Điện ảnh Việt 2016: Nhọc nhằn tạo thương hiệu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm ngoái, những bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”... không chỉ đạt doanh thu “ngất ngưởng”, mà còn tạo hiệu ứng về chất lượng nghệ thuật.

Và các đầu phim ghi tên phát hành năm 2016 này cũng đã hé lộ những sự nổi bật, được đầu tư chỉn chu. Song người ta vẫn chưa đủ tự tin để khẳng định thương hiệu điện ảnh Việt.

Những cái tên đảm bảo ăn khách

Khác hẳn với mùa phim Tết Bính Thân nhiều thất thu, nhìn vào danh sách các bộ phim xếp hàng chờ bấm máy và ra rạp (khoảng 40 phim), chứng tỏ 2016 sẽ là năm sôi động của điện ảnh Việt. Nhiều đạo diễn, diễn viên tên tuổi, tạo được niềm tin với khán giả như Cường Ngô, Trương Ngọc Ánh, Ngô Thanh Vân, Dustin Nguyễn, Victor Vũ... "hứa" trở lại trong năm 2016 bằng các tác phẩm lớn.
Một cảnh trong phim “Đập cánh giữa không trung”.
Một cảnh trong phim “Đập cánh giữa không trung”.
Điển hình, sau cơn sốt của “Hương Ga” năm 2014, đạo diễn Cường Ngô và diễn viên Trương Ngọc Ánh tiếp tục tái hợp trong dự án phim “Truy sát”. Bộ phim sẽ đầu tư theo công nghệ hiện đại của thế giới với kinh phí trên 20 tỷ đồng. Trong khi đó, đạo diễn Victor Vũ tái xuất bằng bộ phim theo thể loại hình sự điều tra xã hội “Status”, xoay quanh những vấn đề của con người với mạng xã hội - dự án phim được đánh giá sẽ nhận được sự đồng cảm từ giới trẻ. Trong số các phim sẽ ra mắt năm 2016, “Vòng eo 56” ồn ào và được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất từ khi dự án còn nằm trên giấy, bởi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng xưa nay vẫn chứng minh được mình là một đạo diễn có "gu" phù hợp với thời đại.

Dự kiến 40 bộ phim trong một năm kể cũng là con số đáng nể của điện ảnh Việt. Đây là dấu hiệu cho thấy điện ảnh đang lấy lại được phong độ và có những dấu hiệu tích cực để từng bước vươn ra thế giới. Tuy nhiên, phải thừa nhận, điện ảnh Việt đang thiếu một người anh cả lo toan, định hình một thương hiệu riêng. Phần lớn các bộ phim do những hãng phim khác nhau sản xuất, nên theo kiểu mạnh ai nấy làm. Việc xây dựng thương hiệu sẽ không chỉ phụ thuộc vào số lượng phim, mà nằm ở bản sắc riêng của điện ảnh Việt.

Khó làm thương hiệu

Thời gian gần đây, điện ảnh Việt có xu hướng "học theo" phim Hàn Quốc và phim Mỹ. Thế nên, như nhiều người nhận xét, phim Việt "nửa chừng" với các hành động nghẹt thở theo kiểu Mỹ, vừa sướt mướt yêu đương như phim Hàn Quốc, một vài bộ phim lại khai thác yếu tố cổ trang giống phim Trung Quốc.

Năm 2015, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” nổi lên như một tín hiệu vui cho hướng đi của điện ảnh Việt - một bộ phim đậm tính nhân văn, nhẹ nhàng nhưng không kém sâu sắc khi lồng ghép rất nhiều cảnh đẹp của Việt Nam. Cũng theo dòng cảm xúc nhân văn, “Đập cánh giữa không trung”, “Bi, đừng sợ!”, “Cha và con”, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”… cũng đem đến những rung động bất ngờ cho khán giả. Từ thành công của những bộ phim trên, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: “Để làm nên thương hiệu phim Việt phải trông đợi ở những bộ phim có tính đột phá về cách nghĩ, cách làm mới mẻ, đặc biệt là dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc đậm chất nhân văn sâu sắc như: Xây dựng một câu chuyện thuần Việt, mang hương vị văn hóa, tập quán riêng độc đáo của Việt Nam kết hợp lồng ghép tinh tế hướng công chúng đến cảm xúc chung là cái thiện, cái đẹp”.

Không phải đến năm nay, khi điện ảnh Việt rôm rả về số lượng phim, câu chuyện xây dựng thương hiệu mới được đề cập đến. Cục Điện ảnh đã tổ chức rất nhiều hội thảo bàn về vấn đề này, nhưng rôm rả bàn rồi lại để đấy. Vì thế dấu ấn thương hiệu chưa rõ nét. Và nhìn vào danh sách 40 bộ phim của năm 2016, dấu ấn thương hiệu vẫn lờ mờ, bởi đa phần các bộ phim thiên về yếu tố giải trí, câu khách để đảm bảo doanh thu. Xem ra, điện ảnh Việt vẫn cần một người "đứng mũi chịu sào", lo toan, hoạch định dài hơi cho vấn đề này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần