Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018: Liên kết vì lợi ích lâu dài

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng cường mối liên kết giữa DN trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) làm chìa khóa thu hút đầu tư... tiếp tục là các chủ đề “nóng” được thảo luận sôi nổi tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 tổ chức sáng 4/7 tại Hà Nội.

 Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Hùng Thập
Diễn đàn VBF do Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Hội đồng quản trị Liên minh VBF phối hợp tổ chức. Diễn đàn VBF lần này sẽ tập trung vào 3 phiên thảo luận chính, gồm: Tiến tới chuỗi giá trị, Giải quyết những thách thức về công nghệ, Tăng trưởng tài chính bền vững. 
Vẫn còn cải cách “nửa vời”
Với chủ đề “Liên kết DN trong nước và nước ngoài hướng tới lợi ích chung”, Diễn đàn VBF giữa kỳ 2018 là cơ hội thể hiện mạnh mẽ cam kết của Chính phủ chung tay cùng cộng đồng DN thúc đẩy môi trường đầu tư ở Việt Nam hiệu quả, bền vững hơn, tạo lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo đánh giá của Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, hàng loạt động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực, tạo niềm tin cho cộng đồng DN và diện mạo mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả các bộ, ngành, địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.
Bộ KH&ĐT đánh giá cao những kiến nghị hợp lý, mang tính xây dựng của cộng đồng DN cũng như tinh thần hợp tác, có trách nhiệm của các bộ, ngành. Bộ sẽ tổng hợp những kiến nghị của cộng đồng DN báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi luật pháp, chính sách, đồng thời chỉ đạo các bộ ngành, địa phương xem xét, giải quyết những khó khăn vướng mắc của cộng đồng DN.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Sau 4 năm đưa vào thực hiện, cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách TTHC trong hoạt động xuất nhập khẩu, mới chỉ triển khai được ở 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu). Trong số, 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho DN. Bên cạnh đó, yêu cầu phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% số điều kiện kinh doanh, song đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công Thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu…

Đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) Nicolas Audier kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục cắt giảm các TTHC, hỗ trợ hướng dẫn thêm về chính sách cho các DN tư nhân, bảo đảm cơ chế bảo hộ đầu tư hiệu quả, cải thiện các cơ chế giải quyết tranh chấp và thực hiện Luật Đầu tư và Luật DN một cách nhất quán; có những thay đổi tích cực trong việc thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng như Luật về chuyển giao công nghệ được hướng dẫn thi hành một cách rõ ràng và cụ thể. Đặc biệt, chính sách thuế là vấn đề cần cải thiện để mời gọi đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế hơn nữa.
 Ảnh: Hùng Thập
Làm gì để cải thiện mối liên kết với DN FDI?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện đã có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với khoảng 26.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký trên 326 tỷ USD, vốn thực hiện đạt trên 180 tỷ USD. Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và khoảng 20% GDP, trong đó 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 3,6 triệu lao động trực tiếp và 5 - 6 triệu lao động gián tiếp.
Cộng đồng DN trong và ngoài nước đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện triệt để các mục tiêu cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo cương quyết thực hiện cải cách hành chính, đặc biệt là về thủ tục xuất nhập khẩu, cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Có đóng góp to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, song Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ, sự liên kết giữa khu vực FDI với DN trong nước trong chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển... Nhằm tăng cường mối liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, các DN nước ngoài cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị. DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Đồng hành cùng với DN, cải cách TTHC đang được xem là chìa khóa để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chính phủ cần có các biện pháp thiết thực về cải cách TTHC nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài diễn ra một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.
Nhiều công ty nước ngoài từ chối làm việc với nhà xuất khẩu trong nước không tuân thủ luật thuế và hải quan của Việt Nam vì rủi ro thương mại và uy tín liên quan. Để Việt Nam tiếp tục tăng cường vai trò của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các cơ quan hành chính phải giảm nhẹ gánh nặng đối với việc tuân thủ. Tất nhiên, không phải bằng cách hạ các tiêu chuẩn mà bằng cách cung cấp các quy định rõ ràng, hướng dẫn đơn giản và thực thi thống nhất. Một môi trường minh bạch, ủng hộ và hợp tác sẽ tạo thuận lợi cho việc các DN Việt Nam tiếp cận những thị trường quốc tế tốt nhất.

Đại diện nhóm công tác đầu tư và thương mại Orsolya Grove
Việt Nam sẽ trở thành “ông lớn” nông nghiệp, được dẫn dắt bởi nông nghiệp thông minh và các nông dân thông minh. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự thay đổi của các bên liên quan, bao gồm nông dân, Chính phủ, xã hội và các DN tư nhân. 

Trưởng nhóm DN Nông nghiệp VBF David John Whitehead
Hiện Nghị định liên quan đến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục (Nghị định 86) và một vài quy định của Nghị định dự thảo thay thế Nghị định 48 gây vướng mắc cho DN, cần được xem xét sửa đổi. Đề nghị Chính phủ có biện pháp huy động sự tham gia của không chỉ các DN lớn mà cả các DN vừa và nhỏ trong và ngoài nước.

Trưởng nhóm Công tác giáo dục và đào tạo Brian O’reilly