Điểm nhấn công nghệ tuần: Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử góp mặt nhiều sếp lớn công nghệ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt sếp lớn công nghệ tham gia Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử; Cáp quang APG lại gặp sự cố, ảnh hưởng internet đi quốc tế; Xuất hiện chiêu giả mạo website, hotline ngân hàng để lừa đảo... là nội dung chú ý tuần qua.

Hàng loạt sếp lớn công nghệ tham gia Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử
Quyết định 384 phê duyệt Danh sách các nhóm, thành viên, chuyên gia của Tổ công tác giúp việc cho Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử (gọi tắt là Tổ công tác) đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ban hành tuần qua.
 Ảnh minh họa
Theo quyết định này, tổ công tác giúp việc sẽ có 2 nhóm thành viên là nhóm thể chế, cải cách hành chính và nhóm giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn mạng.

Nhóm thể chế và cải cách hành chính do ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ, làm trưởng nhóm. Ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp và ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, làm phó trưởng nhóm.
Với nhóm giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn mạng, trưởng nhóm là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; Phó Trưởng nhóm Thường trực là Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan. Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Nguyễn Thế Trung - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT cùng làm phó trưởng nhóm.

Ngoài Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ DTT, nhóm giải pháp công nghệ và an ninh, an toàn mạng còn có sự tham gia của 5 thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp lĩnh vực ngành ICT, gồm các ông Nguyễn Thanh Nam - Phó tổng giám đốc Viettel; Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc VNPT; Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC; Nguyễn Quốc Vinh - thành viên HĐTV Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost); Phan Thanh Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty hệ thống thông tin FPT (FPT IS).
Trước đó, Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử được thành lập hồi tháng 8/2018 cũng đã có sự góp mặt của những người đứng đầu 4 doanh nghiệp lớn là quyền Chủ tịch Viettel Lê Đăng Dũng; Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng; Chủ tịch HĐTV VietnamPost Phạm Anh Tuấn và Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT Trương Gia Bình.
Cáp quang APG lại gặp sự cố, ảnh hưởng internet đi quốc tế
Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam cho hay, tuyến cáp gặp sự cố tại vị trí cách trạm cập bờ Đà Nẵng 132km. Sự cố xảy ra vào 17h30 chiều ngày 26/5. Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân, do đó chưa có thời gian dự kiến sửa chữa xong. Hiện sự cố đang được Ban quản trị hệ thống cáp biển APG tích cực xử lý.
  Ảnh minh họa
Với sự cố này, toàn bộ dung lượng internet Việt Nam đi quốc tế qua hướng cáp này sẽ bị ảnh hưởng. Các dịch vụ internet quốc tế như Facebook, Google có thể sẽ gặp khó khăn khi truy cập.

Nguyên nhân sự cố xảy ra chiều ngày 26/5/2019 trên tuyến cáp biển APG vẫn đang được xác định. Ban quản trị hệ thống cáp biển APG cũng tích cực xử lý, tuy nhiên vẫn chưa có có dự kiến thời gian khắc phục xong sự cố.
Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway - APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.

Có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, tuyến cáp quang biển quốc tế APG có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Trong năm nay, liên tiếp trong 3 ngày 26, 27 và 28/2/2019, 3 nhánh S1.9, S1.8 và S3 của tuyến cáp quang biển APG đã lần lượt gặp sự cố. Các sự cố xảy ra trên 3 nhánh cáp S3, S1.8 và S1.9 của tuyến cáp biển APG đã được khắc phục xong vào các ngày 7/3, 11/3 và 17/4/2019.
Xuất hiện chiêu giả mạo website, hotline ngân hàng để lừa đảo
Lãnh đạo Kienlongbank tuần qua đưa ra cảnh báo về hiện tượng đang có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín của các ngân hàng, thực hiện những hành vi giả mạo website, hotline để trục lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các ngân hàng và tác hại trực tiếp đến quyền lợi/tài sản của khách hàng.
  Ảnh minh họa
Nhằm giúp khách hàng tránh được những sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) thường xuyên rà soát mạng Internet, ghi nhận và xử lý các thông tin giả mạo, kịp thời thông báo đến khách hàng phòng tránh các rủi ro.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số website, hotline giả mạo Kienlongbank cùng với các ngân hàng, doanh nghiệp khác đang xuất hiện trên Internet, mục đích thu lợi từ cước phí kết nối tổng đài của khách hàng và gây ra những thông tin sai lệch.

Do đó, lãnh đạo Kienlongbank khuyến cáo khách hàng không liên hệ và thực hiện bất cứ giao dịch nào với các website và hotline sau: http://hotrokhachhang.com.vn/; https://kienlong.ngan-hang.com; http://kienlongbank.ngan-hang.net; Tổng đài: 19006236, 19006215…

Để bảo vệ thông tin cá nhân và các thông tin giao dịch tài chính ngân hàng, Kienlongbank khuyến nghị khách hàng chỉ thực hiện qua các kênh giao dịch chính thức và duy nhất của Kienlongbank: Website:https://www.kienlongbank.com; Hotline hỗ trợ 24/7: 19006929/ (028) 73096929

Email: kienlong@kienlongbank.com hoặc chamsockhachhang@kienlongbank.com

Mạng xã hội facebook:https://www.facebook.com/NganhangKienLong.
VinSmart chính thức phân phối tại thị trường Myanmar
Ngày 29/5/2019, Công ty VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã chính thức công bố ra mắt thương hiệu và sản phẩm Vsmart tại Myanmar.
Việc đưa sản phẩm công nghệ Việt chinh phục thị trường châu Á tiếp tục khẳng định khát vọng đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới, trong đó sản phẩm đầu tiên là điện thoại thông minh Vsmart.
 Công ty VinSmart ra mắt sản phẩm tại Malaysia
Đối tác phân phối sản phẩm Vsmart là Công ty Strong Source. Theo đó, các sản phẩm Vsmart sẽ được phân phối thông qua gần 1.500 cửa hàng của nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng và kinh doanh đa ngành số 1 tại Myanmar. Qua Strong Source, Vsmart đồng thời hợp tác với 2 nhà bán lẻ lớn (phân phối trực tiếp và trực tuyến) tại Myanmar là Mytel (Viettel) và Shop.com.mm (Alibaba).
Trong giai đoạn 1, Vsmart sẽ phân phối 4 mẫu điện thoại thông minh tại thị trường Myanmar là Joy1, Joy1+, Active 1 và Active 1+. Trong đó, Active 1+ là mẫu máy cao cấp nhất của Vsmart ở thời điểm hiện tại, với 3 màu: Xanh lục bảo, đen và vàng hồng. Active 1+ có khung kim loại, lưng kính và màn hình tai thỏ, trang bị Chip SnapDragon 660, RAM 6GB.
Máy có camera selfie 24MP và camera kép xóa phông 12MP, sử dụng công nghệ AI nên đạt được chất lượng hình ảnh cao ngay cả trong điều kiện ánh sáng yếu. Joy 1+ là dòng máy có thiết kế nhựa giả kính, màn hình tai thỏ, chip Snapdragon 430, RAM 3GB. Máy có 2 màu xanh coban, đen. Đặc biệt, Joy 1+ có dung lượng pin 4000mAh - mẫu máy có pin lâu nhất trong loạt sản phẩm.
Ông Soe Naing, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Strong Source Group cho biết: “Chúng tôi rất tự hào khi trở thành đối tác phân phối độc quyền cho thương hiệu Vsmart tại thị trường Myanmar. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng điện tử, Strong Source tin tưởng có thể đồng hành cùng Vsmart nhằm đạt được sự lựa chọn và tin yêu của người tiêu dùng”.
Bà Nguyễn Thị Bích Phượng (Phó Tổng Giám đốc Marketing Công ty VinSmart) cho biết: “Thị trường Myanmar là một thị trường tiềm năng với tỷ lệ tăng trưởng mạnh các sản phẩm tiêu dùng công nghệ trong những năm gần đây. Do đó rất nhiều thương hiệu điện thoại khác cũng đã nhanh chóng nhập cuộc và cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng với nền tảng phát triển công nghệ, nhân sự và đặc biệt là sự hỗ trợ của các đối tác phân phối lớn như Strong Source, Mytel, Shop.com.mm, Vsmart sẽ trở thành Top những thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu được ưa chuộng tại thị trường Myanmar.”
Thời gian qua Vingroup liên tục có những bước chân ra thị trường quốc tế. Cụ thể, tháng 7/2018, Công ty VinFast đã hoàn tất việc mở văn phòng tại thành phố Frankfurt, CHLB Đức. Đầu tháng 3/2019, Vingroup đã công bố xây dựng mạng lưới VinTech toàn cầu với trụ sở đầu tiên đặt tại thành phố Daegu, Hàn Quốc.
Đặc biệt, ngày 20/3 vừa qua Vsmart cũng đặt bước chân đầu tiên đến thị trường châu Âu thông qua nhà phân phối là Công ty MediaMarkt. Với sự hiện diện tiếp theo tại Myanmar, Vingroup tiếp tục khẳng định tầm nhìn toàn cầu, khả năng triển khai tốc độ và khát vọng trở thành Tập đoàn Công nghệ đẳng cấp quốc tế trong 10 năm tới. Dự kiến trong năm 2019, Vsmart sẽ tiếp tục hiện diện tại các thị trường Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần