Điểm tựa yêu thương

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết vẫn luôn là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau sum họp. Bữa cơm cuối năm cũng là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi thành viên trong gia đình lại với nhau.

 Ảnh minh họa.
Hiện nhiều gia đình thành thị bị cuốn đi trong nhịp sống hiện đại, sợi dây liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình cũng thay đổi nhiều. Người lớn đi làm từ sáng đến tối, trẻ nhỏ học bán trú, rồi đi học thêm, khoảng thời gian vui nhất có lẽ chỉ còn là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành vất vả. Dù nhiều người đã luôn cố gắng để duy trì ít nhất mỗi ngày một bữa ăn có đầy đủ các thành viên trong gia đình, nhưng vẫn xảy ra tình trạng đến mấy ngày mà gia đình chẳng có bữa cơm nào đủ mặt cả nhà. Không khí đầm ấm trong gia đình vì thế mà bị ảnh hưởng, tình cảm gắn kết, sự quan tâm của bố mẹ đối với con cái cũng bị hạn chế dẫn đến nhiều hệ lụy... Đây là điều đáng buồn, bởi thế, hai chữ “ấm áp” vẫn được nhiều người nhắc tới như một mong ước. Sự lỏng lẻo ấy khiến các mối quan hệ ứng xử giữa các thành viên cũng trở nên bất ổn, thiếu bền vững. Kéo theo tình trạng bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng, khiến sự “gắn kết yêu thương”, “giữ gìn giá trị truyền thống” vẫn luôn là những khẩu hiệu được đặt ra mọi nơi, mọi lúc.

Một người phụ nữ chia sẻ, chị vẫn biết rằng, bữa cơm là gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Việc duy trì bữa cơm gia đình để giữ gìn không khí ấm áp yêu thương là hết sức quan trọng, cần thiết, nhưng thực sự không phải lúc nào cũng được bởi những lo toan bộn bề cứ kéo mỗi người về mỗi hướng. Nhưng ngày Tết thì khác. Bỏ qua một năm vất vả mưu sinh với nhiều bữa cơm gia đình tạm bợ, chị muốn bữa cơm ngày Tết phải thật sự sum vầy. Chị rất thích cảm nhận cái không khí bận rộn nhưng rất khác biệt của ngày cuối cùng của năm, trước đêm giao thừa. Bởi khi đó, mọi thành viên luôn có sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau từ những việc đơn giản.

Như nhiều gia đình Hà Nội, chị luôn dành thời gian để chế biến món ăn mà chồng con thích, hay dạy con gái nấu những món ăn truyền thống để tạo một sự gắn kết, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình và cũng là cách dạy con cách để thể hiện tình cảm với ông bà, bố mẹ, anh em trong nhà. Qua đó, chị cũng muốn con hiểu rằng, cuộc sống thời hiện đại, mọi người dành thời gian cho công việc nhiều hơn, quỹ thời gian dành cho việc nhà sẽ ít đi, nhưng nếu các thành viên trong gia đình đều có ý thức vun đắp thì vẫn duy trì được những bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc trong ngày Tết. Và năm nay cũng như mọi năm, cùng với những lo toan vụn vặt mà không hề nhỏ xung quanh cái Tết, chị vẫn không quên chuẩn bị những thực phẩm thiết yếu nhất cho bữa cơm tất niên chiều 30. Chị lại mong đợi những giây phút gia đình được sum họp, vui vầy bên mâm cơm đoàn viên, để gạt bỏ những ưu tư của năm cũ, đón chờ một năm mới nhiều hy vọng.

Cũng như gia đình chị, với hầu hết mọi người, bữa cơm chiều cuối năm là khoảnh khắc đặc biệt. Bởi ngày Tết, lòng người dường như rộng mở hơn, rời xa guồng quay hối hả của cuộc sống, tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại của năm để hoàn tất công việc và sớm trở về nhà. Không khí ngày cuối năm cũng vì thế mà nhộn nhịp và ngập tràn cảm xúc hơn bao giờ hết.

Một năm nữa lại qua, trong những ngày này, nhà nhà đều lo chuẩn bị để đón một cái Tết cho tươm tất, không khí Tết đoàn viên vẫn đang tràn ngập khắp mọi nhà. Cùng với những gia đình tự chuẩn bị bữa cỗ Tết, những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của các bà nội trợ, dịch vụ nấu cỗ ngày Tết cũng phát triển mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là các dịch vụ dọn nhà, trang trí cũng ngày càng phát triển. Kinh tế có eo hẹp, nhưng với quan niệm cả năm chỉ có 3 ngày Tết, nên nhiều người vẫn chắt chiu để ngày Tết thêm tươm tất, rộn ràng hơn, để gia đình thực sự là điểm tựa yêu thương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần