Trên đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 13/11.
Báo chí phải đồng hành với công nghệ
Chia sẻ tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đi kèm với những khó khăn, công nghệ số cũng mang những lợi ích lớn, đây chính là cơ sở quan trọng để tạo ra "vụ nổ Big Bang" trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, báo chí Việt Nam đang đi sau thế giới về công nghệ.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chứng kiến lễ ký kết dự án phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024. |
Thời đại kỹ thuật số đang tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển khi có thể tiếp cận với kho dữ liệu khổng lồ và các nguồn tin đa dạng chỉ bằng vài cái kích chuột. Nhưng phải đổi mới bằng cách nào? Ai sẽ dẫn đầu cuộc đổi mới công nghệ trong báo chí? Ai sẽ mang lại được nguồn lực tài chính cần thiết, quan trọng hơn là mô hình hợp tác, chia sẻ nội dung cũng như doanh thu mà nhiều cơ quan báo chí đang trăn trở? Bộ trưởng Bộ TT&TT đặt ra hàng loạt câu hỏi dành cho các cơ quan báo chí trong nước.
Ứng dụng các công nghệ mới không hề phức tạp, vì chúng sẽ giúp việc làm báo trở nên đơn giản hơn. Và để triển khai thuận lợi quá trình chuyển đổi số cho báo chí, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các DN công nghệ. "Việc này cũng rất dễ dàng tiến hành bởi Việt Nam không thiếu những công ty công nghệ số mạnh và một vài đơn vị trong số đó sẵn sàng trợ giúp báo chí đưa công nghệ mới vào làm báo" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Các DN số không chỉ cung cấp hạ tầng viễn thông, CNTT, hạ tầng điện toán đám mây mà còn có thể phát triển những ứng dụng và đặc biệt là nền tảng dùng chung cho các cơ quan báo chí. Có thể kể ra những cái tên tiêu biểu như Viettel, CMC hay Yeah1. Riêng về Viettel và CMC, 2 đơn vị này có cả một đội ngũ riêng biệt để phát triển hạ tầng cũng như ứng dụng cho báo chí.
Công nghệ số sẽ thay đổi báo chí và ảnh hưởng đến báo chí trong một chặng đường dài. Nhưng báo chí cần phải thay đổi, trước khi công nghệ chuyển sứ mạng cho một lực lượng thay thế khác, người đứng đầu ngành TT&TT kỳ vọng.
Nói về sức ép của quá trình chuyển đổi số với báo chí, Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc đã đưa ra một số cảnh báo đáng suy nghĩ về nguồn thu của các cơ quan báo chí. Cụ thể, trong năm 2018, số lượng phát hành, quảng cáo của báo in và báo điện tử đã tiếp tục giảm so với một năm trước đó. Thị phần quảng cáo trực tuyến đang có tới 70% được nắm giữ bởi các DN xuyên biên giới như Facebook, Google. Chỉ trong vòng 10 các đơn vị báo chí đã mất khoảng 50% thị phần quảng cáo.
Xu hướng hiện nay của DN là chọn những kênh quảng cáo có đông lượng người truy cập như Facebook, Google... do đó nguồn thu của các cơ quan báo chí nhiều khả năng sẽ ngày càng bị thu nhỏ lại, thậm chí có những đơn vị còn không có cả nguồn thu. Từ đó dẫn tới một số cơ quan báo chí quay ra sản xuất nội dung cho Google để kiếm quảng cáo. Do vậy xu hướng báo chí "câu view", thường xuyên khai thác thông tin giật gân, đánh đấm... lại được dịp lên ngôi.
Đã đến lúc các cơ quan báo chí cần "phản công" để giành lại thế trận, việc kết hợp giữa những thế mạnh sẵn có đi đôi với đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại chính là chìa khóa. Trí tuệ nhân tạo, phóng viên robot, chatbot... đang được báo chí nước ngoài ứng dụng có hiệu quả rõ rệt và báo chí Việt Nam hoàn toàn có thể đưa vào những công nghệ này nhằm tạo ra các sản phẩm hấp dẫn hơn giành cho độc giả, Cục trưởng Lưu Đình Phúc đưa ra lời khuyên.
