Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, năm 2022, Việt Nam đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng GDP dự kiến đạt từ 8 - 8,2%. “Tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt với năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức khi bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp và rất khó lường” - Trưởng Ban Kinh tế nhấn mạnh.
“2023 là năm bản lề, năm vô cùng quan trọng để thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, nhận diện, phân tích những tồn tại, hạn chế trong năm 2022 và đưa ra các kịch bản, giải pháp hướng tới mục tiêu có ý nghĩa vô cùng quan trọng” - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vào ngày 17/12...
Những khó khăn được nhận diện là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới. Dấu hiệu suy thoái kinh tế đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Trong khi đó, lạm phát đang tăng nhanh cũng đang gây ra rất nhiều hệ lụy và tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế. “Đáng chú ý, sự suy giảm thương mại và đầu tư trên toàn cầu đang gây ra những tác động và hệ lụy tiêu cực đến các nền kinh tế nhất là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam” - ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam cũng đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề nội tại chưa được giải quyết. Đó là những bất ổn của thị trường bất động sản, thị trường vốn và khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng; khả năng chống chịu trước những cú sốc; năng lực tự chủ của nền kinh tế…
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có biến động nhanh, phức tạp và vượt khỏi khả năng dự báo, khu vực doanh nghiệp tiếp tục chịu nhiều khó khăn, Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương; Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam thường niên và đột xuất theo chuyên đề.
Nội dung, chủ đề của các Diễn đàn đã nhận được sự hưởng ứng, quan tâm và đánh giá cao của các cơ quan hoạch định chủ trương, chính sách, cơ quan quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô, địa phương, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”, Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5 sẽ thảo luận chuyên sâu về đảm bảo các cân đối lớn của Việt Nam, từ đó đưa ra các khuyến nghị và lựa chọn chính sách cho phù hợp trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2023 sẽ tập trung đánh giá chuyên sâu về sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch; những tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và cách thức Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực trong bối cảnh mới và lộ trình tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cùng với đó, giá năng lượng, nguyên vật liệu gia tăng; chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt ở các nền kinh tế sẽ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, có thể làm chậm lại quá trình xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh…
Diễn đàn gồm: Phiên toàn thể; và 4 hội thảo chuyên đề do lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đồng chủ trì tổ chức vào sáng 17/12.
Bốn hội thảo chuyên đề bao gồm: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp; Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023.
Tham gia phần thảo luận tại Phiên tổng thể, các diễn giả thảo luận, làm rõ các kết quả tiêu biểu và bài học rút ra từ thực tiễn điều hành kinh tế vĩ mô năm 2022; Nhận diện cơ hội, rủi ro và thách thức (trong nước và từ bên ngoài) mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023; Dự báo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và điều hành kinh tế vĩ mô năm 2023; Đề xuất, khuyến nghị các cơ chế, chính sách nhằm nắm bắt và cụ thể hóa cơ hội, vượt qua các khó khăn và thách thức để đưa nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong năm 2023.
Chiều nay, sẽ diễn ra phiên toàn thể do Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội đồng chủ trì tổ chức. Sau toạ đàm bàn tròn cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có bài phát biểu trước 1.000 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến.