Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm sàn xét tuyển sớm 2024 của khối trường kinh tế

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học, học viện, trong đó có các cơ sở đào tạo khối ngành kinh tế đã công bố điểm sàn xét tuyển sớm. Thí sinh nghiên cứu kỹ các thông tin, điều kiện xét tuyển, mốc thời gian… để nộp hồ sơ nếu có nguyện vọng.

Sôi nổi ngày hội tư vấn tuyển sinh (Ảnh: NEU)
Sôi nổi ngày hội tư vấn tuyển sinh 2024 (Ảnh: NEU)

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân

Năm 2024 Trường Đại học Kinh tế quốc dân duy trì 3 phương thức xét tuyển với chỉ tiêu dự kiến là 6.995. Nhà trường cũng công bố điểm sàn với các phương thức xét tuyển vào trường.

Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm sàn dự kiến là 20 điểm gồm điểm ưu tiên. Trường sẽ thông báo cụ thể sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đối với phương thức xét tuyển kết hợp, ngưỡng đầu vào là điều kiện nộp hồ sơ của từng đối tượng xét tuyển kết hợp.

Với thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực (HSA) của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc (APT) của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh hoặc có điểm thi đánh giá tư duy (TSA) của ĐH Bách khoa Hà Nội, hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với một trong các điểm thi HSA/APT/TSA nêu trên, điều kiện nhận hồ sơ như sau:

Thí sinh đạt HSA từ 85 điểm trở lên hoặc APT từ 700 điểm trở lên hoặc TSA từ 60 điểm trở lên; hoặc thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160 &W 150) trở lên kết hợp với điểm HSA/APT/TSA nêu trên.

Các điểm thi HSA/APT/TSA và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nêu trên cần có trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2024.

Trường xét theo từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo điểm xét tuyển. Điểm xét tuyển (ĐXT) theo thang 30 được xác định như sau:

Với điểm HSA/APT/TSA: ĐXT = điểm quy đổi HSA/APT/TSA + điểm ưu tiên (nếu có); trong đó điểm HSA, APT, TSA quy đổi về thang 30.

Với thí sinh sử dụng kết hợp điểm quy đổi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điều kiện nhận hồ sơ: thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2024 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: L&R 785, S 160, W 150) trở lên và có điểm thi TN THPT năm 2024 của môn Toán và 01 môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.

Trường không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn ngoại ngữ, không sử dụng điểm thi được bảo lưu từ các kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước để tuyển sinh, không cộng điểm ưu tiên thí sinh có chứng chỉ nghề.

Trường không áp dụng thêm tiêu chí phụ trong xét tuyển. Thí sinh diện tuyển thẳng nếu không sử dụng quyền này sẽ chỉ được cộng điểm ưu tiên xét tuyển nếu đăng ký xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Học viện Tài chính

Năm 2024, Học viện Tài chính tuyển sinh hệ đại học với 5 phương thức, dự kiến 4.500 chỉ tiêu.

Mức điểm sàn xét tuyển theo hình thức đánh giá năng lực, đánh giá tư duy của trường như sau: với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, điểm sàn từ 90/150 điểm; với bài thi đánh giá tư duy ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm sàn từ 60/100 điểm trở lên. Trường xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu theo điểm xét tuyển.

Với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 như sau: thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 5.5 điểm; TOEFL iBT đạt từ 55 điểm. Hoặc kết quả thi SAT đạt từ 1050/1600 điểm; ACT đạt từ 22 điểm trở lên (chứng chỉ, kết quả thi còn hiệu lực tính đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ).

Với đối tượng xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cách tính như sau: Điểm xét tuyển = Điểm môn 1 + Điểm môn 2 + Điểm môn 3 + Điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó: điểm môn 1 là điểm môn Toán; điểm môn 2 là điểm môn Ngữ văn hoặc Vật lí hoặc Hóa học; điểm môn 3 là điểm môn tiếng Anh quy đổi. Điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

Đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam (đã được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép thực hiện, đạt trình độ tương đương trình độ THPT của Việt Nam), trường sẽ căn cứ kết quả học tập THPT của thí sinh, ưu tiên thí sinh đã có thông báo tiếp nhận vào học của các trường đại học trên thế giới.

Trường ĐH Thương mại

Năm 2024, Trường Đại học Thương mại xét tuyển bằng 5 phương thức và chỉ tiêu dự kiến là 4.950 chỉ tiêu.

Với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm sàn dự kiến để thí sinh xét tuyển là 20 điểm.

Đối với hình thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy: thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức cho tuyển sinh đại học năm 2024 đạt từ 80/150 điểm trở lên; kết quả thi đánh giá tư duy của ĐH Bách Khoa Hà Nội đạt từ 50/100 điểm trở lên.

Riêng ngành ngôn ngữ Anh, trường không nhận xét tuyển theo hình thức đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.

Đối với phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế (gồm chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, chứng chỉ khảo thí quốc tế), các chứng chỉ còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thí sinh thuộc 1 trong 2 đối tượng sau: có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển: IELTS Academic đạt 5.5 trở lên, TOEFL iBT (không bao gồm bản Home Edition) đạt 50 trở lên; HSK đạt Cấp độ 4 trở lên; TCF đạt 400 trở lên; DELF đạt B2/C1/C2; có một trong các chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển: SAT đạt từ 1.000 điểm trở lên; ACT đạt từ 20 điểm trở lên.

Trường nhận hồ sơ xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển cùng với kết quả học tập cấp THPT. Thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2024, thuộc 1 trong 2 đối tượng sau: có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển: IELTS Academic đạt 5.5 trở lên, TOEFL iBT (không bao gồm bản Home Edition) đạt 50 trở lên, HSK đạt Cấp độ 4 trở lên, TCF đạt 400 trở lên, DELF đạt B2/C1/C2; có một trong các chứng chỉ khảo thí quốc tế còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký xét tuyển: SAT đạt từ 1.000 điểm trở lên, ACT đạt từ 20 điểm trở lên.

Học viện Ngân hàng

Năm nay, Học viện Ngân hàng dự kiến tuyển sinh 3.514 chỉ tiêu với 5 hình thức xét tuyển. Với hình thức xét tuyển qua kết quả bài thi đánh giá năng lực, trường công bố điểm sàn từ 85/150 điểm của bài thi từ ĐH Quốc gia Hà Nội.

Thí sinh lựa chọn xét tuyển qua điểm thi qua kỳ thi đánh giá đầu vào đại học V-SAT sẽ lựa chọn thi các môn theo tổ hợp xét tuyển trong 7 môn. Bao gồm: toán, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Các môn sẽ thi trắc nghiệm theo từng môn thi độc lập trên máy tính.

Điểm xét tuyển = Môn thi 1 + Môn thi 2 + Môn thi 3 + Điểm cộng khuyến khích quy đổi + Điểm ưu tiên quy đổi; trong đó: Môn thi 1, 2, 3 là điểm bài thi V-SAT các môn thi thuộc tổ hợp của ngành đăng ký xét tuyển. Điểm cộng khuyến khích quy đổi = Điểm cộng khuyến khích x 5 (do quy đổi từ thang điểm 30 sang thang điểm 150 của bài thi V-SAT).

Với hình thức xét tuyển sớm bằng chứng chỉ quốc tế, thí sinh có học lực Giỏi năm lớp 12. Đồng thời có một trong các chứng chỉ sau (chứng chỉ còn hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ xét tuyển): chứng chỉ SAT từ 1200 điểm trở lên; chứng chỉ IELTS (Academic) đạt từ 6.0 trở lên; chứng chỉ TOEFL iBT từ 72 điểm trở lên. Điểm xét tuyển = Điểm chứng chỉ quốc tế quy đổi x 3 + Điểm cộng khuyến khích + Điểm ưu tiên.