Diễn đàn Kinh tế Việt Nam khai mạc với 3 chủ đề lớn

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư là: “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”. Diễn đàn với 3 hội thảo xoay quanh 3 chủ đề lớn.

Sáng 5/6, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Gem Center, số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TP Hồ Chí Minh).

Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết: “Được sự đồng ý của Thường trực Ban Bí thư và Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hôi nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 1.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội thảo chuyên đề 1.

Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã được Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp tổ chức thường niên. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam luôn gây được tiếng vang lớn, có sức lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế và được đánh giá là Diễn đàn Kinh tế hàng đầu của Việt Nam, có tầm khu vực và quốc tế.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay là nơi trao đổi ý kiến và chia sẻ quan điểm giữa đại diện các Ban, Bộ, ngành, Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và đại diện của một số tổ chức quốc tế để có thêm căn cứ tham mưu Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Trong buổi sáng 5/6, Diễn đàn Kinh tế lần thứ tư diễn ra song song 3 phiên hội thảo chuyên đề.

Hội thảo chuyên đề 1 “Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch covid-19” thảo luận về các vấn đề: Giải pháp phát triển thị trường lao động của Việt Nam trong hội nhập và những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách quản trị quốc gia về lao động sau đại dịch Covid-19; Hoàn thiện pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ Luật lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức sau đại dịch Covid-19; Kinh nghiệm quốc tế trong quản trị quốc gia về lao động nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19; Vai trò, vị trí, đóng góp của lao động phi chính thức trong quá trình phát triển kinh tế Việt Nam - những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nhằm phát triển đồng bộ thị trường lao động sau đại dịch Covid-19; Bài học về Quản lý lao động qua đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, cho biết đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống, làm cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ. 

Tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, lao động từ 15 tuổi trở lên giảm từ 56 triệu lao động quý IV/2019 xuống còn 50,7 triệu người quý IV/2021 (giảm 5,3 triệu người). Trong đó quý II/2021 giảm mạnh nhất chỉ còn 49,1 triệu người, lao động có việc làm quý IV/2021 hơn 49 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tăng từ 1,22% quý IV/2019 lên 4,46% (hơn 1,8 triệu người) quý III/2021. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn, trong đó thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng (năm 2019) còn 5,3 triệu đồng (năm 2021), giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng. Điều này làm cho cuộc sống của người lao động, đặc biệt lao động ngoại tỉnh càng khó khăn thêm. 

Đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc, thị trường lao động dần có sự phục hồi trở lại. Quý I/2022 lực lượng lao động là 51,2 triệu người, tăng 160.000 người so với cùng kỳ, tăng 440.000 người so với quý IV/2021. Số lao động có việc làm là 50 triệu người, nhưng chủ yếu ở khu vực phi chính thức.

Hội thảo chuyên đề 2 “Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản” nhằm giúp các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và các cơ quan hoạch định chính sách chia sẻ những góc nhìn khác nhau để giúp các cơ quan quản lý có được những chính sách tối ưu giúp phát triển hai thị trường nhân tố trọng yếu này.

Các diễn giả tham luận các vấn đề: “Xu hướng chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam”; “Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành kênh huy động vốn hiệu lực và hiệu quả cho nền kinh tế”; “Những vấn đề của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay - Kiến nghị và đề xuất giải pháp”; “Giải pháp nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam”; và “Xây dựng và phát triển TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế”.

Phần thảo luận các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như: (i) Sự phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh mới để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các loại thị trường, trong đó có thị trường vốn và bất động sản; (ii) Điều kiện và khó khăn, thách thức trong quá trình hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; (iii) Một số giải pháp thu hút, khơi thông dòng vốn nước ngoài đầu tư và phát triển thị trường trái phiếu minh bạch, hiệu quả; (iv) Xu hướng chuyển đổi số của ngành tài chính trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng; (v) Thực trạng và một số giải pháp, kiến nghị để phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay.

Hội thảo chuyên đề 3 “Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, tập trung thảo luận các vấn đề như: Sự điều chỉnh của chuỗi cung ứng toàn cầu (những thách thức, yêu cầu mới đặt ra và hàm ý cho Việt Nam); Định hướng và giải pháp tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng Việt Nam; Kinh nghiệm của Australia về ổn định và đa dạng hóa chuỗi cung ứng; Đẩy mạnh số hóa chuỗi cung ứng trong tình hình mới (yêu cầu, thực tiễn và vấn đề đặt ra cho Việt Nam); Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp (trường hợp của Tập đoàn Lộc Trời).

 

Chiều cùng ngày 5/6, diễn ra “Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao” có sự tham gia của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên...

Phiên toàn thể tập trung thảo luận các nội dung như kinh tế toàn cầu và những xu hướng lớn về hợp tác kinh tế quốc tế hiện nay; Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay: Cơ hội và thách thức; Đào tạo nhân lực công nghệ số phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số; Quản trị rủi ro quốc gia trong bối cảnh mới...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần