Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện khí là xu thế tất yếu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí LNG, đảm bảo an ninh năng lượng... các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra giải pháp để thực hiện các cam kết tại COP26, hướng tới Net zero vào năm 2050.

Đó là thông tin chính tại Diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" do Báo Điện tử VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức, ngày 14/12, tại Hà Nội.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Khắc Kiên

Phát triển điện khí tự nhiên hoá lỏng không thể một sớm, một chiều

Khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng cho biết, phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu. Đồng thời, nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, điện khí LNG có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx ra môi trường (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu).

Tại COP26, Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.

Song, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) không dễ dàng, có thể thực hiện một sớm một chiều. Các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, hiện chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70 - 80% giá thành điện năng sản xuất, nhưng lại nhiều biến động…

Để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo, về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 - 160.000MW, gấp đôi tổng công suất đặt ra hiện nay.

Đường ống dẫn khí tại Kho LNG Thị Vải của PV GAS (Petrovietnam). Ảnh: Khắc Kiên
Đường ống dẫn khí tại Kho LNG Thị Vải của PV GAS (Petrovietnam). Ảnh: Khắc Kiên

Sớm hoàn thiện khung pháp lý

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, Việt Nam cần những chính sách thúc đẩy công tác đầu tư các dự án khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng khí, nhập khẩu khí, điện khí, tái hóa LNG... Để đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam tại COP26. Thực hiện mục tiêu này, nhập khẩu và tiêu thụ LNG để phát điện chính là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đến năm 2035.

Trong khi đó, TS. Chử Đức Hoàng – Chánh Văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học công nghệ) chỉ ra, Việt Nam hiện chưa có một bản quy hoạch phát triển điện khí LNG cụ thể và chi tiết. Việt Nam sẽ phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nhập khẩu khí LNG, do đó, nguồn cung và giá khí LNG sẽ là một thách thức lớn trong việc phát triển điện khí…

Đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam PV GAS (Petrovietnam) Mai Xuân Ba. Ảnh: Khắc Kiên
Đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam PV GAS (Petrovietnam) Mai Xuân Ba. Ảnh: Khắc Kiên

Đại diện Tổng Công ty Khí Việt Nam PV GAS (Petrovietnam) Mai Xuân Ba cho biết, hàng năm, PV GAS cung cấp khí đầu vào để sản xuất gần 11% sản lượng điện, 70% nhu cầu đạm toàn quốc và đáp ứng gần 70% sản lượng khí dầu mở hóa lỏng (LPG) cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực quốc gia.

Theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2023 tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489MW. Trong đó, điện khí LNG sẽ đạt 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930MW chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG là 22.400MW chiếm 14,9%).

"Với cơ cấu nguồn điện, cùng định hướng đến năm 2050 không còn sử dụng than cho phát điện, việc nhập khẩu LNG cho sản xuất điện là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược. Đây chính là cơ hội để PV GAS tiếp tục nỗ lực dẫn đầu xu thế chuyển dịch xanh trong lĩnh vực công nghiệp khí" – vị này nhận định.

Bồn chứa khí tại Kho LNG Thị Vải của PV GAS (Petrovietnam). Ảnh: Khắc Kiên
Bồn chứa khí tại Kho LNG Thị Vải của PV GAS (Petrovietnam). Ảnh: Khắc Kiên

Để triển khai đầu tư hạ tầng nhập khẩu LNG theo đúng quy hoạch, ông Mai Xuân Ba kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng các cơ chế chính sách liên quan đến cấp khí LNG tái hóa cho các nhà máy điện, đơn cử chuyển ngang giá khí LNG tái hóa và bao tiêu khối lượng khí từ hợp đồng mua bán khí sang hợp đồng mua bán điện. Đặc biệt, sớm phê duyệt cước phí qua kho, cước phí đường ống..

Từ các kiến nghị, ông Tạ Đình Thi xác định, phát triển điện khí LNG - giải pháp xanh trong chuyển dịch năng lượng bền vững cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, cơ chế giá, giải phóng mặt bằng,... Trong đó, bao gồm LNG nhập khẩu và sử dụng khí trong nước; Các giải pháp bảo đảm phát triển hạ tầng điện khí tại Việt Nam; Đảm bảo chuỗi cung ứng cho sản xuất điện khí (trong nước và nhập khẩu); Vốn đầu tư, sử dụng đất, không gian biển, hiệu quả kinh tế - xã hội. Đặc biệt, cần quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc, giải pháp đối với các dự án điện khí đang khó khăn, vướng mắc hiện nay.

 

Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Sớm hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án quy mô hàng tỷ USD; rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư ở các luật tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh