Trong mọi chỉ đạo về chống dịch bệnh Covid-19, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn lưu ý, “không chủ quan nhưng cũng đừng hốt hoảng”. Kể cả vào lúc gay cấn nhất, khi kêu gọi toàn dân chung sức đồng lòng chống đại dịch, ông cũng vẫn nhấn mạnh, “không quá hốt hoảng”.
Là nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, để không hốt hoảng, thực sự phải là “thần kinh thép”.
Với khoảng 11.000 học sinh Việt Nam đang học tập tại các trường đại học ở Trung Quốc; 2.000 học sinh Trung Quốc đang học tập tại Việt Nam; hằng năm có khoảng 5 triệu lượt du khách Trung Quốc tới Việt Nam và khoảng 15.000 lao động Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Trung Quốc “bùng phát” dịch bệnh, cũng là “tiếng sét giữa trời quang” với Việt Nam.
Tuần cuối của tháng 1, hai ca nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam là người Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cái tết âu lo. Triệu tập cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngay trong chiều mùng 3 tết, Thủ tướng chính thức phát đi mệnh lệnh “chống dịch như chống giặc”.
Ngay từ lúc ấy, Chính phủ đã xác định “chống giặc” nhưng vẫn phải duy trì một nhịp độ sống bình thường, không để đất nước rơi vào trạng thái “hốt hoảng”. Các kế hoạch phát triển kinh tế vẫn được thúc đẩy quyết liệt. Việc đóng cửa biên giới Việt - Trung để chống dịch bệnh cũng được cân nhắc rất kỹ, bởi kể từ năm 2004, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất và đến nay là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đầu tháng 2, Chính phủ quyết định đóng cửa một phần biên giới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nhưng chỉ trong vòng 3 tuần, quyết định này được nới lỏng, tạo điều kiện cho dòng hàng hóa lưu thông. Trong hoàn cảnh dịch bệnh như vậy, Việt Nam chưa phải tiến hành cuộc giải cứu nông sản nào ở quy mô lớn, có thể xem như là một chiến công.
Đi cùng với đó, không có làn sóng dịch bệnh nào “nhập khẩu” từ Trung Quốc. Số ca nhiễm bệnh của Việt Nam từ Trung Quốc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Việt Nam có được 3 tuần “nói không” với dịch bệnh, kéo dài từ trung tuần tháng 2 đến hết tuần đầu của tháng 3.
Dịch bệnh trở lại và lần này do từ các nước phương Tây. Đây là thực tế không thể tránh khi Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập sâu rộng nhất thế giới, với 128 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam và lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thường xuyên đạt con số từ 13 đến trên 15 triệu lượt trong những năm qua.
Tháng 3 sẽ đi vào lịch sử thế giới khi lãnh đạo của các quốc gia siêu cường đều gọi dịch bệnh này là thảm họa kinh hoàng nhất kể từ sau Thế chiến II. Chỉ trong vài tuần, đã có hơn 2 triệu người dân ở hầu khắp quốc gia bị nhiễm bệnh và virut Corona đã đoạt mạng của hơn 145.000 người.
Có một Việt Nam vẫn khá điềm tĩnh giữa lòng bão táp. Ở Việt Nam, nhiều con đường trở nên vắng vẻ hơn bình thường đều là do người dân tự giác hạn chế ra đường, còn yêu cầu của Chính phủ đưa ra chỉ ở mức khuyến cáo. Thậm chí, khi chính quyền một số địa phương “ngăn sông cấm chợ”, lập tức bị Chính phủ “tuýt còi”.
Mặc dù đã xảy ra tình trạng người dân hốt hoảng kéo đến siêu thị vét sạch các kệ hàng, tuy nhiên sự việc chỉ xảy ra trong vài giờ đồng hồ. Với sự chỉ đạo tức thời từ Chính phủ, tình trạng này không lặp lại trong suốt gần 4 tháng “chiến đấu” với dịch bệnh.
Tại Nhật Bản, hay Thái Lan là những quốc gia có thời điểm xuất hiện trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 tương tự như Việt Nam, thì đến nay, vẫn đang trầy trật với cuộc chiến. Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo vào ngày 16/4 đã phải quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Hay tại Mỹ, từ ngày 14/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh của Mỹ ban bố cảnh báo theo dõi cấp độ 1, khuyến cáo người Mỹ thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nhưng cho đến giờ, Mỹ vẫn là quốc gia đang lâm vào khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới vì dịch bệnh.
Trong khi Việt Nam chưa từng xuất hiện đỉnh dịch. Số ca bệnh được chữa khỏi tiến nhanh đến ngưỡng 80% trong khi số ca mắc mới lùi về ngưỡng số 0. Sự bất thường của cuộc chiến với Covid-19 đang ngày càng trở nên bình thường ở Việt Nam và theo đó có một Việt Nam ngày càng trở nên phi thường trong mắt bạn bè quốc tế.
Hiện Việt Nam vẫn chưa công bố hết dịch bệnh, nhưng hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW) đã có bài viết mà từ tiêu đề đến các câu hỏi đặt ra trong bài đều như lời khẳng định. Đó là “Việt Nam đã chiến thắng trong “cuộc chiến” chống virus SARS-CoV-2 như thế nào?”; “Việt Nam có hệ thống chăm sóc y tế và nguồn lực tài chính hạn chế để đối phó với dịch Covid-19. Vậy bằng cách nào, Việt Nam có thể giữ tỷ lệ mắc Covid-19 thấp như vậy?”…
Hãng tin Ðức DPA cũng khẳng định, “biện pháp ứng phó của Việt Nam có thể được xem như bài học cho các nước trong cuộc chiến chống đại dịch”. Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đăng bài viết đánh giá Việt Nam trở thành "ngọn hải đăng", với hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.
Tuần báo l’Obs của Pháp quả quyết, Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu trong cuộc chiến này. Việt Nam, một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch Covid-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức thể hiện được vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn.
Trang Asia Times đăng nhận định, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch Covid-19./.