Thủ tướng dự hội nghị Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam". Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Liên minh Đổi mới phát triển quốc tế (IDIA) đồng tổ chức.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. |
Hội nghị là diễn đàn để các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức mà khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tăng cường liên kết với mạng lưới Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế lần đầu tiên nhóm tập hợp tại Việt Nam - gồm các tổ chức thành viên từ các chính phủ, tổ chức quốc tế, các quỹ hàng đầu thế giới về đổi mới sáng tạo (từ các nhà tài trợ đa phương (WB, UNDP) đến các nhà tài trợ song phương quan trọng (như Tổ chức viện trợ Australia, USAID,Tổ chức viện trợ Vương quốc Anh... ) cũng như các tổ chức tư nhân lớn (như Quỹ Rockefeller và Quỹ Bill & Melinda Gates).
Theo Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, KH&CN có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về khoa học và công nghệ đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm.
Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Ngày 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức lễ kỷ niệm chào mừng Ngày KH và CN Việt Nam 18/5, Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 và Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH và CN năm 2018.
|
Bộ Trưởng Chu Ngọc Anh phát hiểu tại Hội nghị |
Từ năm 2014 đến nay, Ngày KH và CN Việt Nam 18/5 đã trở thành ngày truyền thống, ngày hội quan trọng của Ngành KH và CN. Vào dịp này, nhiều hoạt độngcó ý nghĩa, thiết thực được tổ chức và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của cộng đồng các nhà khoa học và toàn xã hội.
Ngày KH và CN Việt Nam năm nay được tổ chức với chủ đề: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - kiến tạo tương lai với mong muốn ngành KH và CN Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định được vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và xác định vị trí của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho rằng, Ngày KH và CN Việt Nam nhằm tri ân, tôn vinh các thế hệ đội ngũ cán bộ KH và CN, đồng thời khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Các sự kiện, hoạt động được tổ chức khắp cả nước trong dịp này còn là cơ hội để tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH và CN, kêu gọi sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và ứng dụng giải pháp khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Các nhà khoa học, doanh nghiệp, đội ngũ phóng viên, báo chí và toàn thể quý vị đại biểu có mặt tại hội trường hôm nay đều có tinh thần yêu KH và CN; đã và sẽ tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của nền KH và CN Việt Nam.
Theo đánh giá khách quan của các tổ chức quốc tế vừa qua cho thấy, KH và CNcó những đóng góp thiết thực cho chất lượng tăng trưởng. Điều này được thể hiện qua các số liệu cụ thể, ví dụ như Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia); chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 43,3% trong giai đoạn 2016 - 2018, vượt mục tiêu đề ra là 35% giai đoạn 2010 - 2020.
3 nhà khoa học xuất sắc nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019
Chiều 18/5, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Lễ kỷ niệm chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5; lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 và lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN năm 2018. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và trao giải.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 cho PGS.TSKH. Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngành Cơ học). |
Năm 2019, Ban Tổ chức đã tiếp nhận 45 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Các Hội đồng khoa học chuyên ngành đã đánh giá và đề cử 8 hồ sơ để tiếp tục đưa ra xét chọn tại Hội đồng Giải thưởng.
Theo đó, Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 được trao tặng cho 3 nhà khoa học (giải chính) thuộc các ngành Cơ học, Y sinh dược học và Vật lý. Đó là PGS.TSKH. Phạm Đức Chính, Viện Cơ học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngành Cơ học); PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (ngành Y sinh dược học) và TS. Lê Trọng Lư, Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (ngành Vật lý).
Đây cũng là năm đầu tiên, một nhà khoa học nữ và các nhà khoa học trong các ngành Y sinh Dược học và Cơ học được trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu.
Giải thưởng Báo chí về KH&CN là sự ghi nhận của Bộ KH&CN đối với những nhà báo có tinh thần khoa học, những nhà báo đã nỗ lực hết mình, tìm tòi, phát hiện, phản ánh mọi lĩnh vực của ngành KH&CN, đóng góp cho sự phát triển KH&CN của đất nước bằng chính các tác phẩm của mình. Đồng thời thông qua các bài viết góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Giải thưởng năm nay được Hội đồng chung tuyển giải thưởng đề xuất trao tặng 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 4 giải Ba và 6 giải Phụ.
Vingroup sẽ hỗ trợ lên tới 10 tỷ đồng cho 1 dự án khởi nghiệp
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Tổng Giám đốc VinTech City (Tập đoàn Vingroup) vừa chia sẻ với báo chí nhiều thông tin xung quanh việc Tập đoàn Vingroup tiếp tục có chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ.
Tổng Giám đốc VinTech City cho biết, hưởng ứng thông điệp Make in VietNam mới được Thủ tướng truyền đi, Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) trong năm 2019 dự kiến tài trợ 15 đề tài nghiên cứu ứng dụng, với số tiền lên đến 10 tỷ đồng/đề tài để chung sức góp phần tạo ra chất xúc tác cho các sản phẩm KHCN “Make in VietNam", giúp nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam có thêm nhiều startup thành công”.
Sự khác biệt mà VinTech Fund (tên đầy đủ là Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech) tạo ra đó là cơ hội mang một sản phẩm khoa học và công nghệ từ giai đoạn nghiên cứu đến giai đoạn ra thị trường thông qua hệ sinh thái các hoạt động hỗ trợ.
VinTech Fund được hình thành với mục tiêu tài trợ và hỗ trợ nguồn lực để hiện thực hóa các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) có những lợi thế cạnh tranh vượt trội, có tiềm năng thương mại hóa trên thị trường. Lợi thế lớn nhất và cũng là “điểm cộng” của VinTech Fund bổ sung vào là cơ hội thử nghiệm, thực nghiệm. Quỹ ra đời trên cơ sở tham khảo mô hình các Quỹ cũng như các chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ rất thành công như: Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF), Quỹ Tài trợ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), Quỹ Newton (Anh), Qũy tài trợ nghiên cứu của Google…
CEO Trương Lý Hoàng Phi cho biết sẽ hướng đến các tiêu chí là công nghệ (Hàm lượng nghiên cứu, tính sáng tạo, giải pháp); Khả năng thương mại hóa (Tiềm năng thị trường, mức độ khả thi); Uy tín/năng lực thực thi (thành tựu về mặt chuyên môn). Cuối cùng chúng tôi ưu tiên các đề tài/dự án đã tạo ra được sản phẩm ở dạng phiên bản mẫu đầu tiên.
Chương trình ngoài sự ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu đến từ 54 trường đại học, các Viện nghiên cứu tại Việt Nam cũng khuyến khích tính hợp tác, liên kết, chia sẻ nguồn lực của lực lượng các nhà khoa học, nhà sáng chế, chuyên gia công nghệ, thậm chí là các startup công nghệ người Việt trên toàn cầu với các trường đại học tại Việt Nam để cùng tham gia.
Được biết, đợt xét tài trợ đầu tiên trong vòng 60 ngày, chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: tiếp nhận hồ sơ và vòng thẩm định từ ngày 15/5/2019 đến ngày 15/6/2019. Giai đoạn 2: vòng xét duyệt từ 15/6/2019 đến 15/7/2019.
Qua vòng thẩm định, các nhóm nghiên cứu sẽ trình bày và phản biện trực tiếp với Hội đồng chuyên gia cho vòng xét duyệt. Kết quả của Hội đồng chuyên gia tại vòng xét duyệt và căn cứ quan trọng cho các quyết định tài trợ cuối cùng.
Căn cứ vào thực tế, VinTech Fund cũng hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, hợp tác thương mại hóa các dự án ở các giai đoạn hình thành doanh nghiệp, khởi nghiệp.
Cách mạng 4.0 có thể giúp GDP Việt Nam đến 62 tỷ USD vào năm 2030
Ngày 15/5, ngày hội Công nghệ ABB 2019 đã diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện thu hút nhiều đại biểu bao gồm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, đối tác tại các ngành công nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, tìm hiểu về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng 4.0) tại Việt Nam.
Theo thông tin được chia sẻ tại sự kiện, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra rằng vào năm 2030, Cách mạng 4.0 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng lên khoảng 28,5 đến 62 tỷ USD, tương đương với mức tăng 7 đến 16%. Tổ chức này cũng cho biết thêm rằng GDP bình quân đầu người dự kiến tăng từ 315 đến 640 USD vào năm 2030 nhờ năng suất lao động và cơ hội việc làm được cải thiện.
Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam dự kiến đạt khoảng 40% vào năm 2019 và theo Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, tốc độ tăng trưởng sẽ còn tiếp tục tăng nhanh. Đến những năm 2040, khoảng 50% dân số Việt Nam sinh sống ở khu vực thành thị.
Hướng đến các giải pháp thông minh ứng dụng công nghệ cao, công ty ABB đã giới thiệu tổng quan về cách thức tận dụng sức mạnh của kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng cho khách hàng và Chính phủ thông qua các công nghệ tiên phong dành cho nhà máy, ngành năng lượng, ngành giao thông và các thành phố.
Theo ông Brian Hull - Tổng giám đốc ABB tại Việt Nam, yêu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm chất lượng ngày một cao hơn và người dân mong muốn có được môi trường sống tốt hơn. Tăng trưởng bền vững chỉ có thể đạt được bằng cách áp dụng các công nghệ kỹ thuật số và ứng dụng sản xuất tiên tiến. Số hóa và Công nghiệp 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng giúp Việt Nam củng cố vị thế trong khu vực.
Cảnh báo lỗ hổng nghiêm trọng trong các thiết bị sử dụng vi xử lý Intel
Theo thông tin Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phát đi tuần qua, các chuyên gia về an toàn thông tin thuộc Đại học Công nghệ Graz của Áo và Đại học Công giáo Leuven của Bỉ đã công bố một nhóm bao gồm 4 điểm yếu an toàn thông tin trong bộ vi xử lý Intel.
Cụ thể, 4 điểm yếu an toàn thông tin có mã lỗi quốc tế là: CVE-2018-12126; CVE-2018-12130; CVE-2018-12127; CVE-2019-11091. Các điểm yếu an toàn thông tin này được các chuyên gia đánh giá là nghiêm trọng và có ảnh hưởng tới nhiều thiết bị đang sử dụng bộ vi xử lý của Intel bao gồm: máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy chủ, điện thoại di động sử dụng các hệ điều hành Linux, Windows, MacOS, Android ...
Các hình thức tấn công lợi dụng 4 điểm yếu an toàn thông tin trên được các chuyên gia công bố và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sâu hơn bao gồm: Tấn công ZombieLoad sử dụng điểm yếu CVE-2018-12130; Tấn công RIDL sử dụng điểm yếu CVE-2018-12127 và CVE-2019-11091; Tấn công Fallout sử dụng điểm yếu CVE - 2018-12126.
Hiện tại Intel đã công bố danh sách sản phẩm bị ảnh hưởng và kế hoạch cập nhật, đồng thời làm việc với các doanh nghiệp sản xuất hệ điều hành, firmware, thiết bị để hỗ trợ cập nhật bản vá.
Trước tình hình nói trên, để bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh việc đối tượng tấn công lợi dụng điểm yếu an toàn thông tin để thực hiện những cuộc tấn công mạng nguy hiểm, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các quản trị viên tại các cơ quan, đơn vị và người dùng thự hiện các thao tác nhằm đảm bảo an toàn.
Cụ thể: người dùng cần kiểm tra, rà soát, xác định các máy tính bị ảnh hưởng bởi các điểm yếu trên; Cập nhật bản vá hoặc nâng cấp các hệ điều hành để tạm thời vá các điểm yếu.
Đối với các hệ điều hành chưa có thông tin về bản vá, cần theo dõi thường xuyên để nâng cấp ngay khi có biện pháp xử lý.
Đối với những dòng sản phẩm mà Intel không có kế hoạch cập nhật cần lên kế hoạch thay thế trong thời gian tới.
Thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của các cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin nhằm đối phó kịp thời với các nguy cơ tấn công mạng.
5G sẽ được Viettel thương mại hóa từ năm 2020
Ông Tào Đức Thắng - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel cho biết: sau khi thử nghiệm thành công kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM và triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G vào năm 2020.
"Bộ Thông tin và truyền thông sẽ công bố qui hoạch tần số cho 5G để sớm làm thủ tục cấp phép tần số 5G"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Về lộ trình triển khai 5G, ông Tào Đức Thắng cho biết sẽ có sự khác biệt so với phương trức triển khai công nghệ 4G trước đây.
Nếu như mạng 4G đã được triển khai đồng thời trên phạm vi toàn quốc, tăng trưởng liên tục, rất nhanh, năm sau lưu lượng gấp đôi năm trước, thì mạng 5G với đặc thù là cuộc cách mạng không chỉ cho viễn thông mà còn các dịch vụ khác ngoài viễn thông nên Viettel dự định sẽ triển khai theo định hướng chỗ nào có lưu lượng sử dụng cao thì sẽ tập trung phát triển 5G ở đó, thay thế cho cáp quang.
Vì thế, lộ trình triển khai 5G trong những năm đầu thương mại hóa dịch vụ này sẽ là các thành phố lớn là những nơi có mật độ sử dụng cao. Cụ thể, 5G sẽ bắt đầu được cung cấp dịch vụ thương mại hóa tại Hà Nội và TP.HCM từ 2020, và tại cả các tỉnh thành còn lại phục vụ eMBB từ 2021. Đến 2022, Viettel sẽ triển khai 5G tại tỉnh lỵ tất cả các tỉnh, thử nghiệm các dịch vụ độ trễ siêu thấp uRLLC, các dịch vụ mMTC.
Về phương án tính giá cước dịch vụ 5G, ông Thắng chia sẻ cũng sẽ có đột phát trong cách tính giá, Viettel đang tính toán các phương án giá khác nhau khi đưa 5G vào thương mại hóa, nhưng có thể sẽ không tính theo dung lượng sử dụng như các dịch vụ hiện nay mà theo kết quả trải nghiệm dịch vụ của khách hàng. Vì với tốc độ nhanh, độ trễ thấp, chất lượng cao của công nghệ 5G, dung lượng sẽ không phải là tiêu chí quan trọng nhất.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết "Khi cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm đã giao các nhiệm vụ về thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao, 28Ghz, về khả năng phủ sóng của nó trong TP, thử nghiệm tốc độ cao, dung lượng lớn để chia tải với 4G, thử nghiệm các ứng dụng của 5G, trong đó bao gồm cả ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh, IoT… và tính toán về bài toán kinh doanh 5G".
Cuộc gọi đầu tiên nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện trên công nghệ, thiết bị 5G của tập đoàn Erisson đã đạt tốc độ kết nối mạng di động 5G với thiết bị đầu cuối đạt từ 1,5 - 1,7 Gbps, vượt xa tốc độ giới hạn lý thuyết của mạng 4G LTE, tương đương với tốc độ của cáp quang thương mại.