Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Điểm nhấn công nghệ tuần] Việt Nam làm chủ công nghệ 5G

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến cáp quang AAG đã được sửa xong đúng kế hoạch, Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ 5G là những tin vui đối với người dân trong tuần qua.

Thực hiện thành công cuộc gọi 5G trên thiết bị Việt
Vào ngày 17/1, Viettel đã chính thức thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do nhà mạng này nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm.
Viettel đang từng bước tự chủ công nghệ 5G.
Như vậy, sau 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE, Viettel đã chính thức là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này. Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng.
Được biết, thiết bị gNode 5G được đội ngũ kỹ sư của Viettel phát triển trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9/2019) với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.
Như vậy, chỉ sau 8 tháng kể từ ngày Viettel là nhà mạng thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác, Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.
Việc tự thiết kế và sản xuất thiết bị 5G sẽ giúp Viettel chủ động trong việc triển khai 5G cho mạng di dộng của mình và các dịch vụ gia tăng đi kèm, nhằm tạo ra những trải nghiệm 5G tốt nhất cho khách hàng.
Hoàn thành sửa chữa cáp quang AAG
Ngày 15/1, các sự cố xảy ra trên 2 nhánh S1H và S1I của tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway - AAG đã được khắc phục xong, khôi phục 100% kênh truyền trên tuyến này.
Cáp quang AAG đã được sửa xong
Như vậy, theo đúng lịch đã thông báo tới các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam hồi đầu tháng 1, ngay trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đối tác quốc tế đã kịp hoàn tất công tác sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra vào các ngày 14/11/2019 và 22/12/2019 trên các nhánh S1H và S1I của tuyến cáp biển AAG.
Tháng cuối năm 2019, tuyến cáp biển AAG đã 2 lần gặp sự cố gây ảnh hưởng đến kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.
Cụ thể, vào 17h15 ngày 14/11/2019, nhánh S1H của AAG gặp sự cố tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu của tuyến cáp khoảng 163km. Hơn một tháng sau, vào 7h10 ngày 22/12/2019, AAG tiếp tục gặp sự cố trên nhánh S1I hướng kết nối từ Việt Nam đi HongKong.
Doanh nghiệp internet phải tuân thủ pháp luật Việt Nam
Theo Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT, trong năm 2020, Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) sẽ phải thực hiện giải pháp để các trang mạng xã hội tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo tỷ lệ ngăn chặn các thông tin xấu độc, sai sự thực tối thiểu đạt từ 70 - 80%.
Theo đó, trong năm 2020 phải đảm bảo việc thực thi pháp luật nghiêm minh với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng theo nguyên tắc Việt Nam là nước có chủ quyền, mọi doanh nghiệp trong hay ngoài nước kinh doanh tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật. Đồng thời, bảo đảm các doanh nghiệp cung cấp nền tảng có số lượng người sử dụng lớn phải lành mạnh, phải sạch, phải xác định danh tính người sử dụng; đảm bảo tỷ lệ ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các thông tin xấu, độc, sai sự thực mà phát hiện, xác minh được trên mạng xã hội đạt tối thiểu từ 70 - 80%.
Ảnh minh họa
Theo Bộ TT&TT, trong năm 2019, đối với công tác quản lý thông tin điện tử, Bộ đã chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook, Google, buộc 2 nền tảng này phải tích cực hợp tác trong việc gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả, tài khoản giả mạo.
Trong năm 2019, các mạng xã hội xuyên biên giới đã gỡ bỏ, xử lý hơn 6.000 clip xấu độc; 180 link xấu độc và các trang giả mạo lãnh đạo Nhà nước. Tỷ lệ tuân thủ pháp luật của Facebook, Google lần lượt là 60% và 90%, tỷ lệ này năm 2018 đều là 70%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng về đất nước con người Việt Nam ở mức 8%, tỷ lệ tiêu cực về Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ở mức 10 - 20%.
Sẽ thương mại hoá 5G trong năm 2020
Theo nội dung Chỉ thị 01 của Bộ TT&TT về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020, mạng 5G sẽ được triển khai thương mại cùng những nước đầu tiên trên thế giới.
Theo Bộ TT&TT 5G là hạ tầng rất quan trọng của kinh tế số, xã hội số, do đó việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam cũng là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất được thiết bị 5G. Vì thế, Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện, tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, thực hiện sứ mệnh đầu tư nghiên cứu hướng đến mục tiêu thương mại hoá 5G vào năm 2020.
Bộ TT&TT cũng sẽ xây dựng chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm phủ sóng 4G, 5G, phổ cập điện thoại thông minh và dịch vụ công trực tuyến.
 Ảnh minh họa

Phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng trên Windows 10

Ngày 15/1/2020, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trong hệ điều hành Windows 10 và Microsoft đã phát hành bản vá vào trưa ngày 14/1/2020 (giờ địa phương) cho Windows 10 cũng như Windows Server 2016 và Windows Server 2019.

Các chuyên gia bảo mật đều nhấn mạnh mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng của lỗ hổng “CVE-2020-0601” mới được phát hiện trên hệ điều hành Windows 10 của Microsoft.

Về mức độ ảnh hưởng của lỗ hổng “CVE-2020-0601” mới được NSA phát hiện và cảnh báo trên Windows 10 đối với người dùng Việt Nam, các chuyên gia Bkav thông tin, tại Việt Nam, có tới 23% trong số 12 triệu máy tính đang dùng hệ điều hành Windows 10, điều đó có nghĩa là 2.760.000 máy tính có nguy cơ bị khai thác bởi lỗ hổng nghiêm trọng này.

Theo hướng dẫn của các chuyên gia Bkav, để kiểm tra máy tính của mình đã được cập nhật bản vá hay chưa, người dùng truy cập vào “Windows Settings”, chọn “Update & Security”, “Windows Update” và click vào “Check for Updates” để kiểm tra các bản vá mới nhất.