Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn kinh tế tuần qua: Kiểm toán Nhà nước "vạch áo" hàng loạt DNNN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm ăn thua lỗ, đầu tư kém hiệu quả cũng như nợ nần nhiều là thực trạng của nhiều doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) được phơi bày qua Báo cáo kết luận trong năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước.

Vinalines lỗ gần 3.500 tỷ đồng

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã đưa ra bản báo cáo 2015 về tình hình kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 của 234 DN thuộc 38 Tập đoàn, Tổng công ty và công ty. Nhìn nhận chung, năm 2014, hiệu quả hoạt động của nhiều DN giảm sút.

 
Vinalines dẫn đầu DNNN về làm ăn thua lỗ
Vinalines dẫn đầu DNNN về làm ăn thua lỗ
Cụ thể, có 5/38 đơn vị làm ăn thua lỗ, trong đó Vinalines lỗ 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ 471 tỷ đồng, Vinaincon 131,96 tỷ đồng; Tổng công ty Mía đường II lỗ 15,18 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk 2,95 tỷ đồng. 33 DN còn lại kinh doanh có lãi và bảo toàn được vốn.

Bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị đầu tư kém hiệu quả như: Vinalines có 51/63 đơn vị có vốn đầu tư của Công ty mẹ thua lỗ hoặc hiệu quả thấp, cổ tức thu được năm 2014 bằng 0,46% vốn đầu tư; Hay với Công ty mẹ - COMA, lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con bằng 1,05% vốn đầu tư, trong đó 6/10 công ty con thua lỗ (4 công ty mất vốn chủ sở hữu); lợi nhuận được chia từ công ty liên kết bằng 1,8% vốn đầu tư (trong đó 1/4 công ty liên kết thua lỗ).

Đáng chú ý, tình trạng đầu tư kém hiệu quả trên còn ghi nhận được ở những "ông lớn" như EVN, PVN... Lợi nhuận EVN được chia năm 2014 chỉ bằng 0,75% tổng giá trị đầu tư dài hạn; PVN: Công ty mẹ - Tập đoàn đầu tư 800 tỷ đồng vào Oceanbank mất toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông. Tổng công ty Dầu Việt Nam, năm 2014 cũng phải trích lập dự phòng 1.915 tỷ đồng đối với 14 doanh nghiệp có lỗ lũy kế...

Ngoài ra, không thiếu DN có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, điển hình nhất các công ty thuộc Vinalines như Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (154 lần), Công ty Phát triển Hàng hải (55 lần), Cảng Năm Căn (17 lần), Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô (40 lần), Cảng Cái Lân (27 lần)... Công ty mẹ COMA cũng có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu...

Nợ công có thể vượt trần cuối năm nay

Đây là một trong những dự báo được Chính phủ đưa ra tại báo cáo gửi Quốc hội. Theo đó, Chính phủ đánh giá, nợ công và nợ Chính phủ đến cuối năm 2016 có thể vượt trần cho phép.

Hiện mức trần nợ công cho phép là 65% GDP, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát. Trong khi đó, nợ Chính phủ thực tế đã vượt trần 0,3% (ở mức 50,3% GDP).

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Hiện tại, theo dữ liệu tại Đồng hồ nợ công của The Economist, nợ công của Việt Nam hiện ở mức 94,8 tỷ USD, và nợ công trên đầu người xấp xỉ 1.040 USD/người. Còn theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011-2015, vay của Chính phủ lên tới 1,93 triệu tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, với tốc độ tăng bình quân 19%/năm.

Theo kế hoạch của Chính phủ, quy mô vay giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,26 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 8,13% GDP, bình quân khoảng 450.000 tỷ đồng/năm. Năm 2020 là năm có mức huy động cao nhất lên tới 540 nghìn tỷ đồng. Đây là mức huy động được cho là “cao và rất khó khả thi trong điều hành”. Dự kiến tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, khoảng 6,44% GDP.

Đa cấp bất chính liên tục bị "sờ gáy"

Trong tuần qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã quyết định xử phạt Công ty CP Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam 350 triệu đồng do có nhiều vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trước đó, vào cuối năm 2015, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã xử phạt MLM Việt Nam với số tiền 101 triệu đồng. Và mới đây nhất Sở Công Thương Hà Nội cũng đã xử phạt công ty này số tiền 200 triệu đồng.

Đặc biệt, trong quá trình thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện ra các sai phạm "khủng" trong việc bán sản phẩm của công ty này. Cụ thể, sản phẩm Cà phê dưỡng sinh MLM Việt Nam, công ty mua với giá 190.500 đồng (chưa VAT), bán cho nhà phân phối với giá 575.000 đồng. Mức chệnh lệch mua vào - bán ra đối với sản phẩm này là 3 lần.

Cũng do nhiều lần tái phạm, tuần qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã quyết định  thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam.

Công ty này từng bị phanh phui ra việc bán sản phẩm với giá gấp từ 50 đến 82 lần so với giá nhập.

Sắp về hưu vẫn được đề nghị làm Tổng giám đốc Sabeco

Ông Lê Hồng Xanh, Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã được bộ phận quản lý vốn của Nhà nước tại Sabeco đề cử đảm nhận vị trí Tổng giám đốc với Bộ Công thương - cơ quan đang quản lý 89,59% vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này.

 
Nếu được chấp thuận, ông Xanh sẽ giũ ghế Tổng giám đốc Sabeco được xấp xỉ 1 năm
Nếu được chấp thuận, ông Xanh sẽ giũ ghế Tổng giám đốc Sabeco được xấp xỉ 1 năm
Sinh tháng 6/1957, ông Xanh hiện là thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Sabeco. Dựa theo độ tuổi nghỉ hưu, nếu được chấp thuận làm Tổng giám đốc Sabeco, ông Xanh sẽ giữ được chiếc ghế này trong vòng xấp xỉ 1 năm.

Trước khi làm việc tại Sabeco, ông Xanh là Trưởng phòng Marketing của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Tại Sabeco, vị trí công tác đầu tiên của ông Xanh là Giám đốc điều hành marketing và sau đó được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc, sau đó tháng 4/2011, ông Xanh được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng quản trị và hiện là một trong 4 đại diện phần vốn nhà nước do Bộ Công thương quản lý tại Sabeco.

Câu chuyện nhân sự tại Sabeco trong thời gian qua đang hết sức "lùm xùm" xoay quanh nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, khi con trai làm Phó tổng giám đốc, thư ký là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Và nay lại đến trường hợp của ông  Lê Hồng Xanh, có thể thấy khủng hoảng về nhân sự lãnh đạo tại DN này vẫn chưa đến hồi kết thúc.