Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về an ninh mạng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019; Tuyến cáp APG đã hoạt động trở lại; Vingroup thành lập Viện Nghiên cứu Trí Tuệ nhân tạo (AI)... là nội dung chú ý tuần qua.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019
Sáng 17/4, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Chương trình Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam 2019 (Vietnam Security Summit 2019) đã chính thức khai mạc. Với chủ đề: “An toàn, an ninh mạng trong hành trình chuyển đổi số” đây là sự kiện được Cục An toàn thông tin (ATTT) phối hợp cùng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Hiệp hội Internet Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

  Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cường quốc về an ninh mạng

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cả thế giới đã và đang bước vào cuộc cách mạng số, cùng với một số công nghệ mới mang tính đột phá, như AI, Big Data, IoT... cơ hội để hình thành xã hội thông minh đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Nhằm tận dụng cơ hội của công nghệ số mang lại, năm 2019, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược chuyển đổi số quốc gia, để xây dựng nền kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, an toàn, an ninh không gian mạng là điều kiện cơ bản cũng như là yếu tố sống còn để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, tạo môi trường an toàn để chính phủ, doanh nghiệp và người dân sử dụng các công nghệ tiên tiến. Do đó, Việt Nam sẽ phải tạo ra các sản phẩm và dịch vụ về an toàn, an ninh đồng thời phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng đẳng cấp quốc tế.
Làm cho internet an toàn hơn đồng nghĩa với việc quốc gia phát triển thịnh vượng hơn, không gian mạng chính là tương lai của Việt Nam cũng như các đất nước trên thế giới. Việc trở thành cường quốc an ninh mạng cũng tương tự với cường quốc quân sự ở ngoài đời thực, Bộ trưởng khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành TT&TT, Việt Nam hiện tại đang có nguồn nhân lực an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, song hành với đó là khát vọng dân tộc hùng cường, do đó chúng ta hoàn toàn có thể trở thành cường quốc về an ninh mạng.
Nêu rõ hướng đi trong năm 2019, Bộ trưởng cho rằng phải bắt đầu từ việc tạo ra thị trường an toàn, an ninh mạng. Yêu cầu các dự án đầu tư CNTT phải có hạng mục an toàn, an ninh mạng; phát triển các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân lực trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Bên cạnh đó giám sát chặt chẽ an toàn không gian mạng, đảm bảo an toàn mạng cho các cơ quan của chính phủ và các hạ tầng trọng yếu quốc gia, có khả năng phục hồi khi bị tấn công.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đặt ra mục tiêu: Năm 2019, không còn xảy ra việc các mạng của cơ quan nhà nước bị đột nhập lấy cắp thông tin nữa.
Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm, hiện Bộ TT&TT đang được giao nhiệm vụ soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về mất an toàn, an ninh mạng của đơn vị mình. Mỗi đơn vị cũng phải tổ chức lực lượng an toàn, an ninh mạng tại chỗ, đồng thời phải có đơn vị chuyên trách bên ngoài cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng. Kiểm thử xâm nhập, đánh giá mức độ và quản lý rủi ro về an toàn, an ninh mạng phải được thực hiện thường xuyên.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số. Bộ cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác, sự phát triển của các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Việt Nam có cơ hội trở thành quốc gia lớn mạnh về an toàn, an ninh mạng và cơ hội này sẽ không bị bỏ lỡ, Bộ trưởng khẳng định.
Cũng tại sự kiện lần này, Liên minh “Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng” đã được thành lập với mục đích tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin phục vụ công tác đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và cộng đồng người dùng internet tại Việt Nam.
Liên minh hoạt động dưới sự bảo trợ, dẫn dắt của Bộ TT&TT, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam là 2 đơn vị có vai trò chủ trì. Năm thành viên sáng lập Liên minh bao gồm: Công ty An ninh mạng Viettel, Trung tâm An toàn thông tin VNPT, Trung tâm An ninh mạng FPT, Công ty cổ phần BKAV và Công ty TNHH An ninh, an toàn thông tin CMC.
Được biết, tại Vietnam Security Summit 2019 bên cạnh Hội nghị và các Hội thảo chuyên đề là Chương trình Triển lãm các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ lĩnh vực an toàn, an ninh mạng với sự tham gia của 26 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài như Viettel, BKAV, FPT, Netnam, Vnetwork, VSEC, RSA, Fortinet, Checkpoint, HPE, Samsung, NIPA... và Chương trình Trình diễn trực tiếp công nghệ bảo mật (Security Live Demo) về các tình huống an toàn, an ninh mạng.
Tuyến cáp APG đã hoạt động trở lại
Một nhánh của tuyến cáp quang biển quốc tế APG đã được sửa xong, khôi phục hoàn toàn internet Việt Nam đi quốc tế. Thông tin cập nhật về tiến độ sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra ngày 26/2/2019 trên nhánh S1.9 hướng kết nối đi Malaysia của tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway - APG vừa được đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam chia sẻ.
Ảnh minh họa
Riêng với nhánh S1.9 của tuyến cáp APG, nhánh cáp này gặp sự cố vào ngày 26/2/2019 và theo kế hoạch ban đầu thời điểm hoàn tất việc khắc phục sự cố là ngày 11/4/2019. Tuy nhiên, trên thực tế, chiều hôm qua, ngày 17/4/2019, cáp nhánh S1.9 trên tuyến cáp biển APG mới được sửa chữa xong, khôi phục hoàn toàn dung lượng trên tuyến.
Như vậy, đến nay, cả 3 tuyến cáp quang biển APG, AAE-1 và IA từng liên tiếp gặp sự cố hoặc được bảo dưỡng trong thời gian ngắn từ tháng 2/2019 đến tháng 4/2019, hiện đều đã trở lại hoạt động bình thường.
APG được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016, sau 4 năm triển khai đầu tư. APG vốn là một trong những tuyến cáp quang có dung lượng lớn nhất đang hoạt động tại Châu Á với băng thông lên đến 54 Tbps
APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
Vingroup thành lập Viện Nghiên cứu Trí Tuệ nhân tạo (AI)
Ngày 17/4/2019, Tập đoàn Vingroup chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI - VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech). Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu. Viện do Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực AI thế giới, làm Viện trưởng.
VinAI sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu.
Viện Nghiên cứu AI sẽ nghiên cứu những vấn đề khoa học cơ bản trong AI mà cốt lõi là các thuật toán về học máy, học sâu và ứng dụng trong môt loạt các lĩnh vực như xử lý và hiểu hình ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói, hành vi tương tác người dùng… Đặc biệt, Viện sẽ ưu tiên những vấn đề thế giới đang quan tâm hoặc những vấn đề mang tầm quan trọng cốt lõi đối với Việt Nam.
Mục tiêu của Viện là xây dựng một lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho Tập đoàn Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là ươm mầm cho những tài năng về AI cho Việt Nam trong tương lai, đồng thời tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho Tập đoàn hoặc các đối tác.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu AI là tiến sĩ Bùi Hải Hưng. Tiến sĩ Hưng gia nhập Vingroup từ Google DeepMind, nơi ông từng đảm nhiệm vị trí nghiên cứu cấp cao. Tiến sĩ Hưng được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google. Ông có gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ.
Ông từng lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường Đại học hàng đầu của thế giới (Stanford, MIT, Berkeley) trong việc phát triển công nghệ nhận diện hành vi của con người, trực thuộc dự án CALO, dự án về AI lớn nhất tính đến thời điểm đó và còn được biết đến như dự án đã sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo đầu tiên Siri trong Apple iPhone. Ông cũng đã từng công tác tại Adobe Research và phòng nghiên cứu ngôn ngữ tự nhiên của Nuance. Ông là thành viên trong Ban biên tập tạp chí Artificial Intelligence.
