70 năm giải phóng Thủ đô

Điểm sàn ngành Đào tạo giáo viên, cao nhất 18,5 điểm

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dựa trên ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT công bố, các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sẽ điều chỉnh điểm trúng tuyển tăng lên hay giữ nguyên.

Ngày 17/9, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành, nhóm ngành đào tạo giáo viên trình độ ĐH và ngành Giáo dục mầm non trình độ CĐ 2020 đối với thi sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi.
Bộ GD&ĐT đã công bố 3 mức điểm sàn ngành đào tạo giáo viên năm 2020, cao nhất 18,5 điểm. Ảnh: Oanh Trần.
Cụ thể, ngưỡng đảm bảo chất lượng các ngành Sư phạm trình độ ĐH là 18,5 điểm.
Các ngành Giáo dục Thể chất, ngành Huấn luyện thể thao, ngành Sư phạm Âm nhạc và ngành Sư phạm Mỹ thuật thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng chung là 1 điểm.
Điểm xét tuyển vào ngành Giáo dục Mầm non trình độ CĐ năm 2020 là 16,5 điểm.
Như vậy, mức ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo giáo viên năm 2020 tăng hơn hẳn so với năm 2019. Năm 2019, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành này là từ 14 đến 18 điểm (theo thứ tự: Trung cấp, CĐ, ĐH).
Trao đổi về mức “điểm sàn” với trình độ ĐH năm nay, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Vũ Bích Hiền cho rằng, mức điểm 18,5 là hợp lý hơn cả. Mức điểm này giúp các trường có nguồn đầu vào chất lượng và cũng không làm khó cho những ngành tuyển dụng ít thí sinh dôi dư. Đây mới chỉ là mức sàn, tùy điều kiện tiêu chuẩn của từng trường, từng ngành mà mức chuẩn đầu vào cho từng ngành sẽ điều chỉnh tăng lên hay giữ nguyên.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ Hà Thanh Toàn, nói: Đây là mức hợp lý, bởi năm nay điểm thi tốt nghiệp THPT tăng hơn so với năm ngoái và trên tinh thần phải thu hút những thí sinh có chất lượng vào học sư phạm.
“Đối với đào tạo sư phạm, yêu cầu đầu tiên là đảm bảo chất lượng, tuy nhiên cũng cần cân đối hài hòa với nhu cầu sử dụng của địa phương, trong bối cảnh đang đổi mới giáo dục phổ thông, nếu chúng ta không đào tạo từ bây giờ, thì 4 năm sau sẽ không đủ giáo viên để phục vụ cho đổi mới” - ông Hà Thanh Toàn nhận định.
Trong khi đó, TS Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cho biết, đây là mức điểm sàn cho cả nước, các trường dựa vào đó để tùy điều kiện đưa ra mức điểm phù hợp cho từng ngành. Thực tế nhiều ngành sẽ có mức điểm đầu vào cao hơn năm ngoái.
Ông Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đánh giá cao việc lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng trình độ ĐH các ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật.
“Năm ngoái khi “cào bằng” nhiều em có điểm văn hóa cao, điểm năng khiếu thấp vẫn trúng tuyển. Trong khi qua phân tích, các em có nhu cầu thi vào các trường năng khiếu thường có điểm thi tốt nghiệp thấp hơn mặt bằng chung, do các em tập trung cho rèn luyện năng khiếu.
"Việc xác định điểm sàn của ngành âm nhạc, thể thao thấp hơn điểm sàn chung khối đại học 1 điểm là rất khoa học, thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh”, ông Phượng cho hay.