Hội thảo đã nhận được ủng hộ, tham gia nhiệt tình của nhiều chuyên gia, giảng viên hướng dẫn, cán bộ các đơn vị, sự quan tâm của học viên, thầy cô giáo tại các trường phổ thông. Số lượng bài tham dự hội thảo lớn, đa dạng về nội dung và đều có chất lượng tốt.
Tại hội thảo, 6 báo viên đến từ các cấp học khác nhau ở nhiều địa phương trên cả nước đã đề cấp đến thực trạng công tác chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục và đào tạo tại các địa phương trong bối cảnh đại dịch Covid-19: Vai trò của cán bộ quản lý giáo dục trong công tác chuyển đổi số hoạt động giáo dục và đào tạo tại các địa phương thích ứng với tình hình đại dịch Covid-19; Mô hình và giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học, quản lý giáo dục tại các địa phương thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch Covid-19; Chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuyển đổi số trong dạy học, giáo dục tại các địa phương (Dạy học, kiểm tra đánh giá, nghiên cứu khoa học, số hóa học liệu (Sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning...).
Để thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, TS. Nguyễn Đăng Trung, Trưởng phòng Sau đại học và Đào tạo quốc tế (Trường ĐH Thủ đô) nêu ra một số yêu cầu, đó là phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để tất cả mọi người trong ngành giáo dục đều có thể tham gia; tài nguyên số, học thuật cũng cần phải thực hiện trên công nghệ thống nhất giúp việc dạy và học trực tuyến đem lại hiệu quả. Chuyển đổi số trong giáo dục muốn phát triển tốt thì yếu tố nhân lực cần được ưu tiên nhất.
Theo GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội, Hội thảo là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, các thầy cô và học viên cao học trao đổi, chia sẻ nhận thức, quan điểm, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục tại các địa phương, đặc biệt là sau thời gian bị tác động bởi dịch Covid- 19.
Đồng thời cũng là diễn đàn trao đổi học thuật giúp học viên cao học có cơ hội công bố kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học trước khi bảo vệ luận văn.