Điểm sàn vào đại học sẽ cao hơn năm 2011

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm nay, 8/8, Bộ GD&ĐT sẽ họp và công bố điểm sàn tuyển sinh Đại học (ĐH) năm 2012. Với mặt bằng điểm thi vào các trường đã được công bố, nhiều ý kiến cho rằng, điểm sàn năm nay sẽ cao hơn năm 2011 khoảng 0,5 điểm.

Coi trọng chất lượng

Ngay sau khi công bố điểm thi, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Ngoại thương cho biết: "Mặt bằng điểm thi của TS ở các trường và của ĐH Ngoại thương năm nay cao hơn năm 2011. Dự kiến, điểm sàn sẽ bằng hoặc cao hơn năm trước từ 0,5 - 1 điểm". ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến, điểm chuẩn của nhóm ngành Kỹ thuật và Kinh tế từ 18 - 21,5 điểm (tăng 0,5 - 1 điểm); ĐH Xây dựng dự kiến điểm chuẩn khối A là 18, ngành Quy hoạch 17 điểm, Kiến trúc 24,5 (đã nhân hệ số). ĐH Hà Nội năm nay dự kiến điểm chuẩn cao hơn năm trước từ 1 - 2 điểm...

Nhận định điểm thi của TS năm nay tương đối cao so với năm trước, lãnh đạo một số trường ĐH cho rằng, nên tăng mức điểm sàn. Theo ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Thương mại, không nên hạ điểm sàn vì đó là mức điểm tối thiểu để ổn định đầu vào của ĐH. Đặc biệt, không nên để điểm sàn phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh mà nên coi trọng chất lượng. Đồng quan điểm, ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Điện lực nhận định: "Tôi khẳng định điểm sàn không thể thấp hơn năm trước, nhất là khối A. Bởi điểm sàn khối A 13 điểm là quá thấp, nếu học sinh vùng khó khăn được cộng điểm ưu tiên nhiều tới 3,5 điểm, như vậy chưa đến 10 điểm đã đỗ ĐH, khó đảm bảo chất lượng".
 
Điểm sàn vào đại học sẽ cao hơn năm 2011 - Ảnh 1
Dự kiến điểm sàn năm nay sẽ cao hơn năm 2011 khoảng 0,5điểm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, điểm thi của TS năm nay cao hơn năm trước. Với khối C, mức điểm mà TS đạt nhiều nhất là 15 điểm/3 môn, trong khi đó năm 2011 chỉ ở mức 10 - 11 điểm. Khối D1 cũng cao hơn, số TS đạt mức 12 - 12,5 nhiều nhất. Các khối A, A1 và B, năm trước, chỉ ở mức dưới 9 điểm, nhưng năm nay đa số TS đạt mức 10 - 11 điểm. Qua kiểm tra công tác chấm thi của nhiều trường ĐH phía Bắc và phía Nam, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: "Điểm sàn năm nay sẽ căn cứ rất nhiều vào Đề án Phát triển nguồn nhân lực đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Với kết quả chấm thi khá khả quan hiện nay của các trường ĐH, điểm sàn năm nay sẽ không thấp hơn năm 2011".

Thí sinh có thêm cơ hội

Năm nay, Bộ GD&ĐT không đưa ra giới hạn về số đợt xét tuyển, cho phép TS được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng để tham gia đăng ký xét tuyển. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho TS, mà còn giúp các trường mở rộng nguồn tuyển. "Điều này giúp TS chọn được trường hay ngành nghề phù hợp" - Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thị Tĩnh nói, và cho biết, mặc dù không xét tuyển nhiều chỉ tiêu NV2, nhưng nhà trường vẫn sẽ thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT về việc cập nhật thông tin xét tuyển thường xuyên để TS có cơ sở quyết định việc rút hồ sơ xét tuyển. Cũng như ĐH Sư phạm Hà Nội, hầu hết các trường thuộc nhóm trên đều cho rằng, quy định cho phép TS rút hồ sơ thoải mái không ảnh hưởng nhiều tới công tác tuyển sinh.

Các trường ĐH, CĐ sẽ công bố điểm chuẩn NV1, xét tuyển các NV bổ sung sau khi có điểm sàn của Bộ. Trong thời hạn quy định của các trường, TS nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển và lệ phí qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên, hoặc nộp trực tiếp tại trường. TS dự thi ĐH theo đề thi chung chỉ được tham gia xét tuyển vào các trường ĐH khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn ĐH trở lên; vào các trường CĐ (hoặc hệ CĐ của trường ĐH hoặc trường CĐ  thuộc các ĐH) khi có tổng điểm 3 môn thi từ điểm sàn CĐ trở lên (không có môn nào bị điểm 0).