thì máy sẽ bị nhiễm mã độc. Mã độc sau khi lây nhiễm vào máy tính sẽ tự động cài đặt một extension để tiếp tục phát tán file zip cho bạn bè của nạn nhân.
Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav , tính tới chiều 21/12, đã có hơn 12.600 máy tính tại Việt Nam nhiễm mã độc đào tiền ảo lây qua Facebook Messenger.
Bên cạnh đó, Bkav ghi nhận cứ 10 phút, hacker lại tung lên mạng một biến thể virus mới nhằm tránh bị phát hiện bởi các phần mềm an ninh. Theo chuyên gia của Bkav, số máy tính bị nhiễm mã độc còn tiếp tục gia tăng mạnh.
Chuyên gia Bkav cho biết hacker đã lập trình để sinh tự động biến thể mới nhằm qua mặt các phần mềm an ninh. Tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng hơn 500 biến thể của mã độc đào tiền ảo được tung lên mạng và chưa có dấu hiệu dừng lại, cứ 10 phút một biến thể mới xuất hiện.
Theo ghi nhận, hacker đã thêm vào biến thể mới nhất của mã độc khả năng đăng bài lên các Nhóm (group), thay vì chỉ qua Facebook Messenger như ở phiên bản đầu tiên.
Theo cảnh báo của Bkav, virus sử dụng tài khoản của nạn nhân để đăng video giả mạo chứa mã độc kèm theo nội dung mời gọi như "woow hot video". Tập tin kèm theo có định dạng tiêu đề sex_video_xxxx.zip, với xxxx là 4 số ngẫu nhiên. Điều này khiến số lượng nạn nhân tăng lên nhanh chóng theo cấp số nhân.
Nhằm bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh nguy cơ bị tấn công bởi mã độc, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dùng phải cảnh giác và không mở các tập tin hay đường dẫn lạ được gửi qua Facebook Messenger hay bất kỳ ứng dụng truyền thông nào khác (ví dụ: Viber, Zalo, thư điện tử,…).
Cục An toàn thông tin cho biết, đối với người dùng đã bị lây nhiễm cần cài đặt và cập nhật các phần mềm phòng, chống mã độc, virus để phát hiện và ngăn chặn, loại bỏ mã độc.
Việt Nam phải hứng chịu 14.000 cuộc tấn công mạng
Việt Nam phải hứng chịu 14.000 cuộc tấn công mạng. Ảnh minh họa.
Theo báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Cục ATTT qua công tác thu thập, theo dõi, trích xuất, phân tích thông tin từ Hệ thống xử lý tấn công mạng Internet Việt Nam, kênh liên lạc quốc tế về an toàn thông tin; hoạt động hợp tác giữa CụcATTT với các tổ chức, hãng bảo mật trên thế giới và hoạt động theo dõi, phân tích, tổng hợp tình hình ATTT mạng trên các trang mạng uy tín…
Cục ATTT đã ghi nhận trong năm 2017, có hơn 17 triệu lượt truy vấn từ các địa chỉ IP của Việt Nam đến các tên miền hoặc IP phát tán/điều khiển mã độc trên thế giới, chủ yếu là các kết nối tới các mạng botnet lớn như conficker, mirai, ramnit, sality, cutwai, zeroaccess…
Thống kê cho thấy đã có trên 19.000 lượt địa chỉ máy chủ web tại Việt Nam bị tấn công; trên 3 triệu địa chỉ IP Việt Nam thường xuyên nằm trong danh sách đen (black list) của các tổ chức quốc tế; và có hơn 100.000 camera IP đang được công khai trên Internet của Việt Nam (trên tổng số 307.201 camera IP) tồn tại các điểm yếu và lỗ hổng bảo mật có thể bị khai thác lợi dụng.
Cũng theo báo cáo các cơ quan thuộc khối an toàn thông tin của Bộ TT&TT đã ghi nhận khoảng 14.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam, bao gồm gần 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 tấn công thay đổi giao diện.
