Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Việt Nam ứng dụng IPv6 đứng thứ 2 khu vực ASEAN

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam xếp thứ 19 toàn cầu về ứng dụng IPv6; Vệ tinh MicroDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo vào tháng 1/2019; 3G của Viettel có tốc độ nhanh nhất... là nội dung chú ý tuần qua.

Việt Nam xếp thứ 19 toàn cầu về ứng dụng IPv6
Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã công bố “Báo cáo tài nguyên Internet Việt Nam 2018”. Theo đó, Việt Nam vượt qua Australia và New Zealand để vươn lên xếp thứ 19 toàn cầu về tỉ lệ ứng dụng IPv6.
 Việt Nam đứng thứ 19 về ứng dụng IPv6. Ảnh minh họa.

Báo cáo tài nguyên Internet 2018 mới được VNNIC công bố cho thấy, điểm nổi bật nhất trong mảng này chính là sự bứt phá trong kết quả ứng dụng triển khai IPv6 của Việt Nam. Cụ thể, tính đến 20/11/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt khoảng 21%, đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 7 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan và Canada.

Đáng chú ý, năm nay Việt Nam vượt qua Australia và New Zealand lên vị trí thứ 19 toàn cầu với hơn 11 triệu người sử dụng IPv6. Đây là số liệu được công bố bởi Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) và Cisco.

Báo cáo cũng cho hay, 3 DN tiêu biểu đang dẫn đầu về triển khai IPv6 tại Việt Nam là VNPT, Viettel và FPT Telecom. Năm 2018, Tập đoàn Viettel đã có sự tăng trưởng đột phá, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 13%. Tập đoàn VNPT dẫn đầu trong cung cấp dịch vụ IPv6, tỉ lệ đạt 29%. FPT Telecom là đơn đầu tiên cung cấp dịch vụ IPv6, tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 24%. Theo đại diện VNNIC, IPv6 đã được ứng dụng trong dịch vụ di động 3G/4G tuy chưa nhiều.

Cũng theo báo cáo, tính tới hết ngày 31/10/2018, đã có 460.412 tên miền “.VN” đang duy trì sử dụng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tên miền “.VN” được đăng ký mới năm 2018 là 119.737 tên.

Tên miền “.VN” có tỉ lệ tăng trưởng thực dương trong bối cảnh chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của tên miền quốc tế, gồm có tên miền cấp cao dùng chung mới (New gTLD). Nhiều ccTLD khác trong khu vực và trên thế giới suy giảm tốc độ tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm.

Kể từ năm 2011, tên miền quốc gia Việt Nam “.VN” đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng tên miền. Năm 2018, ccTLD “.VN” tiếp tục giữ vị trí này và thuộc top 10 ccTLD có số lượng duy trì sử dụng lớn nhất khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Cùng với đó, các cơ sở hạ tầng trọng yếu phục vụ cho hoạt động Internet Việt Nam như Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, mạng máy chủ tên miền quốc gia DNS trong năm qua tiếp tục được duy trì hoạt động tốt. VNIX có 20 thành viên kết nối, với tổng dung lượng kết nối đạt 269 Gbps.

Nhấn mạnh lưu lượng trao đổi qua VNIX không ngừng tăng trưởng, đại diện VNNIC thông tin, tính đến hết 31/10/2018, tổng lưu lượng đã trao đổi qua VNIX đạt 541.008 Tetabyte. Trong 10 tháng đầu năm nay, lưu lượng trao đổi qua VNIX là 61.048 Tetabyte.

Vệ tinh MicroDragon sẽ được phóng lên quỹ đạo vào tháng 1/2019

Theo thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, ngày 30/11, Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã công bố lịch phóng tên lửa Epsilon số 4 chính thức vào ngày 17/1/2019 tới.
 Vệ tinh được lưu trữ tại Toykyo chờ phóng lên quỹ đạo.

Theo đó, tên lửa Epsilon số 4 sẽ đưa 7 vệ tinh lên quỹ đạo, trong đó có vệ tinh MicroDragon do Việt Nam chế tạo. Vệ tinh MicroDragon (nặng 50kg) của Việt Nam cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura (Nhật Bản).

Cũng theo thông báo của JAXA, vệ tinh MicroDragon là sản phẩm trong khuôn khổ của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 1 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”.

Vệ tinh MicroDragon sẽ được tách khỏi tên lửa đẩy ở độ cao 511km với vận tốc là 7,6km/s. Thời gian phóng dự kiến là 9:50:20 - 9:59:37 (giờ Nhật Bản) tức 7:50:20 - 7:59:37 (giờ Việt Nam).

MicroDrago được phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường Đại học hàng đầu Nhật Bản: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia trong trường từ năm 2013 - 2017.

Với mục đích là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.

Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tính đến tháng 9/2017, toàn bộ vệ tinh MicroDragon đã được lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm đúng yêu của JAXA và đã sẵn sàng để phóng. Sau đó, được lưu trữ và bảo dưỡng định kỳ tại phòng sạch của Đại học Tokyo.

Hiện, vệ tinh MicroDragon đã được chuyển cho Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để chờ phóng.

3G của Viettel có tốc độ nhanh nhất

Bộ TT&TT vừa công bố kết quả đo kiểm định kỳ hàng năm chất lượng dịch vụ mạng 3G của các nhà mạng là MobiFone, Viettel, VinaPhone.
Chất lượng truy cập internet 3G của Viettel cao nhất. Ảnh minh họa.

Trong đợt này, Cục Viễn thông đã tiến hành đo kiểm các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất 3G của 3 nhà mạng là MobiFone, Viettel, VinaPhone tại các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Trị, Quảng Bình, Bến Tre và tỉnh Tiền Giang.

Việc đo kiểm được thực hiện trong quý 2/2018 và trong vùng lõi cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp. Phương pháp đo kiểm của Cục Viễn thông tuân thủ theo QCVN 81:2014/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000”.

Kết quả đo kiểm chi tiết như sau: Mạng MobiFone có độ sẵn sàng của mạng vô tuyến đạt 99,19% (Bộ TT&TT yêu cầu chỉ tiêu ≥ 95%), Tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt 99,98% (yêu cầu ≥ 90%), thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình 1,50 giây (yêu cầu ≤ 10 giây), Tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0,07% (yêu cầu ≤ 10%), Tốc độ tải xuống trung bình đạt 8,99 Mbit/s, Tốc độ tải lên trung bình đạt 2,45 Mbit/s, tỷ lệ mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng lõi là 97,98% (yêu cầu ≥ 95%).

Mạng Viettel có độ sẵn sàng của mạng vô tuyến đạt 99,98% (Bộ TT&TT yêu cầu chỉ tiêu ≥ 95%), Tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt 100% (yêu cầu ≥ 90%), thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình 1,33 giây (yêu cầu ≤ 10 giây), Tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0,04% (yêu cầu ≤ 10%), Tốc độ tải xuống trung bình đạt 15,27 Mbit/s, Tốc độ tải lên trung bình đạt 3,40 Mbit/s, Tỷ lệ mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng lõi là 99,81% (yêu cầu ≥ 95%).

Mạng VinaPhone có độ sẵn sàng của mạng vô tuyến đạt 99,72% (Bộ TT&TT yêu cầu chỉ tiêu ≥ 95%), Tỷ lệ truy nhập thành công dịch vụ đạt 99,93% (yêu cầu ≥ 90%), thời gian trễ truy nhập dịch vụ trung bình 1,85 giây (chỉ tiêu ≤ 10 giây), Tỷ lệ truyền tải dữ liệu bị rơi là 0,04% (chỉ tiêu ≤ 10%), Tốc độ tải xuống trung bình đạt 8,61 Mbit/s, Tốc độ tải lên trung bình đạt 2,37 Mbit/s, Tỷ lệ mẫu có tốc độ tải xuống lớn hơn hoặc bằng tốc độ tải dữ liệu hướng xuống tối thiểu trong vùng lõi là 99,40% (chỉ tiêu ≥ 95%).