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng sinh năm 1973, tiến sĩ Hưng từng học Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng dự thi Olympic Toán quốc tế với Giáo sư Ngô Bảo Châu và giành Huy chương bạc năm 1989. Tiến sĩ Hưng có bằng cử nhân và nhận bằng Tiến sĩ năm 1998 khi mới 25 tuổi, đều về ngành khoa học máy tính từ trường Đai Học Curtin, Úc.
Ông nguyên là giảng Viên tại trường DH Curtin (2000 - 2003) và đã từng được mời làm Giáo Sư tại trường Đại học Monash. Từ năm 2003 đến 2012, tiến sĩ Bùi Hải Hưng làm nghiên cứu viên tại Trung tâm AI - Viện Nghiên Cứu Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Ông tiếp tục công việc Chuyên gia máy học tại Adobe Research từ 2014 tới 2017. Đầu năm 2018, ông bắt đầu làm việc trong một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ AI - Google DeepMind.
Viện VinAI là bước đi tiếp theo của Tập đoàn Vingroup theo định hướng trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Trước đó Vingroup đã thành lập: Công ty Phát triển Công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup.... Về triển khai, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn do Giáo sư Vũ Hà Văn làm Giám đốc Khoa học đã công bố triển khai dự án: Giải mã bộ gen người Việt. Công ty VinTech mới đây đã công bố xây dựng mạng lưới VinTech toàn cầu và đặt trụ sở đầu tiên tại Hàn Quốc.
Về sản phẩm, tháng 10/2018, Vingroup đã ra mắt thành công 2 chiếc ô tô VinFast tại triển lãm Paris Motors Show, tháng 12/2018, Vingroup đã công bố 4 sản phẩm điện thoại thông minh Vsmart tới người tiêu dùng.
Với việc tiếp tục thành lập một viện nghiên cứu khoa học đỉnh cao, Vingroup đã và đang tiếp tục khẳng định tầm nhìn toàn cầu và khả năng triển khai tốc độ trên hành trình 10 năm trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
Facebook sắp ra trợ lý ảo
Theo The Verge, Facebook không từ bỏ tầm nhìn mà hãng đưa ra nhiều năm trước khi phát triển một trợ lý AI cho nền tảng Messenger có tên gọi đơn giản là M. Tuy nhiên, nó được đánh giá là quá phụ thuộc vào thói quen người dùng và Facebook cũng không mặn mà trong việc nâng cấp về sau. Kết quả là M đã bị "khai tử" năm 2018.
 Ảnh minh họa.
Ở thời điểm hiện tại, Facebook cho biết họ tập trung ít hơn vào nền tảng nhắn tin và nhiều hơn vào các nền tảng hand-free (các thiết bị giúp giải phóng bàn tay) khác thông qua điều khiển bằng giọng nói và khả năng điều khiển bằng cử chỉ.
Người phát ngôn của Facebook cho biết hãng đang làm việc để phát triển các công nghệ trợ lý giọng nói và AI có thể hoạt động trên toàn bộ sản phẩm AR/VR bao gồm Portal, Oculus và các sản phẩm khác trong tương lai.
Một số chuyên gia dự đoán, Facebook có thể đưa trợ lý ảo lên loa thông minh tự sản xuất, thiết bị trò chuyện video Portal, tai nghe Oculus hoặc dự án khác trong tương lai. Phương án đầu tiên có khả năng xảy ra cao nhất khi đội ngũ phát triển được cho là đã liên hệ với các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng loa thông minh để thử nghiệm sản phẩm mới.
Nếu ra mắt, trợ lý ảo và loa của Facebook sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ đã khẳng định tên tuổi như Amazon hay Google. Theo eMarketer, hai hãng này đang tiến xa trong thị trường loa thông minh khi chiếm lần lượt 67% và 30% thị phần tại Mỹ năm 2018.
Chắc chắn rằng Facebook sẽ gặp không ít khó khăn khi tham gia vào thị trường loa thông minh. Đến thời điểm hiện tại, Amazon và Google vẫn đang là những nhà sản xuất thống trị thị trường, trong đó HomePod của Apple đã thu được hàng tỷ USD, ước tính chiếm tới 1,6% thị phần trong quý 4 năm ngoái.