Điện Kremlin đã bày tỏ "lo ngại" về căng thẳng chính trị tại Myanamar tiếp tục leo thang sau vụ chính biến hôm 1/2.
“Theo quan điểm của chúng tôi, tình hình tại Myanmar đang ở mức báo động. Và chúng tôi lo ngại trước thông tin về số lượng thương vong dân sự tại đây ngày càng tăng”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 12/3.
Ông Peskov cho biết, Moscow đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Myanmar và đang phân tích tình hình để đưa ra những quyết định cần thiết, bao gồm cả việc tiếp tục hợp tác quân sự - kỹ thuật. "Trước diễn tiến phức tạp tại Myanmar, chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra ở quốc gia này” - người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về việc liệu Nga, cũng như một số quốc gia khác, sẽ đình chỉ hợp tác quân sự - kỹ thuật với Myanmar hay không, ông Peskov cho hay: "Chúng tôi đang phân tích tình hình tại Myanmar".
Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị ở Myanmar ngày 11/3 cho biết, 12 người biểu tình tại Myamar đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong ngày 11/3.
Báo cáo của Liên Hợp quốc (LHQ) cho thấy, ít nhất 70 người đã thiệt mạng tại Myanmar trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội tiến hành vụ chính biến hồi đầu tháng trước.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 10/3, Hội đồng Bảo an LHQ ra tuyên bố lên án tình hình bạo lực ở Myanmar, đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an LHQ cũng kêu gọi quân đội Myanmar sử dụng các biện pháp hòa bình, khuyến khích biện pháp "đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải theo mong muốn và lợi ích của người dân Myanmar".
Quân đội Myanmar hôm 1/2 đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các quan chức khác, giành quyền kiểm soát đất nước từ chính phủ dân cử của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Lực lượng quân đội Myanmar cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm, đồng thời thông báo ban lãnh đạo của đất nước, bao gồm cả Tổng thống, đã bị cách chức.