Sở TT&TT Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ năm 2019
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 2019 được đánh giá là năm hoạt động hiệu quả khi cơ quan này đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được đề ra.
Theo đó, Sở đã tham mưu UBND TP thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử TP Hà Nội do Chủ tịch UBND TP làm trưởng Ban; tham mưu ban hành các kế hoạch CNTT, kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020 định hướng đến 2025 của TP Hà Nội; kế hoạch triển khai giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống; dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ chính quyền điện tử TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và các văn bản chỉ đạo làm cơ sở triển khai các nhiệm vụ trong năm 2019 và 2020. Công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống CNTT của TP cũng được đẩy mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá cao những kết quả mà Sở TT&TT đã làm được trong năm 2019. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý, 2020 là năm đặc biệt quan trọng với Hà Nội cũng như TP nói chung như Đại hội XIII của Đảng, năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô 5 năm 2016 - 2020, 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước...
Do đó, Sở TT&TT cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứu XIII của Đảng, các kỳ họp Quốc hội khóa XIV và các sự kiện quan trọng khác của TP cũng như đất nước. Kịp thời xử lý các nhiệm vụ đột xuất, bất thường về thông tin, báo chí, mạng internet, ngăn chặn kịp thời sự xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.
Virus khiến Việt Nam mất 20.000 tỷ đồng
Ngày 9/1, tập đoàn công nghệ Bkav đã đưa ra báo cáo tổng kết tình hình an ninh mạng năm 2019. Theo đó, trong năm 2019, thiệt hại do virus máy tính gây ra cho người dùng Việt Nam đã lên tới 20.892 tỷ đồng (902 triệu USD), vượt xa con số 14.900 tỷ đồng của năm 2018.
Ảnh minh họa |
Bkav cho biết, tuy không có sự cố nào đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, song sự gia tăng máy tính bị nhiễm mã độc mã hóa dữ liệu (rasomware) và mã độc tấn công có chủ đích APT là nguyên nhân chính gây ra thiệt hại lớn này. Tổng số lượt máy tính bị nhiễm mã độc được ghi nhận trong năm 2019 lên tới 85,2 triệu lượt, tăng 3,5% so với năm 2018.
Thống kê của Bkav cho thấy, 420.000 máy tính tại Việt Nam đã bị nhiễm loại mã độc tấn công APT nguy hiểm W32.Fileless. Theo chuyên gia Bkav, kỹ thuật mà W32.Fileless sử dụng rất tinh vi và có thể nói đã đạt đến mức “tàng hình”. Mã độc này không để lại bất cứ dấu hiệu gì về sự tồn tại của chúng dưới dạng file nhị phân trên ổ cứng máy tính như các loại mã độc thông thường.
Năm 2019 vừa qua tiếp tục chứng kiến sự hoành hành của các loại mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware). Theo thống kê của Bkav, số lượng máy tính bị mất dữ liệu trong năm 2019 lên tới 1,8 triệu lượt, tăng 12% so với năm 2018. Nghiêm trọng hơn, trong số này có rất nhiều máy chủ (server) chứa dữ liệu của các cơ quan. Không chỉ gây thiệt hại lớn, việc các máy chủ bị xóa dữ liệu cũng gây đình trệ hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp trong nhiều ngày sau đó, thậm chí đến cả tháng.
Các chuyên gia khuyến nghị, người sử dụng, đặc biệt là các quản trị cần rà soát, đặt lại mật khẩu đủ mạnh cho máy tính, máy chủ mình quản lý. Mật khẩu đủ mạnh phải có độ dài từ 9 ký tự trở lên, có chứa cả chữ hoa và chữ thường, có ký tự là số và kỳ tự đặc biệt. Ngoài ra, mật khẩu không nên chứa các ký tự dễ đoán như thông tin về người dùng hay thông tin về máy chủ, quản trị.
Cáp quang biển AAG được sửa xong trước tết
Bắt đầu từ tháng 12/2019, tuyến cáp AAG đã 2 lần gặp sự cố gây ảnh hưởng đến kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến.
Cụ thể, nhánh S1H của AAG gặp sự cố tại vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu của tuyến cáp khoảng 163km. Tiếp đó, tuyến AAG gặp sự cố trên nhánh S1I hướng kết nối từ Việt Nam đi HongKong.
Lịch sửa chữa, khắc phục sự cố trên nhánh S1H của tuyến cáp quang biển AAG đã được đối tác quốc tế thông báo tới các ISP tại Việt Nam. Theo đó, dự kiến sẽ hoàn thành, khôi phục hoàn toàn kênh truyền trên tuyến từ ngày 2/1/2020.
Còn sự cố trên nhánh S1I của tuyến cáp biển AAG, mối hàn đầu tiên sẽ được bắt đầu vào 10h ngày 12/1/2020 và thời gian hoàn thành mối hàn cuối cùng dự kiến là vào 22h ngày 14/1/2020. Thời điểm đối tác quốc tế dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa, khôi phục hoàn toàn dung lượng trên nhánh S1I của tuyến cáp AAG là 4h ngày 15/1/2020.
Với kế hoạch khắc phục các sự cố trên tuyến AAG kể trên, 100% dung lượng internet Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp biển này sẽ được khôi phục, AAG sẽ được sửa xong trước đợt nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2020 bắt đầu từ ngày 23/1/2020 đến hết ngày 29/1/2020 - PV).
Sam sung ra mắt "Người nhân tạo" Neon
Mới đây nhóm nghiên cứu STAR Labs của Samsung đã giới thiệu "người nhân tạo" với tên gọi Neon tại sự kiện CES 2020.
Theo giới thiệu của nhóm nghiên cứu STAR Labs, "người nhân tạo" Neon không phải là một robot hay trợ lý ảo giọng nói như Siri hay Alexa. Neon là trợ lý thông minh được mô phỏng theo hình ảnh con người, xuất hiện trên màn hình để đưa ra các phản hồi giống như cách hoạt động của chatbot. Đại diện Samsung cho biết Neon có thể đưa ra câu trả lời với khoảng thời gian chỉ một phần nghìn giây.
Phát ngôn viên của STAR Labs cho biết, hình ảnh đại diện sẽ giúp tăng cường trải nghiệm tương tác của người dùng trong một số công việc nhất định, đồng thời tạo cảm giác thân thiện hơn. Trong tương lai, Neon có thể được phát triển để trở thành một người dẫn chương trình, phát ngôn viên hoặc diễn viên điện ảnh.
Theo đại diện của Samsung, mục đích của việc tạo ra Neon là tăng cường tương tác với khách hàng, khiến họ cảm thấy mình giống như một người bạn của Neon, chứ không phải muốn dùng công nghệ thay thế con người.