Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm tựa tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Bức tranh kinh tế Việt Nam nửa đầu năm có nhiều gam màu sáng, nhưng để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 6,5%-7% cả năm 2024, Chính phủ và các cơ quan liên quan vẫn còn nhiều việc phải làm để hóa giải khó khăn, kích thích các động lực tăng trưởng.

Lực đẩy từ chính sách tài khóa

Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro… đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Song, nửa đầu năm 2024, tình hình kinh tế nước ta có bước phục hồi và phát triển khá tốt, với các chỉ số được tăng lên rõ rệt. Trong đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 6,42%, vượt xa cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam vào top đầu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn…

Đẩy mạnh kích thích tiêu dùng nội địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đẩy mạnh kích thích tiêu dùng nội địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Với những tín hiệu tích cực từ nửa đầu năm, Chính phủ vừa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 lên mức cận trên từ 6,5-7% thay vì 6-6,5% như trước đây. Nhiều chuyên gia đánh giá, mức tăng trưởng 7% trong năm 2024 có nhiều cơ sở để kỳ vọng.

Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Vũ Duy Nguyên đánh giá, động lực chính của tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 có thể tiếp cận từ kinh tế vĩ mô, đó là Chính phủ tiếp tục áp dụng chính sách tài khóa lỏng kết hợp với chính sách tiền tệ lỏng và chính sách thương mại quốc tế đa phương tạo thuận lợi hóa cho thương mại (đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA).

Cùng chung quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá, bên cạnh những nỗ lực của DN, lực đẩy từ các chính sách tài khóa linh hoạt, mềm dẻo của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã giúp nền kinh tế tăng trưởng khá. Với sự điều chỉnh nhịp nhàng giữa tăng trưởng kinh tế và phòng, chống lạm phát, điều chỉnh, kết hợp một cách hoàn hảo giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, do vậy hoàn toàn có thể chủ động điều hành giá cả.

Nhận định về điểm tựa tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm, PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Đặc biệt, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục đảm bảo; chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát; dư địa chính sách tài khóa tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất trong nước, đồng thời tạo điều kiện để chính sách tiền tệ đối phó với các cú sốc bên ngoài. Mặt khác, các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Bên cạnh các động lực trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nửa đầu năm và là cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024. Theo đó, Bộ KH&ĐT lạc quan khi dự kiến, Việt Nam thu hút FDI đạt khoảng 39-40 tỷ USD trong năm 2024.

Nỗ lực cải cách thể chế kinh tế

Tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu…

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng; thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; thiên tai, hạn hán, sạt lở, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp...

Để mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt 6,5-7%, thì 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng trên 7%. Theo đó, phải có kế hoạch rõ ràng, cụ thể và có giải pháp để thực hiện.

PGS.TS Ngô Trí Long khuyến nghị, Bộ Tài chính cần triển khai hiệu quả các chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm phí, lệ phí đã được ban hành.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Trên cơ sở ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng, thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Cùng với đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay và đơn giản hóa thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho DN.

Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) Trần Thị Hồng Minh, về dài hạn cần tiếp tục nỗ lực cải cách thể chế kinh tế. Theo đó, cần thúc đẩy phát triển tài chính xanh ở Việt Nam thông qua việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý, khung khổ chính sách và cơ chế đối với thị trường tài chính xanh nhằm tạo nền tảng pháp lý thống nhất cho tài chính xanh… Cùng với đó, tiếp tục tạo động lực từ phát triển kinh tế đêm ở một số đô thị lớn của Việt Nam nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước, phát triển du lịch thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch...