Hình ảnh xấu xí của môn thể thao “nữ hoàng”
Tháng 9/2022, 6 VĐV của đoàn thể thao Việt Nam liên quan đến doping (chất cấm), trong đó có các VĐV điền kinh giành huy chương tại SEA Games 31, gây xôn xao dư luận. Sự việc khiến giới chuyên gia, người hâm mộ và chính các VĐV chưa hết bàng hoàng thì chưa đầy 1 tháng sau, Trung tâm phòng chống doping Việt Nam tiếp tục thông báo cho lãnh đạo ngành thể thao về 3 trường hợp mới, có kết quả mẫu A dương tính với doping. Trong số 3 VĐV mới được phát hiện đều thuộc đội điền kinh (1 nam, 2 nữ). Đặc biệt, có 1 VĐV từng đạt thành tích cao ở đấu trường châu Á.
Vấn đề liên quan đến doping đang phần nào để lại tai tiếng cho thể thao nước nhà nói chung và điền kinh nói riêng. Nhớ lại tại kỳ SEA Games 22 đầy tai tiếng khi Việt Nam đăng cai, 4 VĐV nước chủ nhà bị phát hiện đã dùng chất cấm; gồm 1 VĐV môn đua thuyền canoeing, 2 VĐV lặn và 1 VĐV điền kinh. Nhưng tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam nhiều khả năng thiết lập “kỷ lục” về các VĐV có liên quan đến chất cấm. Đến thời điểm này, mọi danh tính của các VĐV có liên quan đến doping tại SEA Games 31 chưa được công bố công khai khi phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu B.
Theo qui định, phòng xét nghiệm tại Thái Lan sẽ tiến hành thử mẫu B vào tháng 11/2022 và trả kết quả sau khoảng 10 ngày. Hội đồng thẩm định doping của Ban tổ chức SEA Games 31 sẽ đưa ra quyết định sau khi có kết quả.
Tại Việt Nam, bóng đá được ví như môn thể thao “vua”, điền kinh chỉ xếp sau và được gọi là môn thể thao “nữ hoàng” nhưng câu chuyện về doping đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đã gây dựng trong nhiều năm của từ đấu trường khu vực đến châu lục. Dẫu biết rằng, vấn nạn doping không còn là của riêng Việt Nam. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương cũng khẳng định, không chỉ thể thao Việt Nam mà thể thao thế giới cũng phải đối mặt với các vấn đề về doping. Đây có thể xem là một vấn nạn mà thể thao đỉnh cao của thế giới gặp phải suốt nhiều năm qua.
Thực tế cho thấy, dù có nhiều nỗ lực nhưng thể thao Việt Nam và bộ môn điền kinh vẫn không tránh khỏi các án phạt về doping trong suốt thời gian qua. Việc nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về phòng, chống doping cho các HLV, VĐV của thể thao Việt Nam là điều bắt buộc, dù người trong hay ngoài cuộc đều hiểu nhưng hệ luỵ để lại là điều đáng tiếc và tạo nên hình ảnh xấu xí cho chính bộ môn và thể thao nước nhà.
Nỗi lo cho tương lai
Điền kinh là môn trọng điểm, được đầu tư rất kỹ nhiều năm qua. Có thể khẳng định đây là “mỏ vàng” của thể thao Việt Nam ở các đấu trường quốc tế khi có đóng góp lớn vào thành tích chung. Hai Đại hội gần nhất, điền kinh Việt Nam vượt qua Thái Lan để dẫn đầu Đông Nam Á.
Sau SEA Games 31, thể thao Việt Nam hướng đến SEA Games 32 tổ chức tháng 5/2023 tại Campuchia, đồng thời là Đại hội thể thao châu Á – ASIAD 2023 và một số giải đấu có tính quyết định giành vé đến Thế vận hội mùa hè – Olympic 2024. Những thông tin liên quan đến doping, đặc biệt khi có VĐV từng đạt thành tích cao ở đấu trường châu Á càng khiến dư luận và giới chuyên môn đặt ra câu hỏi: Liệu rằng điền kinh sẽ có đủ khả năng để chinh phục các đấu trường ASIAD và Olympic vốn không hề dễ dàng với thể thao Việt Nam?.
Ở ASIAD gần nhất vào năm 2018 diễn ra ở Indonesia, 5 tấm HCV của đua thuyền rowing nữ, điền kinh (Quách Thị Lan, Bùi Thị Thu Thảo) và Pencak Silat (Trần Đình Nam, Nguyễn Văn Trí) là thành tích đáng khen ngợi nhưng đó đã là khoảng thời gian 4 năm trước. Một thực tế phải thừa nhận, giành tấm vé để đến Olympic ngày càng khó khăn với thể thao Việt Nam không chỉ riêng điền kinh. Tại Olympic Tokyo 2020, Quách Thị Lan đại diện cho điền kinh Việt Nam tham dự với tư cách là suất mời.
Phải khẳng định, Quách Thị Lan là niềm tự hào của điền kinh Việt Nam nhưng hiện tại VĐV người Thanh Hoá đã bước sang tuổi 27 tuổi, không còn ở thời điểm phong độ đỉnh cao. Trong khi đó, Bùi Thị Thu Thảo đã bước sang tuổi 30 và đã là bà mẹ 1 con, kết quả tại SEA Games 31 là minh chứng cho câu chuyện về phong độ.
Nguyên Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy từng khẳng định, nếu điền kinh Việt Nam đặt gánh nặng đoạt chuẩn Olympic lên vai Quách Thị Lan sẽ tạo áp lực lớn cho chính VĐV.
“Dù dù có lợi thế là chiều cao tới gần 1m75 và sải chân dài lý tưởng, nhưng thành tích của Quách Thị Lan tại các giải đấu vừa qua chưa cho thấy tín hiệu khả quan. Tới giờ tôi vẫn chưa thấy ai có khả năng thay thế Quách Thị Lan, đó là bài toán buộc chúng ta phải giải” – ông Dương Đức Thuỷ nhận định.
Sau đỉnh cao cùng với vấn nạn doping, điền kinh Việt Nam đang đứng trước nỗi lo và lời giải cho bài toán đối với lứa kế cận cho tương lai. Đặc biệt, sau sự việc các VĐV có liên quan đến doping đang là tiếng chuông báo động cho điền kinh Việt Nam.