Trải nghiệm mới với công nghệ mới
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại diện các cơ quan báo chí, DN công nghệ, chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ mới dành cho báo chí. Đáng chú ý, trong số này có một số mô hình, giải pháp công nghệ đã được ứng dụng trực tiếp vào thực tế và mang lại thành công nhất định.
Là tờ báo điện tử thuộc top đầu của Việt Nam về việc ứng dụng công nghệ mới trong làm báo, khi nói về VietnamPlus, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh đã khẳng định: Chính công nghệ đã giúp VietnamPlus luôn thay đổi không ngừng cũng như mang lại cho độc giả những trải nghiệm với nhiều phương thức làm báo mới, hiện đại, bắt kịp với xu hướng của quốc tế.
Trên thực tế, VietnamPlus là ấn phẩm báo chí thường xuyên đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào báo chí như ảnh/video 360 độ, máy bay điều khiển từ xa, thông tin đồ họa tĩnh và đồ họa tương tác, dòng sự kiện timeline, cho đến việc ứng dụng báo chí di động, phong cách trình bày phóng sự dạng mega story... và không ít trong số này đã trở thành xu hướng của báo điện tử trong nước.
Đáng chú ý, mới đây, sản phẩm chatbot sử dụng trí tuệ nhân tạo để tương tác với độc giả của VietnamPlus đã nhận được "Giải thưởng xuất sắc chất lượng thông tấn" của Tổ chức các Hãng thông tấn châu Á -Thái Bình Dương.
Dự đoán về xu hướng công nghệ mới đang được nhiều tờ báo lớn trên thế giới ứng dụng và thích hợp để triển khai ở Việt Nam, ông Lê Quốc Minh cho rằng đó là cập nhật thông tin qua các thiết bị kích hoạt bằng giọng nói. Trong những năm tới, các thiết bị dạng này được dự kiến sẽ thay thế máy tính, smartphone để trở thành công cụ theo dõi báo chí chính của bạn đọc.
Công nghệ đáng chú ý khác được giới thiệu tại Diễn đàn lần này còn có AI Text-To-Speech của MobiFone. Đây là công nghệ cho phép chuyển đổi văn bản thành giọng nói tiếng Việt có cảm xúc trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Công nghệ này có thể hiểu văn bản và ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra âm thanh tổng hợp hoàn chỉnh với nhịp điệu và ngữ điệu phù hợp.
Có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như tự động hóa, giao thông thông minh, giáo dục, sức khỏe... AI Text-To-Speech tỏ ra rất hữu dụng khi triển khai trên báo điện tử, từ đó giúp người dùng có thể dễ dàng theo dõi tin tức qua giọng nói thay vì phải đọc như thông thường. Hiện công nghệ này đang được nhiều báo điện tử đưa vào ứng dụng thực tế và thu hút được lượng lớn bạn đọc như Lao Động, Công Luận, PhapluatPlus...
Song song với việc ứng dụng công nghệ mới vào tác nghiệp, bảo mật cũng là vấn đề cần nhận được sự quan tâm trọng điểm của các cơ quan báo điện tử trong thời đại công nghệ số. Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng, do có lượng người xem cao, ấn phẩm trực tuyến của các cơ quan báo chí luôn là đích ngắm ưa thích và được ưu tiên bởi tin tặc.
Càng có nhiều công nghệ mới được áp dụng, việc bảo đảm an toàn thông tin phải càng được các cơ quan báo chí nâng cao. "Một trong những giải pháp cần thiết là nên đồng hành cùng các công ty công nghệ để phòng ngừa rủi ro mà tin tặc có thể mang lại và Liên minh Xử lý mã độc và phòng, chống tấn công mạng Việt Nam là lựa chọn thích hợp.
Đây là đơn vị được bảo trợ bởi Bộ TT&TT cùng sự góp mặt của các DN hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin hàng đầu Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, BKAV và CMC" - ông Nguyễn Huy Dũng chia sẻ.
Cũng tại diễn đàn này, trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) và Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác thực hiện dự án "Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020 - 2024". Đây là dự án được triển khai theo phương châm xã hội hóa các nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, DN trong nước. Theo bản ghi nhớ, các chương trình hoạt động sẽ bao gồm việc tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho các nhà báo Việt Nam. |