Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Điểm nhấn công nghệ tuần] Ngăn tin thất thiệt về dịch corona

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh do virus corona đang tác động tới nhiều lĩnh vực, trong đó có cả công nghệ. Các mạng xã hội đang quyết liệt vào cuộc chống tin giả về virus corona.

Mạng xã hội chống tin giả về virus corona
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình qua internet, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng công nghệ số có đông người sử dụng tại Việt Nam (Zalo, Lotus, Coccoc, Gapo, Be, Mocha, Fastgo, Facebook, Google, Grab…), cần chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện lan truyền thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng tới người dùng của mình thông qua các nền tảng công nghệ; cung cấp bổ sung các tiện ích đơn giản, sáng tạo trên các nền tảng của mình để người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin chính thống về phòng, chống dịch cúm do virus corona.
 Thông tin về virus corona trên mạng xã hội Gapo
Đại diện Gapo cho biết, với vai trò là một mạng xã hội có đóng góp tích cực cho xã hội, Gapo nhanh chóng có những chia sẻ về mức độ nguy hiểm của virus Corona, tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu theo lời khuyên của y bác sĩ.
Ngày 31/1/2020 vừa qua, trên ứng dụng của Mocha đã thực hiện tạo một Tài khoản riêng có tên “Phòng chống dịch Corona”. Tại đây, các thông tin liên quan như số lượng ca nhiễm, các khuyến cáo từ Bộ Y tế cũng như các phương pháp phòng chống dịch… đều đã được truyền tải tới 100% người dùng.
Còn với ứng dụng Zalo, các khuyến cáo phòng ngừa dịch bệnh đối với cá nhân và những diễn biến mới nhất cũng được liên tục trên tài khoản Bộ Y tế trên mạng xã hội này. Người sử dụng cần nhập “Bộ Y tế” trên ô tìm kiếm của ứng dụng và bấm nút “Quan tâm” tài khoản Zalo của Bộ.
Dời lịch sửa 2 tuyến cáp biển
Mới đây, đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển quốc tế Liên Á (Intra Asia - cáp IA) đã thông báo đến các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam về việc lùi kế hoạch sửa chữa nhánh S2 của tuyến cáp IA đến ngày 9/2 mới hoàn thành (trước đó dự kiến ngày 29/1 hoàn thành).
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, việc khắc phục cố trên các tuyến cáp quang biển quốc tế châu Á-Trung Đông-châu Phi-châu Âu (Asia Africa Europe 1 - gọi tắt là tuyến cáp AAE-1) cũng bị lùi lại (trước đó dự kiến hoàn thành vào 3/2). Theo đó, việc bảo trì, sửa chữa tuyến cáp AAE-1 dự kiến kéo dài đến 23 giờ ngày 12/2. Sau khi hoàn tất sửa chữa cáp và thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiếm tra lưu lượng, tối 12/2, toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp quang biển quốc tế này dự kiến sẽ được khôi phục hoàn toàn.
Phát hiện tệp cài mã độc ghi tên virus corona
Thông tin từ Kaspersky, gần đây xuất hiện các tệp mã độc được ngụy trang dưới dạng tài liệu liên quan đến virus corona (virus đường hô hấp nguy hiểm đang được truyền thông toàn cầu quan tâm).

Theo Kaspersky, các tệp mã độc ngụy trang dưới dạng tệp có định dạng pdf, mp4, hoặc docx với tên thể hiện nội dung hướng dẫn cách bảo vệ mọi người khỏi virus, cập nhật về các mối nguy hại, và thậm chí là quy trình phát hiện virus, tất cả thông tin đều không đúng sự thật.

Thực tế, các tệp này chứa một loạt các mối đe dọa từ Trojan đến Worm, có khả năng phá hủy, chặn, sửa đổi hoặc sao chép dữ liệu, cũng như can thiệp vào hoạt động của máy tính hoặc mạng máy tính của người dùng.

Ảnh minh họa

Thế Giới Di Động thống trị mảng bán hàng trực tuyến

Theo kết quả kinh doanh 2019 của Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố, doanh thu online năm ngoái của công ty đạt 12.682 tỷ đồng và chiếm hơn 12% tổng doanh thu. Với kết quả này, MWG là công ty có doanh số lớn nhất trong tổng giá trị thị trường bán lẻ trực tuyến hàng hóa tại Việt Nam.

Theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 5 tỷ USD. Báo cáo của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cũng ước tính quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm ngoái khoảng 8 tỷ USD; thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác… Như vậy, MWG chiếm khoảng 7-11% quy mô thị trường chung.