Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi về những kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Hàn Quốc, những xu hướng làm phim mà điện ảnh Hàn Quốc; đồng thời chia sẻ về cách tiếp cận các LHP cũng như con đường đi tới những giải thưởng lớn mà điện ảnh Hàn Quốc đã đạt được tại các LHP, giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế.
Vực lại sau đại dịch covid-19
Những năm qua, khán giả Việt Nam biết đến nhiều bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc như “Ký sinh trùng”, “Trò chơi con mực”… Những bộ phim trên đã đạt nhiều giải thưởng tại các LHP nổi tiếng như Cannes, Toronto.
Để có được kết quả kể trên, các đại diện của nền điện ảnh Hàn Quốc cho biết: Nhà nước đã có những hỗ trợ từ cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng tầm nhìn, chiến lược điện ảnh; làm phong phú, đa dạng lĩnh vực điện ảnh, đối tượng tiếp cận điện ảnh…
Các chuyên gia điện ảnh Hàn Quốc nhìn nhận, những yếu tố trên, điện ảnh Việt Nam dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế. Tổng Giám đốc Công ty TNHH CJ HK Jung Tae Sun chia sẻ: Khi người dân Việt Nam lựa chọn phim, tôi thấy có một chút định kiến. Người dân Việt Nam sẽ chọn các phim đến từ nền điện ảnh nổi tiếng trước. 20 năm trước, người Hàn Quốc cũng không tự hào về nền điện ảnh nước nhà. Người dân không thích phim Hàn Quốc mà chuộng phim Mỹ, Nhật, nước ngoài. Trải qua nhiều giai đoạn, với sự đầu tư cho nền điện ảnh bài bản, người dân Hàn Quốc mới yêu thích phim như bây giờ.
Sau phần chia sẻ của đại diện nền điện ảnh Hàn Quốc, cuộc Hội thảo diễn ra sôi nổi hơn khi những vấn đề nóng về cơ chế, chính sách; vấn đề quỹ phát triển điện ảnh; thẩm định và phân loại phim, hay những câu hỏi được đặt ra về “cuộc cách mạng công nghiệp điện ảnh”, "cải cách nền điện ảnh non trẻ” được các chuyên gia, nhà sản xuất phim Việt Nam đề cập tới.
Trả lời câu hỏi của Nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Duy Anh về quỹ phát triển điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Park Ki Yong chia sẻ: Từ 2007, KOFIC thu 3,3% trên 1 vé xem phim. Năm 2019, KOFIC thu nhiều nhất là 54,5 tỷ won. Nhưng đến 2020, khi có đại dịch Covid-19, số thu giảm 5 lần còn 11 tỷ won; 2021 là 17 tỷ won; 2022 dự kiến là 21 tỷ won. Tuy nhiên, để làm được điều này, KOFIC phải duy trì được mối quan hệ 2 chiều, các bên đều có sự đóng góp, hi sinh, hướng tới hiệu quả.
Không thể bắt chước Hollywood
20 năm trước khi bắt đầu phát triển điện ảnh, Hàn Quốc băn khoăn làm thế nào để làm phim hay như Hollywood. Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Park Ki Yong cho hay: Quá trình nỗ lực, chúng tôi có bắt chước làm phim giống Hollywood nhưng không thể được. Hollywood làm phim chi phí gấp Hàn Quốc hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Chính vì vậy, thời gian qua, Hàn Quốc đã có cách làm riêng.
Đơn cử như phim “Ký sinh trùng”, ban đầu phim không mở rộng toàn cầu. Phim khắc hoạ nhiều hình ảnh rất Hàn Quốc, có nhiều câu nói hài trong phim mang tính đặc trưng của xứ ở kim chi, người nước ngoài chưa chắc đã hiểu. “Tôi nghĩ, chúng ta không kỳ vọng toàn cầu hoá, hãy bắt đầu từ đặc trưng của nước mình từ đó khán giả sẽ đón nhận và làn toả. Nói cách khác, bộ phim đã tự toàn cầu hoá. Từ đó cho thấy, yếu tố quan trọng chính nhất của điện ảnh của một quốc gia là tính độc đáo. Tôi nghĩ để phát triển điện ảnh Việt Nam, các bạn cần khai thác yếu tố riêng có, đặc trưng để có thể mang điện ảnh Việt Nam lan toả ra thế giới” - Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) Park Ki Yong chia sẻ, trả lời câu hỏi của nhà làm phim Việt Nam.
Nhiều lần nhận được câu hỏi của các nhà làm phim Việt Nam về vấn đề kiểm duyệt và “cuộc cách mạng của điện ảnh Hàn Quốc”, ông Park Ki Yong đã chia sẻ về một giai đoạn “đen tối” khi có nhiều kiểm duyệt gắt gao, quy định trong lịch sử điện ảnh xứ kim chi. Đại diện nền điện ảnh Hàn Quốc cho hay: KOFIC là cơ quan dưới Bộ VHTT&DL nhưng ngân sách hoạt động chủ yếu phụ thuộc nguồn bên ngoài. Những người điều hành KOFIC không phải người Nhà nước mà là những người làm phim. Chính vì thành phần KOFIC là những người hoạt động chuyên môn nên không sự can thiệp khá thô bạo hay có những yêu cầu, chỉ thị từ cơ quan Nhà nước.
Sau khi nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của đại diện 2 nền điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông chia sẻ: Vừa qua, Luật Điện ảnh của Việt Nam đã được thông qua, trong tiến trình xây dựng luật có sự đóng góp, của nhiều chuyên gia, người làm điện ảnh. Trong những vấn đề quan trọng được đề cập tới trong Hội thảo, Luật Điện ảnh đã đưa lên hàng đầu đó là nội dung về kiểm duyệt, thành lập các cơ sở đào tạo, mở rộng quyền hạn của người làm nghề.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, Việt Nam hiện nay có đủ các cơ chế, chính sách để cử chuyên gia, sinh viên tại các trường Đại học đi học ở nước ngoài. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là ngoại ngữ. Trong 2 năm qua có 20 sinh viên của Đại học Sân khấu điện ảnh đi học ở nước ngoài, chưa kể 10 em đi Trung Quốc thông qua những ký kết riêng. Trong đó hơn 10 người đã quay trở lại Việt Nam bắt đầu làm quen ở các cơ sở đào tạo hoặc tổ chức sản xuất phim.
Mặt khác, lãnh đạo bộ VHTT&DL đề nghị, một số DN Hàn Quốc tại VN như CJV, Lotte tăng cường vốn đầu tư đầu tư cho sản xuất phim Việt Nam; KOFIC tăng cường kế nối, hợp tác giữa các đoàn làm phim Việt Nam – Hàn Quốc; lựa chọn Việt Nam là điểm đến của những hình ảnh, cảnh quay trong phim do Hàn Quốc sản xuất.