Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn biến bão Doksuri phức tạp, các địa phương không nên chủ quan

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (26/7), bão Doksuri tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai tiếp tục đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ, chủ động ứng phó cơn bão này.

Hồi 7 giờ sáng nay (26/7), vị trí tâm bão DOKSURI ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 121,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 - 16, giật trên cấp 17 (cấp siêu bão).

Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6 - 7; từ chiều và đêm ngày 26/7 mạnh lên cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 - 15, giật trên cấp 17; Sóng biển cao 5 - 7m; biển động dữ dội.

Đường đi hiện nay của bão DOKSURI.
Đường đi hiện nay của bão DOKSURI.

Dự báo 24 giờ tới, bão DOKSURI di chuyển hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15km với cường độ cấp 15, giật trên cấp 17. Vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 16,0N, phía Đông kinh tuyến 116,5E. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3 (khu vực phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông).

Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, hiện nay diễn biến bão Doksuri vẫn còn phức tạp. Bão tiếp tục gây sóng to, gió lớn trên Biển Đông. Chính vì vậy, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.

Đặc biệt, đối với các tỉnh, TP ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hoà và Bộ GTVT, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Công văn số 276/VPTT về ứng phó với bão DOKSURI ở vùng biển phía Đông của Philippines. Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

“Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sẽ cập nhật tình hình bão DOKSURI, kịp thời chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó…” - Ông Phạm Đức Luận cho biết thêm.

 

Ngày và đêm 26/7, vùng biển từ Khánh Hoà đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng biển cao từ 2 - 5m; vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông mạnh. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.