Diện mạo mới của một phường văn hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (27/4), phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) chính thức đón nhận danh hiệu “Phường văn hóa” sau 4 năm nỗ lực đổi thay cả về cơ sở vật chất lẫn ý thức người dân.

Đây là bước đệm lớn để xây dựng nếp sống văn hóa, lối sống văn minh nơi đô thị.

Văn hóa len vào cách sống

4 năm với sự ủng hộ nhiệt thành của người dân, phường Nhật Tân đã hoàn thành 5 tiêu chuẩn với 41 tiêu chí cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, từ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân, đến xây dựng các thiết chế văn hóa, lối sống, cách ứng xử… Những con số tưởng rất khô khan mà phường đã đạt được như 85% hộ trở lên có đời sống kinh tế trên mức trung bình, nhiều hộ giàu; 100% số khu dân cư, tổ dân phố đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa, trên 60% khu dân cư đạt văn hóa; 100% khu dân cư đều có điểm sinh hoạt văn hóa, có nhà văn hóa phường, thư viện... đã tạo nên một diện mạo mới cho phố phường. Nhiều người dân ở Nhật Tân cho rằng, chính nhờ các mô hình như “Tổ dân phố không rác” đã tạo nên ấn tượng rất tốt cho du khách khi đến Nhật Tân, bởi nơi đây không còn cảnh rác thải bừa bãi, ít thấy chó thả rông, không còn thấy rác quảng cáo rao vặt dán chi chít ở các tường, cột điện trong các ngõ ngách, hay nói cách khác “văn hóa đã len vào cách sống”.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ tại phường Nhật Tân.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ tại phường Nhật Tân.
Chủ tịch UBND phường Nhật Tân Nguyễn Văn Tài cho biết, dù đã “lên phố” gần 20 năm, nhưng những truyền thống của một làng cổ bên bờ hồ Tây vẫn đang được gìn giữ. Không chỉ tình làng nghĩa xóm sau đậm, nơi đây cũng là một trong không nhiều phường ở Hà Nội còn giữ được nếp sinh hoạt của Hội Nông dân và HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp. Dù diện tích canh tác bị thu hẹp, nhường chỗ cho các công trình dân sinh thì người dân Nhật Tân vẫn bền bỉ giữ nghề. Không còn đất trong đê, họ chuyển dần sản xuất nông nghiệp ra ngoài bãi sông Hồng. Nhãn hiệu “Hoa đào Nhật Tân” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận năm 2008, sản phẩm hoa đào Nhật Tân được người tiêu dùng bình chọn “Sản phẩm tin cậy, dịch vụ hoàn hảo, nhãn hiệu ưa dùng năm 2014” đã tạo thành một “thương hiệu văn hóa” của mảnh đất này.

Nhìn về phía trước

Như lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, phường văn hóa không chỉ đơn thuần đáp ứng được các tiêu chí đã đề ra, mà phường phải thực sự văn hóa, ngay từ đường làng ngõ xóm sạch sẽ, văn hóa ăn uống, ứng xử phải văn minh, đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân “giàu” cả về lượng và chất… Bởi thế, danh hiệu “Phường văn hóa” Nhật Tân đón nhận hôm nay chỉ là bước khởi đầu.

 Điều đó có lẽ “nằm lòng” với người Nhật Tân, thế nên ông Tài chia sẻ: Phường sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và nỗ lực hết mình để đưa lên một mức mới, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại trong trật tự văn minh đô thị; phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa; nâng cao nhận thức của người dân trong xây dựng lối sống văn minh… Đặc biệt, trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hiện, phường đã có 90% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình “văn hóa - sức khỏe”, 80% tổ dân phố đạt danh hiệu tổ dân phố “văn hóa - sức khỏe”. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả những mô hình phù hợp với địa bàn như vai trò của Hội Người cao tuổi và các vị trông nom, trụ trì di tích khuyến khích người dân thực hiện các nội dung của cuộc vận động.

Gặp gỡ người dân Nhật Tân trong những ngày phường chuẩn bị đón danh hiệu “Phường văn hóa”, có thể thấy niềm tự hào thể hiện rõ. Vì thế, bản thân người dân của “Phường văn hóa” cũng ý thức được trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy danh hiệu, hướng tới mục tiêu lớn hơn là xây dựng Nhật Tân trở thành phường Văn minh đô thị giai đoạn 2015 - 2020.