98% hệ thống được xây dựng, nâng cấp
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, đến năm 2010, hệ thống đường bộ trên địa bàn TP có tổng chiều dài 20.788,46km; trong đó, đường GTNT là 17.130,62km. Hệ thống đường GTNT bao gồm đường trục xã, liên xã; đường trục thôn; đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng.
10 năm qua, hệ thống đường GTNT của Ba Vì đã đổi thay cơ bản, rõ rệt. Trong đó công sức và sự ủng hộ của người dân rất lớn. Có thể khẳng định, người dân là một trong những động lực chính, quan trọng nhất để phát triển GTNT. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng |
Đến nay, toàn TP đã làm mới khoảng 1.300km, nâng chiều dài đường GTNT lên khoảng 18.430km; cải tạo, nâng cấp trên 7.000km. Toàn TP có 378/386 xã (98%) đạt và cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới về GTNT, tăng 85 xã so với cuối năm 2015. Các tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn đã được đầu tư, từng bước hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Bộ GTVT. Đường ngõ xóm khang trang sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa, góp phần cải thiện sinh hoạt của Nhân dân. Đường nội đồng, đặc biệt các hệ thống đường trục chính được xây dựng, nâng cấp gắn liền với công tác dồn điền đổi thửa do vậy phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.
Ông Phạm Văn Phú (huyện Phú Xuyên) bày tỏ: “10 năm qua, đường sá đổi thay đến ngỡ ngàng, không chỉ thuận tiện đi lại mà còn trở thành nét đẹp cho vùng quê, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với đô thị”.
Đổi thay thực chất
Không chỉ xây dựng, nâng cấp đường sá, hàng chục cây cầu cũ, yếu vùng nông thôn ngoại thành đã và đang được thay thế. Có những cây cầu đặc biệt ý nghĩa như cầu Mỹ Hòa, nối hai bờ sông Đáy đã mở ra một nhịp kết nối vô cùng quan trọng giữa hai huyện Ứng Hòa - Mỹ Đức, đồng bộ với các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, thông tới trung tâm TP. Thậm chí, đêm trước ngày khánh thành cầu Mỹ Hòa, người dân hai bên bờ sông đã mở tiệc chào mừng, hân hoan đón nhận cây cầu với những cảm xúc rất đặc biệt.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn chia sẻ, đạt được kết quả to lớn như trên là nhờ có sự chỉ đạo tập trung, đồng bộ và hết sức quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU và những nỗ lực miệt mài của các sở, ngành, địa phương. “Sau 10 năm, hệ thống đường GTNT đã được cải thiện một cách thực chất, tích cực, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần nâng cao đời sồng của Nhân dân khu vực ngoại thành” - ông Tuấn đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh thành công vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại trong công tác đầu tư, xây dựng, duy trì hệ thống GTNT. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội dẫn chứng, hiện hạ tầng GTNT ở nhiều nơi vẫn chưa được đồng bộ, hoàn thiện. Ví dụ như thiếu hệ thống thoát nước, tín hiệu cảnh báo ATGT (sơn kẻ, cọc tiêu, biển báo)… do vậy chưa phát huy tốt nhất năng lực hạ tầng.
Một số nơi, đường trục chính nội đồng đã được đầu tư cứng hoá nhưng do triển khai theo từng giai đoạn (giai đoạn 1 cứng hoá bằng cấp phối để phục vụ sản xuất, giai đoạn 2 sẽ nâng cấp mặt bê tông xi măng), do vậy vẫn phải tiếp tục duy trì và nâng cấp. Nhiều cây cầu yếu vẫn chưa được thay thế, hạn chế hiệu quả chung của hệ thống GTNT. Công tác duy tu, duy trì vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu và chưa bài bản theo quy định. Công tác quản lý việc sử dụng đất trong hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật còn bị buông lỏng ở không ít địa phương. Đặc biệt là cán bộ quản lý hệ thống GTNT của cấp xã còn thiếu và năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông Ngô Mạnh Tuấn đề xuất, thời gian tới, các địa phương cần tập trung xây dựng kế hoạch để từng bước đầu tư cải tạo, thay thế các cầu yếu để đảm bảo ATGT. Trong công tác đầu tư hệ thống đường GTNT cần quan tâm hơn đến yếu tố ATGT (sơn kẻ, biển báo, hộ lan, gờ giảm tốc...). Nhất là các vị trí giao cắt với các đường cấp cao hơn (đường huyện, đường tỉnh, đường quốc lộ...) phải nghiên cứu, tổ chức giao thông hợp lý để giảm tốc độ các phương tiện khi ra đường chính. Bên cạnh đó, TP cũng cần tiếp tục quan tâm, bố trí kế hoạch vốn và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý, duy tu, duy trì hệ thống đường GTNT.