Nhà nước và tư nhân cùng góp vốn
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn 2016-2020, dự kiến có 4 (nhóm) dự án giao thông thuộc diện dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Các dự án này gồm có đường bộ cao tốc Bắc Nam (tổng vốn dự kiến xấp xỉ 230.000 tỷ đồng), dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (khoảng 16,3 tỷ USD, riêng trong giai đoạn 2016-2020 là 5.000 tỷ đồng); dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các dự án Tuyến đường ven biển.
Với dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, theo quy hoạch có quy mô 100 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 16,3 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư khoảng 5,9 tỷ USD. Giai đoạn 2 sẽ huy động nguồn vốn để xây dựng đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ; mua sắm trang thiết bị phục vụ bay... khoảng 38.000 tỷ đồng theo cơ chế cho vay lại. Đồng thời huy động vốn tư nhân để xây dựng nhà ga hành khách, nhà ga hàng hoá.. là 54.726 tỷ đồng.
Về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam thì giai đoạn 2016-2020 chủ yếu mới tập trung lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực theo quy định để thực hiện trong giai đoạn 2022-2030 và hoàn thành vào năm 2050.
Đối với Tuyến đường ven biển, do khả năng cân đối vốn khó khăn, trước mắt giai đoạn 2016-2020 chỉ đầu tư đoạn cấp bách nhất Hải Phòng - Thái Bình nhằm tạo điều kiện cho địa phương khai thác vùng bãi bồi ven biển góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh Nam sông Hồng. Tổng mức đầu tư cho đoạn Hải Phòng dài 29 km là 2.000 tỷ đồng đầu tư theo hình thức PPP (Tổng công ty xây dựng số 1 đầu tư) trong đó vốn góp của Nhà nước là 1.000 tỷ đồng. Đoạn Thái Bình dài 15km, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, dự kiến đầu tư từ nguồn vốn ODA.
Bộ NN&PTNT vào cuộc sự cố nước mắm
Tuần qua, Bộ NN&PTNT vừa thành lập Tổ công tác liên ngành xử lý thông tin về chất lượng và an toàn thực phẩm nước mắm. Trước đó, Bộ Công thương cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành quy định của pháp luật của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) xung quanh sự cố liên quan tới nước mắm nghiễm asen trong thời gian qua.
Được biết, kết quả kiểm tra về hàm lượng arsen trong nước mắm được Vinastas công bố vào ngày 17/10 vừa qua không chỉ gây phản ứng mạnh từ DN kinh doanh nước mắm truyền thống mà còn tạo ra sự hoang mang cao đối với người tiêu dùng. Ngay sau đó, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành vào cuộc kiểm tra làm rõ. TỚi 22/10, Bộ Y tế đã khẳng định 100% các mẫu nước mắm an toàn vì không có asen vô cơ vượt ngưỡng.
Cổ phiếu Habeco chính thức “lên sàn”
Sáng 28/10, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội - Habeco (mã chứng khoán: BHN) đã chính thức đưa 231,8 triệu cổ phiếu BHN lên giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) kể từ thời điểm cổ phần hóa năm 2008. Mức giá tham chiếu 39.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Trước đó, theo kế hoạch của Bộ Công Thương, sau khi niêm yết Habeco, ngay trong năm 2016 này sẽ thực hiện thoái toàn bộ 82% vốn Nhà nước khỏi Habeco và dự kiến thu về khoảng 9.000 tỷ đồng.
Xoá sổ đa cấp Nhượng quyền Thăng Long
Cục Quản lý Cạnh tranh vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 5/9/2016.
Trước đó vào ngày 2/8, Nhượng quyền Thương mại Thăng Long đã bị Cục Quản lý cạnh tranh phạt 460 triệu đồng do hàng loạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Các hành vi vi phạm bao gồm: Không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp ...
Một trong những lỗi nghiêm trọng khác nữa của Công ty là đã đưa thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn cho khách hàng về công dụng của hàng hoá như các sản phẩm: Nutrion 1,2,3, thực phẩm giải rượu MV...; và cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa. Thường xuyên tổ chức những buổi phát thường có quy mô rất lớn, lên tới cả ngàn người tham gia với mức thưởng được công bố rất lớn, có mức thưởng trong 1 tháng cho 1 cá nhân mà lên đến trên 1 tỷ đồng hoặc trên 2 tỷ đồng.