Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Tới 29/1, internet Việt Nam đi quốc tế mới hồi phục

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tính toán, phải hơn 2 tuần nữa quá trình khắc phục sự cố trên tuyến cáp quang biển AAG mới hoàn tất.

Sửa chữa tuyến cáp AAG chậm hơn dự kiến
Theo thông tin mới nhất từ đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển AAG, phải đến 29/1 tới, tốc độ kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế mới có thể khôi phục hoàn toàn. Cột mốc này chậm hơn khá nhiều so với kế hoạch mà VNPT đã đưa ra trước đó (18 - 23/1).
 
Cụ thể, tàu sửa chữa cáp dự kiến sẽ đến vị trí lỗi vào 11h trưa ngày 23/1, mối hàn đầu tiên sẽ hoàn thành vào 17h ngày 25/1, mối hàn cuối cùng dự kiến xong vào 3h sáng ngày 28/1 và thời điểm hoàn tất chôn cáp dự kiến vào 7h sáng ngày 29/1/2017. Khi đó, 100% kênh truyền trên tuyến cáp này sẽ được khôi phục.
Với sự cố hôm 8/1 vừa qua, vị trí lỗi cáp AAG được xác định cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 98 km. Đây là lần đầu tiên trong năm 2017, tuyến cáp quang biển này gặp trục trặc.
Sau sự cố, tốc độ kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng lớn, tốc độ chậm đi đáng kể. Nhằm đối phó với tình trạng này, các nhà mạng đã triển khai phương án dự phòng, chuyển dung lượng sang các tuyến cáp đất liền, cáp Liên Á và APG để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ cung cấp cho các khách hàng.
Yahoo sẽ đổi tên thành Altaba
Theo thông báo mới nhất từ Yahoo, trong thời gian tới, hãng sẽ từ bỏ tên gọi quen thuộc từ năm 1994 để chuyển sang một tên gọi mới là Altaba. Quyết định này được đưa ra sau khi nhà mạng Verizon (Mỹ) hoàn tất việc mua lại mảng internet của Yahoo.
 
Trước đó, mảng internet của Yahoo gồm các dịch vụ như Yahoo Mail, Search, blog Tumblr ... đã được bán cho Verizon với giá 4,83 tỷ USD. Tuy nhiên Yahoo vẫn còn các mảng khác đang nằm trong tay của Alibaba (Trung Quốc) và Yahoo Nhật Bản, những mảng này sẽ được phát triển dưới thương hiệu mới Altaba.
Đáng chú ý, CEO cũ của Yahoo, Marissa Mayer sẽ về đầu quân cho Verizon để tiếp tục quản lý hoạt động của mảng internet mà nhà mạng này vừa mua lại. Mayer về làm lãnh đạo của Yahoo vào năm 2012 với nhiệm vụ giúp hãng này tìm lại vinh quang trong quá khứ, tuy nhiên đây lại là nhiệm vụ bất khả thi.
Aeon gia nhập thị trường thương mại điện tử
Thông tin từ Tập đoàn bán lẻ Aeon (Nhật Bản) cho biết, đơn vị này sẽ chính thức đưa vào vận hành website thương mại điện từ ww.aeoneshop.com . Đây là trang web mua bán trực tuyến dành riêng cho thị trường Việt Nam đến từ hãng bán lẻ này.
 
Nguồn hàng chính được bày bán trên website này là các sản phẩm thuộc thương hiệu Topvalu, một nhãn hàng riêng của Aeon. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 mặt hàng mang thương hiệu này. Trong giai đoạn đầu, Aeon chỉ giao hàng tại khu vực TP Hồ Chí Minh.
Cách đây không lâu, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng đã ra mắt website thương mại điện từ dành riêng cho thị trường Việt tại địa chỉ Lotte.vn . Trước đó, Alibaba (Trung Quốc) và Central Group (Thái Lan) cũng gia nhập lĩnh vực này khi lần lượt mua lại các website Lazada và Zalora Việt Nam.
Bên cạnh các tên tuổi nước ngoài, doanh nghiệp trong nước cũng sở hữu những website bán hàng trực tuyến như Vingroup với Adayroi, VNG với Tiki và Vuivui của Thế giới Di Động. Điều này cho thấy trong năm 2017, lĩnh vực thương mại điện từ của Việt Nam sẽ có sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Virus máy tính "ngốn" của người Việt hơn 10.000 tỷ đồng
Trong báo cáo tổng kết an ninh mạng 2016 vừa được Bkav công bố, hãng bảo mật này cho biết mức thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam lên tới 10.400 tỷ. Con số này vượt xa mức 8.700 tỷ đồng trong năm 2015.
 
Cụ thể, năm qua đã ghi nhận sự bùng nổ của mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền ransomware. Theo đó có tới 16% lượng email lưu chuyển trong năm 2016 là email phát tán ransomware, nhiều gấp 20 lần năm 2015. Trung bình 10 email nhận được trong năm 2016 thì người sử dụng sẽ gặp 1,6 email chứa ransomware và đây là một con số rất đáng báo động.
Đối với tỷ lệ USB bị nhiễm virus, trong năm 2016, tỷ lệ này vẫn ở mức rất cao 83%, không giảm so với 2015. Sự tăng trưởng mạnh của dòng W32.UsbFakeDrive, dòng virus không cần AutoRun vẫn có thể lây nhiễm chỉ với một cú “click” khiến cho USB tiếp tục là nguồn lây nhiễm virus phổ biến nhất. Thống kê từ hệ thống giám sát virus của Bkav, thì có tới 16,7 triệu lượt máy tính được phát hiện là nhiễm virus lây qua USB trong năm 2016.
Về tấn công có chủ đích APT, theo Bkav, vụ việc Vietnam Airlines bị tấn công ngày 29/07/2016 là cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ các cuộc tấn công có chủ đích APT tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. 
Đối với người dùng mạng xã hội Facebook, Bkav cho biết, 85% người sử dụng Facebook tại Việt Nam gặp phiền toái với tin nhắn lừa đảo, nội dung đồi trụy hay liên kết giả mạo có cài mã độc trong năm 2016, vẫn ở mức cao nhưng đã giảm so với con số 93% của năm trước.