Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điện Kremlin chỉ trích lập trường suy diễn về mối đe dọa từ Nga

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) suy diễn về mối đe dọa từ Nga là phi logic và có hại.

 Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Ngày 25/6, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định quan điểm của các quốc gia Baltic và Ba Lan, những nước đang tiếp nhận các lực lượng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên lãnh thổ của mình, trong khi suy diễn về mối đe dọa từ Nga - là hành động phi logic và không có lợi. “Đây là những quốc gia phản đối ý tưởng tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa Nga và EU” - ông Peskov cho hay.
Người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh:“Thật đáng tiếc, chúng tôi nhận được thông tin rằng nhiều quốc gia EU đã phản đối đối thoại với Nga tại hội nghị thượng đỉnh hôm qua. Chúng tôi biết rằng đây chủ yếu là những quốc gia thành viên mới trong EU, cụ thể là các nước Baltic và Ba Lan. Hãy để tôi nhắc lại một lần nữa rằng chúng tôi lấy làm tiếc về sự việc này”.
Ông Peskov cũng lưu ý thêm rằng những quốc gia này thường xuyên đưa ra các tuyên bố vô căn cứ về sự tồn tại của một số mối đe dọa đối với họ từ Liên bang Nga. “Các quốc gia này bày tỏ mối đe dọa từ Nga, song trên thực tế lại đang nỗ lực để tiếp nhận càng nhiều lực lượng từ NATO và các nước khác, đặc biệt là từ Mỹ, càng tốt. Vì vậy, điều này sẽ càng nguy hiểm cho chính họ. Trên hết, họ đang từ chối tổ chức đối thoại. Theo quan điểm của chúng tôi, lập trường này là phi lý. Hơn nữa, lập trường này là có hại nếu xét đến những triển vọng trong tương lai” - người phát ngôn Peskov nói.
Ông Peskov cũng tuyên bố Moscow lấy làm tiếc về việc EU từ chối tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Nga và tiếp tục thực hiện lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Theo một nguồn tin ngoại giao từ Hội đồng châu Âu, tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày ở Brussels, lãnh đạo các nước thành viên EU đã đưa ra quyết định chính trị về việc gia hạn biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng.
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra từ ngày 24 - 25/6, Đức và Pháp đã đề xuất EU họp thượng đỉnh với Nga. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhanh chóng bị gạt sang một bên do bất đồng giữa các nước thành viên.
Đề xuất và ý tưởng của Đức và Pháp đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên EU, đặc biệt là các nước ở Đông Âu. Đại diện các nước này cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga và chỉ nên tổ chức hội nghị thượng đỉnh khi có vấn đề tích cực để thảo luận.