Diễn đàn xác lập mô hình tăng trưởng mới giai đoạn 2026–2030, định hướng đến 2045
Kinhtedothi - Trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, giai đoạn 2026 – 2030 được Đảng và Nhà nước nhận định là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Xác lập mô hình tăng trưởng mới không chỉ là yếu tố cấp thiết mà còn là bước đi xác định phương hướng, chiến lược cho tương lai lâu dài.
Ngày 15/7/2025, tại Khách sạn Hà Nội Daewoo (360 Kim Mã, phường Giảng võ, Hà Nội), Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giao cho Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 – 2030, định hướng đến năm 2045”.

Chương trình dự kiến có sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, cùng cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức phát triển. Đây sẽ là dịp quan trọng để các bên cùng nhìn nhận lại những thành tựu, tồn tại trong giai đoạn phát triển vừa qua, đồng thời thảo luận, đóng góp ý kiến cho định hướng chiến lược tăng trưởng dài hạn của đất nước trong bối cảnh mới.
Diễn đàn hướng tới mục tiêu định hình một mô hình tăng trưởng mới phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, có khả năng thích ứng linh hoạt với những biến động của môi trường quốc tế, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Đây không chỉ là không gian đối thoại chính sách cấp cao, mà còn là nền tảng cho tư duy phát triển đổi mới, góp phần tạo dựng động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng đạt mức hai con số, phấn đấu trở thành nền kinh tế nổi bật trong khu vực, giai đoạn 2025–2030 được Hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) xác định là thời kỳ then chốt. Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo rõ việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào vốn, năng suất, lao động giá rẻ sang dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Sự chuyển dịch mô hình tăng trưởng không chỉ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam mở rộng dư địa phát triển và thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, mà còn là cơ hội để kết nối các vùng kinh tế, đẩy mạnh quá trình số hóa, tự động hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít thách thức, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và chất lượng nguồn lao động trong nước.
Trên tinh thần đó, Diễn đàn được tổ chức nhằm góp phần làm rõ cơ sở lý luận, phân tích thực tiễn trong nước và quốc tế, đánh giá mô hình tăng trưởng hiện hành, từ đó đề xuất định hướng chính sách và hệ thống giải pháp nhằm xây dựng mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam trong giai đoạn 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình sẽ tập trung nhận diện các điểm nghẽn và rào cản trong mô hình cũ, đồng thời thảo luận cấu trúc cốt lõi của mô hình tăng trưởng mới trong bối cảnh phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số và hội nhập sâu rộng.

Khai mạc Diễn đàn M&A Việt Nam 2025: Hành trình mới cho doanh nghiệp Việt
Kinhtedothi - Chiều 26/6, Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2025 (M&A Vietnam Forum 2025) với chủ đề: "Tăng trưởng – Tái cấu trúc – Chuyển mình: Hành trình mới cho doanh nghiệp Việt" diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế – Văn phòng Chính phủ, 11 Lê Hồng Phong (Ba Đình, Hà Nội).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các lãnh đạo Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Kinhtedothi - Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của Diễn đàn Kinh tế thế giới và vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - WEF phát triển tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Thủ tướng thúc đẩy hợp tác song phương tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Thiên Tân
Kinhtedothi - Các cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo Kyrgyzstan, Ecuador và Senegal không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc làm sâu sắc quan hệ song phương, mà còn mở ra nhiều hướng hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực như kinh tế, viễn thông, giáo dục, nông nghiệp và chuyển đổi số.