Vào công sở Hà thành hôm nay, nhất là các ngôi trường nép mình dưới tán cây, không khó để thương mến những duyên dáng, thanh lịch áo dài giữa nhịp điệu không ngừng nghỉ của công việc. Hóa ra, trong từng nhịp sống hối hả nơi đô thị hiện đại, áo dài càng ngày càng rõ nét một điểm nhấn ngọt ngào, chở theo trong nó tâm lý, lối sống, văn hóa, giao tiếp… của người đất này.
1. Sắc Xuân đang rực rỡ khắp các nẻo phố Hà thành, tràn trong ngõ nhỏ phố nhỏ, trên những mái ngói rêu phong nơi Phố cổ vốn đông đúc nhưng lại vô cùng trầm tĩnh mỗi ngày. Người ta thấy trong sắc Xuân ấy, người đương thời, nhất là các bạn trẻ, rạng rỡ trong tà áo dài truyền thống hay áo ngũ thân, y như sắc Xuân đang ngời sáng. Không chỉ duyên dáng, tinh khôi, mà còn cảm nhận rõ nét lắm hơi thở trân trọng và tôn vinh nét đẹp truyền thống. Thì đúng, tà áo chính là sự kết nối sâu sắc giữa quá khứ và hiện tại, mang theo hơi thở văn hóa dân tộc, lan tỏa niềm tự hào và tình yêu dành cho văn hóa truyền thống.
Những người Hà thành hôm nay dù mê mải trong guồng quay hối hả của nhịp sống đô thị, nhưng vẫn luôn dành tình yêu cho Tết cổ truyền, cho tà áo dài vốn là của riêng người Việt. Họ không chỉ mặc trang phục truyền thống, mà còn sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa ấy theo những cách rất riêng.
Chính những hành động ấy đã tạo ra một Tết Việt đậm đà bản sắc, không bị mai một trong dòng chảy hội nhập. Có thể thấy, sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, giữa sự cổ điển và thời trang mới mẻ trong Tết Ất Tỵ 2025 và những lễ hội, sự kiện, những cái Tết đã qua, đang giúp người Hà thành truyền đi thông điệp: Tết Việt không chỉ là của quá khứ, mà là sự giao thoa giữa những gì đã qua và những gì đang tới.
2. Còn nhớ những ngày tháng 10 vừa rồi, lang thang qua hồ Hoàn Kiếm, cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, phố Phan Đình Phùng… là thấy xao xuyến vì bao thiếu nữ thướt tha áo dài đang làm duyên chụp ảnh. Ấy là chuỗi thời gian của “Tháng áo dài Hà Nội” - một sự kiện văn hóa đặc biệt để tôn vinh áo dài, quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc. Rất nhiều hoạt động đã mở ra trong tháng đó, nào là triển lãm áo dài, nào là các cuộc thi thiết kế, trình diễn thời trang, nào là chương trình giao lưu văn hóa... Sự kiện này cũng khuyến khích phụ nữ Hà thành mặc áo dài trong các hoạt động hàng ngày và tại nơi làm việc, để vẻ đẹp của áo dài lan tỏa trong đời sống thường nhật.
Điều không thể phủ nhận, “Tháng áo dài Hà Nội” đã chắp thêm đôi cánh cho hình ảnh Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đến với bạn bè quốc tế, thể hiện sự gắn kết giữa truyền thống và hiện đại. Rất nhiều bạn trẻ đã không giấu niềm hứng khởi với “Tháng áo dài Hà Nội” vì đây là dịp để họ kết nối với văn hóa truyền thống và thể hiện thẩm mỹ thời trang của mình. Họ không giấu sự yêu thích dành cho áo dài, những họa tiết và cách điệu trên những tà áo thời hiện đại, tự hào khi mặc chiếc áo để tôn vinh văn hóa và vẻ đẹp con người Hà thành.
Quả thật, Hà Nội với những con phố cổ kính và các di sản văn hóa lâu đời, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Trong không gian ấy, áo dài là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Hà thành. Từ những dịp lễ hội, đám cưới đến những buổi chụp ảnh kỷ niệm, tà áo dài luôn được phụ nữ Thủ đô lựa chọn để thể hiện sự duyên dáng, thanh tao.
3. Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào phục dựng và ứng dụng cổ phục Việt lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống, nghệ thuật biểu diễn, cũng như du lịch di sản và được thế hệ trẻ nồng nhiệt đón nhận. Cổ phục không chỉ là thời trang mà còn trở thành trải nghiệm đưa nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đi vào đời sống. Với đam mê và tự hào, nhiều nhà thiết kế, nghệ nhân trẻ đang khởi nghiệp bằng cách tôn vinh vẻ đẹp và quảng bá trang phục dân tộc.
Ghé đến Hoàng thành Thăng Long những ngày cuối tuần sẽ thấy các nhóm bạn trẻ đến quay phim, ghi hình với cổ phục. Rồi không ít du khách quốc tế thích thú khi biết trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ có chiếc áo dài hiện đại, mà còn có Vạn Thiên Y, Việt phục Hoàng thành… cho họ cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm cổ phục.
Lại càng không thể không nhắc đến những ý tưởng dành cho cổ phục ở Hà thành khiến ai cũng nghĩ đến hành trình đến “Thành phố sáng tạo” mà Hà Nội đang đi tới. Ở đó, Việt phục Hoàng thành dự kiến kết hợp một số công ty du lịch để ra mắt tour trải nghiệm với cổ phục dành cho du khách; Vạn Thiên Y phát triển mạnh dòng sản phẩm cổ phục làm từ tơ lụa làng nghề truyền thống như Nha Xá (Hà Nam), Vạn Phúc (Hà Nội); Vạn Thiên Y được lựa chọn thực hiện triển lãm “Hành trình vàng son” trong chuỗi sự kiện ngoại giao văn hóa “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”.
Ở đó, những trang phục tưởng như thất truyền trở lại trong cuộc sống đương đại, xuất hiện xuyên suốt các sự kiện cộng đồng như Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội... Ở đó, cổ phục còn được đưa vào phim điện ảnh, MV ca nhạc, rồi liên tiếp tạo “cơn sốt” với người dùng trẻ trên các nền tảng mạng xã hội…
Trang phục chính là sự thể hiện nhiều mặt của đời sống xã hội như phong tục, tập quán, tâm lý, nếp sống, lối sống, văn hóa ứng xử, giao tiếp... Tà áo dài và những cổ phục Hoàng thành cũng đang phô diễn những góc cạnh ấy trong đời sống Hà thành. Như một nhà nghiên cứu nhận định: khi người trẻ có thái độ, hành động đề cao, phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc thì văn hóa ấy, bản sắc ấy vẫn còn giá trị, thậm chí gia tăng giá trị trong cuộc sống. Ðó cũng là con đường để cho các di sản tiếp tục sống cuộc đời của nó trong thế giới hôm nay, con đường mà giới quản lý văn hóa gọi là “bảo tồn động”.