Cục ATTT đã thực hiện cảnh báo, phối hợp xử lý về việc các website/cổng thông tin bị tấn công dưới các hình thức: thay đổi giao diện, cài đặt tệp tin bất thường, lừa đảo, cài đặt mã độc... trong đó cảnh báo tới 200 cơ quan và phối hợp xử lý hơn 100 hệ thống, trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức nhà nước bị tấn công.
Cùng với đó, Cục ATTT đã phân tích, phát hiện và cảnh báo, phối hợp xử lý các điểm yếu, nguy cơ mất ATTT, mã độc APT cho nhiều Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Năm 2017 công tác cảnh báo ATTT luôn được Cục xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc bảo đảm ATTT, góp phần giúp cơ quan, tổ chức biết và áp dụng biện pháp giảm thiểu nguy cơ, rủi ro mất ATTT.
Cảnh báo một số lỗ hổng nghiêm trọng trong một số Chip Intel và một số dòng máy tính HP; cảnh báo về công cụ Cherry Blossom được cho là có thể khai thác điểm yếu trên nhiều dòng thiết bị của các hãng gồm: 3Com, Accton, Aironet/Cisco, Allied Telesyn, Ambit, AMIT, Apple, Asustek Co, Belkin, Breezecom, Dlink, Gemtek, Linksys, Orinoco, Zcom …
Cảnh báo về biến thể mới của mã độc tống tiền Ransomware; cảnh báo nhóm lỗ hổng Blueborne trong thiết bị sử dụng kết nối Bluetooth; cảnh báo chiến dịch tấn công mã độc Red Alert 2.0 nhằm vào ứng dụng ngân hàng và mạng xã hội…
Tuyến cáp biển SMW3 đã được khôi phục
Tuyến cáp biển SMW3 đã được khôi phục. Ảnh minh họa.
Theo thông tin từ VNPT, tuyến cáp SMW3 đã được khôi phục, truy cập internet Việt Nam đi quốc tế qua SMW3 đã được đảm bảo. Về sự cố xảy ra đối với tuyến cáp biển SMW-3 theo thông tin từ đại diện VNPT, vào lúc 15h00 ngày 15/12/2017 hệ thống SMW3 đã hoàn thành thay thế thiết bị nguồn tại trạm TUAS (Singapore), sau đó tiến hành lên lại nguồn thành công, toàn bộ thông tin từ Việt Nam đi quốc tế qua SMW3 đã được khôi phục.
Trước đó, vào lúc 5h10, ngày 10/10/2017 xảy ra sự cố trên tuyến cáp quang biển quốc tế SMW-3. VNPT đã tổ chức định tuyến ưu tiên lưu lượng, triển khai phương án mở ứng cứu lưu lượng trên các hướng cáp khác như tuyến cáp quang biển quốc tế APG, AAE-1 và tuyến cáp quốc tế đất liền CSC nhằm đảm bảo tối đa chất lượng dịch vụ Internet phục vụ Hội nghị APEC 2017 và các khách hàng trong thời gian xảy ra sự cố.
Hiện, chưa có thông tin về thời gian hoàn tất cáp AAG, vào ngày 12/12, một nhà cung cấp dịch vụ Internet cho hay, sau khi xử lý xong tuyến cáp SMW-3, tàu sửa cáp mới tiếp tục tiến hành sửa lỗi trên tuyến cáp AAG.
Tuyến cáp quang biển SMW-3 gặp sự cố lần thứ hai trong năm nay vào 5h10 ngày 10/10/2017. Nguyên nhân được xác định là do lỗi cáp tại vùng biển gần Trung Quốc. Từ thời điểm gặp sự cố đến nay, lịch sửa chữa, khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển này đã ba lần bị lùi.
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ VNPT, lịch sửa chữa mới của tuyến cáp biển này dự kiến là từ ngày 21/12 đến 26/12/2017, thay vì kết thúc việc sửa chữa cáp vào khoảng từ ngày 7/12 đến 10/12/2017 như kế hoạch dự kiến trước đó.
Tuyến cáp SEA-ME-WE 3 (SMW-3) hay còn gọi là tuyến cáp quang Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu 3 là tuyến cáp quang duy nhất đi theo chiều kết nối từ châu Á sang Ấn Độ, vào châu Âu.