Kết quả đo kiểm cho thấy 100% các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật của các doanh nghiệp đều đảm bảo tuân thủ quy định của QCVN 81:2014/BTTTT. Chỉ tiêu quan trọng nhất để phản ánh chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất là Tốc độ tải dữ liệu, các doanh nghiệp của Việt Nam đều vượt xa mức công bố 1 Mbit/s.

Theo Cục Viễn thông, việc đo kiểm được thực hiện theo quy định của Thông tư 08:2013/TT-BTTTT “Thông tư quy định quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông”, Thông tư 35:2015/TT-BTTTT “Thông tư quy định danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc phải quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông”.

Giám đốc người Việt sẽ nghỉ việc tại Facebook

Giám đốc Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang vừa tuyên bố sẽ nghỉ việc tại mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook từ ngày 1/1/2019. Lý do được cô gái vàng này tuyên bố là do không sắp xếp được công việc gia đình, cho dù công việc tại Facebook được cho là đang rất thuận buồm xuôi gió.
Bà Lê Diệp Kiều Trang sẽ rời khỏi vị trí Giám đốc Facebook từ 1/1/2019

Kiều Trang chia sẻ về cảm nhận của mình sau gần 9 tháng giữ chức giám đốc tại Facebook: "Thời gian ở Facebook là một chặng đường vô cùng thú vị, được học hỏi, được xây dựng và dẫn dắt bộ phận kinh doanh của Facebook tại Việt Nam".

Thời gian tới Kiều Trang sẽ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và một vài ý tưởng mới. Việc rời khỏi vị trí Giám đốc Facebook Việt Nam của Kiều Trang trùng hợp với làn sóng thôi việc của nhiều nhân viên Facebook trong thời gian qua.

Hồi cuối tháng 3/2018, Lê Diệp Kiều Trang (Christy Le) giữ chức Giám đốc Facebook Việt Nam. Công việc chính của bà tại Facebook là hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp.

Lê Diệp Kiều Trang được cộng đồng khởi nghiệp trong nước gọi là "cô gái vàng" với thành tích học tập đáng nể khi ẵm các danh hiệu thủ khoa từ Trường Lê Hồng Phong, TP Hồ Chí Minh đến các đại học danh tiếng như Oxford ở Anh và chương trình MBA Sloan của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ.

Lê Diệp Kiều Trang, sau khi rời MIT, đã đầu quân cho công ty tư vấn chiến lược McKinsey hàng đầu thế giới. Sau đó, cô gái sinh năm 1980 này đã cùng chồng là Vũ Xuân Sơn, tên thường gọi là Sonny Vũ, sáng lập nên Misfit Wearables.

Misfit Wearables, startup chuyên về các thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và đo mức vận động của cơ thể, nhận được khá nhiều vốn đầu tư từ các đại gia trên thế giới, trong đó có thể kể đến John Sculley, cựu CEO của Apple, và tỉ phú Hong Kong Lý Gia Thành.

Công ty này sau đó được Fossil Group, tập đoàn chuyên về đồng hồ thời trang của Mỹ, mua lại với giá 260 triệu USD vào cuối năm 2015.

Sau khi bán Công ty Misfit, Lê Diệp Kiều Trang giữ vị trí tổng giám đốc Fossil Việt Nam và chồng cô giữ chức Giám đốc Công nghệ. Tuy nhiên, đến ngày 9/3/2018, cộng đồng startup Việt Nam khá bất ngờ khi Kiều Trang tuyên bố rời Fossil Việt Nam và trở thành giám đốc Facebook Việt Nam, cùng lúc Sonny Vũ cũng rút Fossil.