Dấu hiệu tích cực về chất lượng dạy học
Điểm bình quân các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tăng tương đối nhiều, từ 1 – 2 điểm so với kết quả Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Các chuyên gia giáo dục nhận định, điểm thi cũng là dấu hiệu khá tích cực về chất lượng giáo dục, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một thời gian dài học sinh không thể đến trường, phải học trực tuyến. Đi vào phổ điểm từng môn thi cho thấy, môn Giáo dục công dân có điểm trung bình cao nhất là 8,14, tiếp đến là Địa lý 6,78, Hóa học 6,71, Vật lý 6,72, Toán 6,68, Ngữ văn 6,62, Sinh học 5,59, Lịch sử 5,19 và Tiếng Anh 4,58. Dù Lịch sử và Tiếng Anh có điểm thi thấp nhất trong tổng số 9 môn nhưng kết quả này đã có sự cải thiện tích cực so với Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 (điểm trung bình môn Lịch sử là 4,3, Tiếng Anh là 4,36).
Đánh giá phổ điểm môn Lịch sử, bà Đặng Ngọc Tú – giáo viên trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) cho rằng đã phản ánh đúng năng lực của học sinh cũng như thay đổi đúng đắn của Bộ GD&ĐT trong công tác ra đề thi vừa sức hơn đối với người học và có tính mở rộng với chỉ đạo đổi mới việc dạy – học trong các nhà trường. Nhận định về điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vừa được công bố, TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng, phổ điểm các môn có độ phân hóa cao, không có trường hợp mưa điểm 10, đạt được mục đích của kỳ thi đặt ra. Kết quả điểm thi cũng khẳng định Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã có quyết định đúng khi tổ chức Kỳ thi. Không chỉ thế, các địa phương đã tổ chức kỳ thi hết sức nghiêm túc, bảo đảm an toàn, khách quan, đến nay chưa phát hiện ra trường hợp khuất tất nào.
Điểm trúng tuyển sẽ tăng
Phổ điểm các bài thi cải thiện cũng đồng nghĩa với phổ điểm thi theo khối tăng hơn năm trước. Dẫn đầu là tổ hợp 3 môn xét tuyển Toán, Vật lý, Hóa học có điểm trung bình 21,46 điểm; tiếp đến là tổ hợp Toán, Hóa học, Sinh học 20,36 điểm; Toán, Vật lý, Tiếng Anh 20,07 điểm. Tổ hợp 3 môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý là 18,5 điểm và tổ hợp Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh 18,19 điểm.
“Phổ điểm năm nay tươi hơn năm trước, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH nhỉnh hơn, số học sinh đi du học nước ngoài ít hơn, chỉ tiêu các trường ổn định và không tăng nhiều. Dựa vào các yếu tố đó, điểm chuẩn của các trường ĐH sẽ tăng lên nhưng tăng nhiều nhất ở các khối Khoa học tự nhiên từ 1 – 3 điểm, khối Khoa học xã hội từ 0,5 – 1 điểm” – GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn có số nguyện vọng đăng ký, tổng chỉ tiêu xét tuyển như năm ngoái, số thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng tăng lên một phần, dự kiến điểm chuẩn của trường tăng từ 0,5 – 1 điểm tùy theo ngành.
Là người theo dõi sát sao về phổ điểm, ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) dự báo điểm chuẩn các khối năm 2020 sẽ tăng mạnh do điểm các môn đều cao hơn năm 2019. Cụ thể, trường ĐH top 1 tăng từ 1 – 1,5 điểm, trường top 2 tăng từ 1,5 – 2 điểm, trường top 3 tăng 2 – 3 điểm. Ông Trần Mạnh Tùng cho rằng, đây là năm đầu tiên “lấy điểm tốt nghiệp để xét vào ĐH”, số câu hỏi phân hóa rất ít, đa số các môn thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) nên các trường ĐH khó chọn được người tài đúng nghĩa. Đối với những trường ĐH đủ dũng cảm và đề cao chất lượng thực sự thì phải cân nhắc kỹ lưỡng phương án xét tuyển vì điểm thật sự của năm nay phải trừ đi 2, 3 điểm, nhất là các trường top 2, 3.
Điểm thi tăng mạnh dẫn đến câu chuyện xét tuyển ĐH sẽ căng thẳng hơn. Bởi các thí sinh có điểm cao sẽ đăng ký vào những trường ngành đào tạo có tính cạnh tranh cao dẫn đến là điểm chuẩn một số ngành hot tăng lên 3 – 4 điểm. Hơn nữa, năm nay có thêm nhiều trường mở rộng xét tuyển bằng học bạ nên số chỉ tiêu dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ hạn chế hơn so với năm ngoái. Như vậy điểm chuẩn sẽ cao hơn nhiều so với năm trước. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - TS Lê Đông Phương |