Điện Kính thiên và câu chuyện từ trong lòng đất

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tính ra đã 14 năm hì hụi với các hố khai quật khảo cổ đi tìm vóc dáng chính điện Kính Thiên, bao nhiêu thắc thỏm, mong ngóng…

"Trong lòng người Hà Nội, khu di sản ấy vẫn mang trong mình một câu chuyện bí ẩn về kinh thành Thăng Long với những triều đại nối tiếp nhau trong lịch sử - một câu chuyện lịch sử hiện hữu từ trong lòng đất”…

Cuộc “đàm đạo” trong tiết Xuân mới chớm nơi quán trà chén trên đường Hoàng Diệu, bên cổng di tích Hoàng thành Thăng Long, bất chợt nhắc đến một góc lao xao, tự hào và cũng đầy ngóng trông của người Hà Nội.

Ông bạn vốn sinh ra ở nơi Phố Cổ giăng mắc “ngõ nhỏ, phố nhỏ”, yêu Hà Nội từ thẳm sâu ký ức, cứ dõi theo những hé lộ nơi điện Kính Thiên kể từ ngày Cấm Thành mở cửa (năm 2003) cho đến tận bây giờ. Quán trà chén bình yên dưới gốc cây xà cừ già trên đường Hoàng Diệu là nơi ông và tôi hay đến để chiêm nghiệm những trầm tư của Hà Nội trong buổi đô thị hóa. Và những thông tin mới về dấu tích của điện Kính Thiên từ cuộc Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu cực chính điện Kính Thiên năm 2023 và kết quả khai quật, nghiên cứu từ năm 2011 đến nay tại Hoàng thành Thăng Long mới đây, lại đánh thức mối quan tâm suốt hơn 2 thập kỷ đã qua nơi ông.

Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải
Điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Thanh Hải

Thế mới thấy, Hà Nội trong lòng người yêu Hà Nội không phải chỉ là những thói nết, những náo nhiệt hiện hình trong cuộc sống thường nhật, mà là cả những thẳm sâu ẩn náu dưới các lớp đất đô thành, là những câu chuyện ẩn giấu trong những di vật và di chỉ khảo cổ học bên trong 3 vòng thành bí ẩn kia.

Ông bạn tôi chẳng phải là nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng tường tận về đất Thăng Long như thể “nhà của mình”: “Từ năm 2011 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam và Hội Khảo cổ học Việt Nam khai quật nghiên cứu khảo cổ học khu vực trung tâm - khu chính điện Kính Thiên với tổng diện tích khoảng hơn 10.000m2. Mỗi lần một chút hé lộ, rõ thêm rằng các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất”.

Cái ngữ điệu trầm mặc lại như muốn hoài cổ của ông bạn già khi nói về dấu tích của điện Kính Thiên muôn năm cũ có vẻ gì thật đồng điệu với chiều sâu lịch sử của đất Thăng Long ngàn năm.

Ông vui ra mặt mà rằng, năm vừa qua, các nhà khảo cổ đã mở hố khai quật thăm dò tại 3 vị trí: phía Nam nền điện Kính Thiên, nền điện Kính Thiên và phía Tây Bắc nền điện Kính Thiên. Người ta tìm thấy ở đó dấu vết kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ 19 - 20), thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 - 18) và thời Lê sơ (thế kỷ 15 - 16) với nhiều di tích mới phát lộ cho người ta thêm những kiến giải thú vị trong hành trình đi tìm diện mạo khu trung tâm Hoàng thành.

Nào thì 4 móng cột thời Lê Trung hưng có thể giúp xác định kiến trúc giai đoạn này được xây dựng trực tiếp trên nền đất đã tôn đắp thời Lê sơ trước đó.

Nào thì địa tầng nền điện dày trên 3m với các lớp văn hóa liên tục từ thời Nguyễn đến thời Lê sơ, mà trong đó có một phần dấu tích của điện Long Thiên thời Nguyễn và điện Kính Thiên thời Lê đã được xác định…

Thế nghĩa là các dấu tích chính điện còn được bảo lưu rất tốt dưới lòng đất. Đấy còn chưa kể hệ thống di tích, di vật phong phú được tìm thấy, giúp các nhà nghiên cứu bước đầu xác định được một phần kết cấu kiến trúc khu vực chính điện thời Lê sơ gồm có chính điện Kính Thiên, Ngự đạo, sân Đại Triều, cổng, tường vây và hành lang bao quanh. Rồi các di vật tiêu biểu không nhiều nhưng tương đối đầy đủ về niên đại từ thời Đại La, đến thời Nguyễn, đã diễn giải kiến trúc cung điện trong khu trung tâm…

“Người ta nhận định đã đi được 60 - 70% tiến trình phục dựng điện Kính Thiên rồi! Hai “chủ nhân” của hành trình đi tìm diện mạo chính điện sẽ chọn 2 hố khai quật phản ánh chân xác và sinh động dấu tích của tòa chính điện Kính Thiên thời Lê để trưng bày tại chỗ đấy!” - cái hào hứng của ông bạn già rõ là không giấu được những chất chứa thương yêu, tự hào, gắn bó dành cho mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long.

Chợt nhớ cuối tháng 11 vừa rồi, những hình ảnh, mô hình phục dựng điện Kính Thiên thời Lê sơ đã được Viện Nghiên cứu Kinh thành đem ra giới thiệu với công chúng trong trưng bày “Giải mã bí ẩn kiến trúc điện Kính Thiên” tại Bảo tàng Hà Nội. Cái nhìn tương đối đầy đủ về cung điện quan trọng nhất nơi Hoàng thành đã hé lộ từ nguồn tư liệu khảo cổ học, đặc biệt là kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, ngói lợp.

Tư liệu đã chứng minh rằng, kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng - yếu tố được xem như chiếc chìa khóa quan trọng cho hành trình giải mã bí ẩn về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên. Các cấu kiện gỗ, ngói, chân cột đá… chính là điểm tựa để “đo” được chiều dài, chiều rộng, hình thái kiến trúc, hình thức xây dựng, trang trí… của ngôi chính điện. Điền hình là dựa vào kích thước của thềm bậc đá chạm rồng có thể tính được gian chính của điện Kính Thiên có chiều rộng 4,8m, gian hai bên rộng 4,2m.

Số liệu này kết hợp nghiên cứu so sánh với mặt bằng chính điện Lam Kinh (Thanh Hóa) có thể xác định được số gian chiều ngang của điện Kính Thiên là 9 gian, có diện tích khoảng 1.188m2, tổng cộng công trình có 60 cột gỗ… Mái điện Kính Thiên được lợp bằng ngói hình rồng - loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, mang lại một sắc thái riêng, đầy sáng tạo của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

Vậy là, bắt đầu từ những hiện vật hiếm hoi còn lại trên mặt đất, sau gần 14 năm lục tìm dấu tích ẩn mình dưới lòng đất qua bao cuộc đổi dời ngôi vị, câu chuyện về ngôi chính điện lẫy lững trong lịch sử các triều đại Việt Nam đã được giải mã.

Câu chuyện từ trong lòng đất kể rằng: điện Kính Thiên là tòa điện thiết triều, nằm chính giữa trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Đây là nơi diễn ra các nghi thức quan trọng nhất của quốc gia như: lễ Đăng cơ (Hoàng đế lên ngôi), lễ Đại triều và lễ đón tiếp sứ thần các nước của triều đình... Tòa điện này được Vua Lê Thái Tổ xây dựng năm 1428 và được sửa chữa, xây dựng lại vào các năm 1465, 1467. Triều Mạc (1527 - 1593) và Triều Lê Trung hưng (1593 - 1789), điện Kính Thiên được tiếp tục sử dụng làm nơi thiết triều.

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, Vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá hủy để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại những ký ức vàng son của điện Kính Thiên còn lại trên mặt đất ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng, nay đã trở thành bảo vật quốc gia.

Và những người yêu Hà Nội hôm nay vẫn hằng ngày đếm những trầm tư
Hà Nội trên từng nẻo phố cũ để mong giữ lại trọn vẹn một Di sản văn hóa thế giới mang trong nó dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam.