Điện Kremlin: Trừng phạt dầu mỏ Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga đang theo dõi chặt chẽ tình hình trên thị trường năng lượng quốc tế.

Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc cắt giảm lượng dầu nhập khẩu của Nga. Ảnh: Reuters
Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc cắt giảm lượng dầu nhập khẩu của Nga. Ảnh: Reuters

Hãng tin Sputnik ngày 5/3 đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng một lệnh cấm vận tiềm tàng đối với dầu mỏ Nga sẽ tác động nghiệm trọng tới thị trường năng lượng toàn cầu. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này. Việc áp lệnh cấm vận với dầu mỏ Nga có thể tác động rất lớn đến các thị trường năng lượng quốc tế và chắc chắn sẽ có những hậu quả nghiêm trọng," ông Peskov nói.

Theo Reuters, hôm 4/3, Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang xem xét việc cắt giảm lượng dầu nhập khẩu của Nga và cân nhắc các biện pháp làm giảm thiểu tác động của việc cắt giảm này đối với nguồn cung và người tiêu dùng toàn cầu.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng Mỹ “đang xem xét một loạt các lựa chọn” nhưng không muốn làm gián đoạn nguồn cung năng lượng toàn cầu. “Chúng tôi đang tìm cách giảm nhập khẩu dầu của Nga, nhưng điều quan trọng nhất là chúng tôi muốn duy trì nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu ổn định," bà Psaki nói tại cuộc họp báo hôm 4/3.

Trước đó, vào ngày 3/3, Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Manchin - đảng viên đảng Dân chủ và Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski - đảng viên Cộng hòa đã đề xuất lưỡng đảng ra dự luật cấm nhập khẩu năng lượng của Nga để phản ứng lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine và các thượng nghị sĩ nói đây là biện pháp chống lại việc Nga “vũ khí hoá” năng lượng.

Dự luật đang được thảo luận tại Thượng viện. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn đang xem xét một cách thận trọng do lo ngại về việc giá xăng dầu leo dốc mạnh sẽ dẫn đến lạm phát vốn đã lập kỷ lục trong 40 năm sẽ tiếp tục tăng cao.

Động thái của chính quyền Mỹ diễn ra khi giá dầu thể giới chạm mức cao nhất trong hơn 10 năm qua vào giữa tuần qua sau khi Mỹ và các đồng minh áp một loạt lệnh trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Nga hiện đang cung cấp khoảng 40% khí đốt cho châu Âu và chiếm khoảng 10% nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos hôm 4/3, đa số đảng viên lưỡng đảng cho rằng Mỹ nên ngừng mua dầu của Nga. Khoảng 80% người Mỹ, gồm đa số người ủng hộ đảng Cộng hòa và Dân chủ tán thành với biện pháp này này.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Cecilia Rouse lưu ý rằng mặc dù Mỹ không nhập khẩu nhiều dầu của Nga nhưng họ vẫn đang cân nhắc một loạt các bước có thể thực hiện. Bà Rouse nhấn mạnh: "Điều thực sự quan trọng nhất là chúng tôi duy trì một nguồn cung cấp nhiên liệu toàn cầu ổn định. Chúng tôi đang xem xét một loạt các lựa chọn mà chúng tôi có thể thực hiện ngay lập tức nếu định cắt giảm việc tiêu thụ dầu mỏ của Nga”.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu trung bình hơn 20,4 triệu thùng sản phẩm dầu thô và dầu tinh chế mỗi tháng từ Nga, chiếm khoảng 8% lượng nhiên liệu lỏng nhập khẩu của Mỹ.

Mỹ hiện là nước  tiêu thụ xăng nhiều nhất thế giới do có nhiều xe vận tải lớn, quãng đường lái xe dài và ít phương tiện giao thông công cộng ở nhiều khu vực.

Đầu tuần này, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody công bố triển vọng về giá cả hàng hóa khi khủng hoảng Nga-Ukraine leo thang, trong đó nói rằng “việc Nga đáp trả các lệnh trừng phạt có thể gây ra cú sốc giá năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần