Tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo: Kết nối chính sách với DN Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức, đã điểm lại một số chính sách và nguồn lực hỗ trợ cho DN đổi mới sáng tạo.
Ảnh minh họa |
Cho đến nay, hàng loạt chính sách, điều kiện thuận lợi cho môi trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được hình thành và thúc đẩy thường xuyên trong thời quan qua. Ngày càng có nhiều chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV), DN đổi mới sáng tạo.
Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một loạt văn bản quan trọng liên quan đến đổi mới sáng tạo, như: Luật Đầu tư năm 2020; Luật Hỗ trợ DNNVV năm 2017; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNVVN khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 2889/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành riêng Nghị định số 94/2020/ NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Cụ thể, Nghị định 31/2021/NĐ-CP, quy định rõ, các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo điểm e, khoản 2, Điều 15, Luật Đầu tư gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các trung tâm đổi mới sáng tạo khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập DN đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm; các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; các dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D)…
Nghị định số 38/2018/NĐ-CP đã cụ thể hóa các quy định về đầu tư vào các DNNVV sáng tạo bằng nguồn vốn góp tư nhân thông qua quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định 38 đã đặt ra nguyên tắc chung trong hoạt động đầu tư giữa nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức với các công ty khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Các giải pháp hỗ trợ DNNVV cũng đã được cụ thể hóa và tập trung, tăng cường theo quy định tại Nghị định 80. Nghị định số 80/2021/NĐ-CP bao gồm 6 vấn đề với 5 nhóm hoạt động hỗ trợ cho DNNVV (công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị); quản lý thực hiện các hoạt động hỗ trợ DNNVV. Đặc biệt, Nghị định số 94/2020/ NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia: Hỗ trợ, kết nối và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ra đời với các nhiệm vụ trọng tâm: Hỗ trợ DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp sáng tạo tiếp cận các nguồn lực để đẩy nhanh mô hình tăng trưởng; Hỗ trợ, kết nối và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Vận hành, phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Vũ Quốc Huy |
Đặc biệt, NIC nỗ lực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam mà NIC muốn thúc đẩy và kết nối bao gồm: Khối DN (đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, như các tập đoàn lớn); các đơn vị nghiên cứu thuộc khu vực công lập và khu vực tư nhân; các cơ quan trực thuộc chính phủ; các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo khác, ngân hàng, quỹ đầu tư và các đơn vị đầu tư tư nhân khác.
Nghị định số 94/2020/ NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Theo đó, đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo hoạt động theo mô hình của NIC: Được hưởng các ưu đãi vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; Được thuê đất trong thời hạn 50 năm trong các Khu công nghệ cao và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê; Được nhận và sử dụng khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản tài trợ, tặng cho của các tổ chức, cá nhân trong nước (bao gồm cả phần lãi tiền gửi các khoản viện trợ, tài trợ), để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ hoạt động và công tác quản lý, vận hành của Trung tâm; Được miễn thuế hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định, hàng hoá nhập khẩu sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu và phát triển khoa học – công nghệ; Được hưởng mức thuế suất ưu đãi nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với các DN, tổ chức, cá nhân đổi mới sáng tạo hoạt động tại Trung tâm, thì được NIC hỗ trợ về các thủ tục hành chính trong đăng ký kinh doanh, giấy phép lao động, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; Được NIC hỗ trợ văn phòng làm việc và sử dụng phòng thí nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định và các phương tiện, tiện ích khác của NIC; Được hưởng ưu đãi trong thủ tục đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; Được huy động và nhận tài trợ từ các chương trình tài trợ nghiên cứu của Chính phủ và các DN, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật để triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo; Được hưởng các ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy cho biết, thời gian qua, NIC đã tổ chức một loạt các hoạt động hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, như: Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo – VVS; Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam - VIIE. Phối hợp với các đối tác như Google, Amazon... để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho DNNVV. Hiện NIC đang phối hợp với ADB thực hiện dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (ADB Ventures); phối hợp với USAID tổ chức hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo – Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID-WISE).
NIC cũng được giao vận hành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Hiện mạng lưới đã có mặt tại 20 quốc gia (mạng lưới thành phần tại Đức, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và châu Âu), có khoảng 1.000 thành viên gồm các chuyên gia, trí thức người Việt tiêu biểu trong và ngoài nước.
"Đây là nguồn lực rất lớn phát triển đất nước, hỗ trợ Việt Nam, đóng góp nhiều trí tuệ, công nghệ, chuyển giao thông tin cho các DN trong nước, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo", ông Huy nhấn mạnh.
Giải pháp hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia
Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia (Quỹ NATIF) được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ 2015, vừa là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KH&CN, vừa là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân và DN thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
Đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ KH&CN, TS. Chử Đức Hoàng phát biểu |
Đại diện cho Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Bộ KH&CN, TS. Chử Đức Hoàng cho hay, ngay sau khi đi vào hoạt động, Quỹ tập trung ưu tiên tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo đặt hàng của Nhà nước; nhiệm vụ KH&CN có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến do tổ chức, cá nhân và DN thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.
Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia đã và sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy DN đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo gồm các mục tiêu hỗ trợ vốn cho các hoạt động đổi mới công nghệ; mở rộng hình thức hỗ trợ tài chính cho dự án đổi mới công nghệ; từng bước thực hiện bảo lãnh vay vốn bằng công nghệ cho DN có thể vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Định hướng giai đoạn 2021-2025, nhằm xây dựng Quỹ NATIF tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu quả, đóng góp hiệu quả cho các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 29/01/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia. TS. Chử Đức Hoàng cho hay, theo điều lệ mới, quy mô vốn điều lệ của Quỹ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
Quỹ sẽ triển khai các hoạt động chính như: Cho vay ưu đãi; Hỗ trợ vốn cho DN từ thông qua các chương trình, nhiệm vụ do Thủ tướng chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ KH&CN giao cho Quỹ; Hợp tác trong và ngoài nước về đổi mới công nghệ, cọn đối tác phù hợp, đàm phán xác định chương trình hợp tác, các nội dung hợp tác và tiến hành xây dựng dự thảo văn bản hợp tác; Hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bằng nguồn kinh phí hoạt động của Quỹ (Mức hỗ trợ vốn từ 30% lên 100% tùy thuộc vào điều hiện dáp ứng của DN; địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của Nhà nước); Hỗ trợ lãi suất vay vốn (Mức hỗ trợ lãi suất vay được xác định bằng mức chênh lệch lãi suất dương giữa lãi suất vay mà chủ đầu tư phải trả cho tổ chức tín dụng và lãi suất cho vay của Quỹ tại cùng thời điểm.
Trong từng thời kỳ, căn cứ nguyên tắc xác định mức hỗ trợ lãi suất vay quy định tại khoản này, Hội đồng Quản lý Quỹ công bố mức hỗ trợ lãi suất vay của Quỹ); Tiếp nhận vốn viện trợ, đóng góp; Bảo lãnh để vay vốn (Đối tượng được cấp bảo lãnh để vay vốn, bao gồm: DN, tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư thực hiện các dự án thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ khác phục vụ các chương trình ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội).
Để quản lý và sử dụng hiện quả nguồn vốn được giao, song song với hoạt động tài trợ, tín dụng, các Quỹ cần thực hiện một số hoạt động đa dạng về nội dung và rất lớn về mặt khối lượng công việc, đó là xây dựng: Hệ thống cơ sở dữ liệu về công nghệ (Hồ sơ công nghệ); Hệ thống dữ liệu thông tin về DN (“Hồ sơ” DN); Phương thức phân loại, đánh giá, định giá công nghệ thông qua hệ thống tiêu chí và chỉ tiêu kinh kế, kỹ thuật; Mạng lưới các tổ chức tư vấn cùng các chuyên gia về chuyển giao công nghệ và khai thác sáng chế. Thực chất đây là hoạt động tìm kiếm, giải mã, làm chủ công nghệ từ hàng triệu, chục triệu các sáng chế - tài sản trí tuệ của nhân loại trên toàn thế giới đòi hỏi sự tham gia, hợp tác của hàng trăm, hàng ngàn các nhà khoa học và DN.
"Qua đó, Quỹ từng bước củng cố năng lực để thực hiện hoạt động cấp bảo lãnh để vay vốn cho các DN thực hiện các dự án đầu tư thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia", ông Hoàng nhấn mạnh.
Quỹ Hỗ trợ DNNVV Việt Nam: 3 nhóm DNNVV được vay ưu đãi từ 2,16%-4,0%/năm
Quỹ Phát triển DNNVV là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trực thuộc Bộ KH&ĐT và thực hiện chức năng cho vay trực tiếp hoặc cho vay gián tiếp thông qua giao vốn cho ngân hàng thương mại (NHTM), tài trợ vốn DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV.
Đồng thời, tiếp nhận, quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ DNNVV đáp ứng các điều kiện của nhà tài trợ và phù hợp với pháp luật Việt Nam; tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về hỗ trợ DNNVV.
Bà Hoàng Thị Hồng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Quỹ Hỗ trợ DNNVV Việt Nam cho biết, mục đích hoạt động của Quỹ là giúp DNNVV đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực quản trị DN…
Thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ DNNVV trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ KH&ĐT cũng đã phê duyệt giảm lãi suất cho vay của Quỹ đối với DNNVV về mức 2,16%/năm (ngắn hạn) và 4,0%/năm (trung và dài hạn).
Từ năm 2016, Quỹ đã ủy thác các NHTM cho vay DNNVV thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ. Việc đưa Quỹ đi vào hoạt động là tín hiệu tích cực, cho thấy sự hiệu quả bước đầu của Chính phủ trong nỗ lực hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân.
Bà Hồng cũng thông tin, các đối tượng DNNVV được Quỹ hỗ trợ đó là: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, DNNVV tham gia chuỗi giá trị với mức cho vay tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Thời hạn vay vốn tối đa là ối đa không quá 07 năm. Đây là một chu kỳ trung bình của một dự án để có thể đánh giá tối đa hiệu quả một dự án.
Ngoài ra, Quỹ đã công bố cho vay thì DN cũng được hưởng những ưu đãi, như: phí khuyến khích trả nợ trước hạn và những hỗ trợ khác từ Ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp: DNNVV được sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi khác của Ngân hàng kèm theo chương trình này nhằm nâng cao hiệu quả khoản vay.
Ngoài ra, một số thông tin rất thiết thực mà bà Hồng cung cấp tới các DNNVV muốn vay vốn Quỹ cần phải có điều kiện cho vay như sau:
Đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo thì phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh; Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
Đối với DNNVV tham gia cụm liên kết ngành thì phải có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, nằm trong khu vực địa lý của cụm liên kết ngành và có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với DN khác trong cụm liên kết ngành hoặc cùng xây dựng, sử dụng thương hiệu vùng; Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án SXKD tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án SXKD và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án SXKD; Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
Đối với DNNVV tham gia chuỗi giá trị: Có dự án, phương án SXKD khả thi, được triển khai để trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của chuỗi giá trị hoặc có hợp đồng hợp tác, kinh doanh với DN trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của chuỗi giá trị; Đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, phương án SXKD tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư để thực hiện dự án, phương án SXKD và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, phương án SXKD; Đáp ứng các quy định về bảo đảm tiền vay quy định pháp luật có liên quan.
Hiện nay, Quỹ đã hợp tác với 6 NHTM để triển khai vay vốn trên 63 tỉnh/thành, đó là: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB); Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB); Ngân hàng TMCP Phát triển Quân đội (MB); Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBANK); Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Bên cạnh các loại hình Quỹ hỗ trợ hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục khuyến khích DN hình thành và phát triển các quỹ phát triển KH - CN tại DN để thúc đẩy mạnh việc đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ; thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, viện nghiên cứu, DN KH - CN và DN khởi nghiệp sáng tạo. Sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, vận hành Quỹ phát triển KH - CN tại DN theo hướng thông thoáng nhất.
Để đổi mới sáng tạo hiệu quả, cần phải có cơ chế để sử dụng hiệu quả các nguồn nhân lực cho hoạt động này. Tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường hợp tác công - tư, xây dựng các quỹ cho đổi mới sáng tạo nhằm khơi thông nguồn lực tài chính, thúc đẩy hoạt động này. Cần hình thành thị trường khoa học và đổi mới sáng tạo, tăng cường hợp tác quốc tế…